Đại diện nhà máy chia sẻ về quá trình đốt rác, tái tạo năng lượng.
Sau thời gian chậm tiến độ do nhiều lý do khách quan và chủ quan, nhà máy điện rác Sóc Sơn, dự án điện rác lớn Việt Nam và lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau nhà máy điện rác Thâm Quyến (Trung Quốc) đã chính thức hòa vào lưới điện quốc gia.
Đây là dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng do chủ đầu tư Công ty Cổ phần môi trường năng lượng Thiên Ý, Tổng thầu MCC (Trung Quốc) thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Tổng giám đốc phát triển thị trường tại Đông Nam Á, Công ty Cổ phần Môi trường Năng lượng Thiên Ý cho biết: Nhà máy điện rác Sóc Sơn đã có thời gian vận hành thử nghiệm quy trình đốt rác lấy điện, đã được kiểm tra kỹ lưỡng và nghiệm thu. Hôm nay, nhà máy đã hòa lưới điện thành công tổ máy số 1 của giai đoạn 1, trong quá trình vận hành nhà máy đã nghiêm túc thực hiện và đảm bảo các yếu tố bảo vệ môi trường.
Dự kiến khoảng 20 MW điện sinh ra từ quá trình đốt rác sẽ phục vụ hoạt động của nhà máy và khoảng 50 MW sẽ hoà vào điện lưới quốc gia. Việc vận hành nhà máy chia làm 3 giai đoạn với tổng số 5 lò đốt và 3 tổ máy phát điện.
Giai đoạn 1 sẽ có 1 lò đốt và 1 tổ máy vận hành, khoảng 1.000 tấn rác tươi sẽ được nhà máy tiếp nhận mỗi ngày. Giai đoạn 2 gồm 2 lò đốt và giai đoạn 3 gồm 2 lò đốt nữa sẽ vận hành trong năm 2022.
Nhà máy sử dụng 5 lò ghi cơ học kiểu Waterleau của Bỉ, khi đi vào hoạt động 5 lò đốt có tổng công suất lớn sẽ xử lý được 4.000 tấn rác khô, tương đương 5.000 tấn rác tươi mỗi ngày, giải quyết được từ 60-70% lượng rác đang chôn lấp của Hà Nội hiện nay. Giải quyết việc xử lý rác thải sinh hoạt không phân loại của 9 quận nội thành và 5 huyện (Thanh Trì, Gia Lâm, Từ Liêm, Đông Anh, Sóc Sơn).
Nhà máy điện rác Sóc Sơn sau khi đi vào vận hành sẽ đáp ứng được nhu cầu giải quyết vấn đề xử lý rác thải của thành phố Hà Nội, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Hà Nội thông minh, bền vững. Đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường và tận dụng nguồn năng lượng tái tạo, phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững của chính phủ.
Theo: VnEconomy