Giới thiệu đơn vị

Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí: Viết tiếp những trang sử hào hùng

Thứ ba, 24/10/2023 | 14:19 GMT+7
Ngày 19/5/1961, nhân kỷ niệm lần thứ 71 sinh nhật Bác Hồ, Nhà máy Điện Uông Bí được khởi công xây dựng. Trải qua 62 năm xây dựng và phát triển, Nhà máy Điện Uông Bí (sau này là Công ty Nhiệt điện Uông Bí) đã ghi nhiều dấu ấn vẻ vang.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng các cấp lãnh đạo và chuyên gia Liên Xô trong Lễ khánh thành Nhà máy Điện Uông Bí ngày 18/1/1964. (Ảnh tư liệu).

Thời điểm khởi công xây dựng, Nhà máy Điện Uông Bí là công trình nhiệt điện lớn nhất miền Bắc. Dưới sự giúp đỡ chí tình của Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân Liên Xô, sự lao động hết mình, lòng dũng cảm, đức tính cần cù và trí thông minh sáng tạo của tập thể CBCNV trên công trường, sau 30 tháng lao động vất vả, ngày 26/11/1963, dòng điện đầu tiên của Tổ máy số 1 Nhà máy Điện Uông Bí đã sáng bừng, hòa chung vào lưới điện của miền Bắc XHCN.

Tiếp đó, ngày 18/1/1964 Nhà máy khánh thành đợt 1 với tổng công suất đạt 24MW. Ngày 2/9/1965 Nhà máy tổ chức lễ khánh thành đợt 2, đưa tổng công suất nhà máy lên 48MW, trở thành nhà máy lớn nhất cả nước khi đó, đánh dấu một sự kiện đáng ghi nhớ của ngành công nghiệp điện Việt Nam.

Đây là thời điểm Nhà máy bị không quân Mỹ đánh phá ác liệt. Nêu cao khẩu hiệu “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”, “Địch phá ta phục hồi", CBCNV Nhà máy đã dũng cảm trong chiến đấu, thông minh, sáng tạo trong lao động, bằng mồ hôi và xương máu của mình để sản xuất điện cung cấp cho miền Bắc. Từ năm 1965-1973, Nhà máy đều hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao, vinh dự đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 1973).

Sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), Nhà máy vừa lo khắc phục hậu quả của chiến tranh, vừa tiếp tục mở rộng đợt 3, 4 theo thiết kế. Đến ngày 15/12/1977, công tác phục hồi và mở rộng Nhà máy hoàn toàn thắng lợi, nâng tổng công suất của 4 đợt lên 153MW, trở thành nhà máy chủ lực cung cấp điện cho miền Bắc.

Cán bộ, công nhân Nhà máy Điện Uông Bí bình tĩnh điều hành và bám máy sản xuất điện dưới làn bom đạn Mỹ. (Ảnh tư liệu).

Những năm 90 của thế kỷ XX, miền Bắc đứng trước thực trạng thừa điện, đối mặt với 2 khả năng có thể xảy ra. Một là ngừng sản xuất, công nhân không có việc làm và phải giải quyết chế độ thôi việc. Hai là phải tháo gỡ máy móc, thiết bị để di dời vào miền Nam (lúc này đang thiếu điện). Đã có ý kiến nêu ra trước Quốc hội để “thăm dò” ý kiến các đại biểu về khả năng di dời Nhà máy. Đảng ủy và Ban Giám đốc Nhà máy đã dồn toàn bộ tâm trí để lựa chọn giải pháp phù hợp nhất là: Phải giữ được Nhà máy và giữ được đội ngũ công nhân lành nghề để phát điện trở lại khi hệ thống có nhu cầu.

Ông Lê Kế Bá, nguyên Giám đốc Công ty Nhiệt điện Uông Bí, xúc động cho biết: Một loạt giải pháp được đưa ra là giữ lại các tổ máy và đưa ra các giải pháp bảo dưỡng để duy trì các thiết bị của tổ máy trong trạng thái không phát điện, chờ đường dây 500kV hoàn thành sẽ phát điện trở lại; tìm kiếm việc làm để duy trì đội ngũ CBCNV có nhiều kinh nghiệm; tổ chức các đội xây lắp điện đi xây lắp, bảo dưỡng các đường dây và trạm của hệ thống điện trên khắp các đơn vị điện lực ở miền Bắc. Đây là giải pháp tình thế rất sáng tạo và đúng đắn trong điều kiện cho phép của buổi đầu chuyển đổi sang cơ chế thị trường. Cái được lớn nhất ở đây là Nhà máy không mất nguồn nhân lực quý do chính mình đào tạo và họ đã trưởng thành lên từ thực tiễn sản xuất và chiến đấu.

Với sự hy sinh, chiến đấu và lao động dũng cảm của cán bộ, công nhân Nhà máy, năm 1998 Nhà máy vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, tiếp tục đánh dấu mốc son lịch sử hào hùng của các thế hệ CBCNV Nhà máy.

Toàn cảnh Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí hôm nay. (Ảnh đơn vị cung cấp).

Với mục tiêu phát triển của nền công nghiệp và giữ vững an ninh năng lượng quốc gia, Dự án Nhiệt điện Uông Bí mở rộng, công suất 300MW, được Chính phủ phê duyệt đầu tư và được khởi công ngày 26/5/2002, bàn giao thương mại ngày 27/11/2009.

Trước nhu cầu điện năng ngày một tăng, Công ty đã chuẩn bị nguồn lực sẵn có để sẵn sàng tiếp nhận Dự án Nhiệt điện Uông Bí mở rộng 2, công suất 330MW, được bàn giao thương mại năm 2013, nâng tổng công suất lên 630MW, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với khoảng 4 tỷ kWh/năm.

Sau 62 năm đi vào hoạt động, tổng sản lượng điện đóng góp cho hệ thống điện quốc gia của Công ty gần 90 tỷ kWh, nộp ngân sách hơn 100 tỷ đồng/năm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP Uông Bí. 6 tháng năm 2023, Công ty phát sản lượng đạt trên 2,1 tỷ kWh (gần 55% kế hoạch năm), là sản lượng điện cao nhất từ trước tới nay của Công ty, góp phần đảm bảo nguồn năng lượng cho hệ thống điện quốc gia trong bối cảnh thiếu hụt công suất.

Đoàn công tác của Tổng Công ty Phát điện 1 kiểm tra tình hình sản xuất tại Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí.

Ông Đỗ Trung Kiên- Giám đốc Công ty Nhiệt điện Uông Bí, khẳng định: Phát huy truyền thống của đơn vị 2 lần Anh hùng, Công ty tiếp thu công nghệ mới, áp dụng triệt để CNTT vào mọi lĩnh vực sản xuất. Những người thợ của thời đại công nghệ 4.0 sẽ viết tiếp những trang sử vàng 62 năm qua của Nhà máy, góp phần tích cực vào sự phát triển lớn mạnh không ngừng của ngành Điện, của tỉnh và TP Uông Bí.

Link gốc

 

Theo: Báo Quảng Ninh