Nhiều ưu đãi đặc biệt...
|
Giới thiệu mô hình điện hạt nhân tại triển lãm ở Hà Nội |
Làm thế nào để đảm bảo chỉ tiêu đào tạo nhân lực cho Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là vấn đề cấp bách đặt ra. Trong buổi làm việc với các bộ, ngành về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực NLNT đầu tháng 1 vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo: Phải ưu đãi đặc biệt cho nhân lực NLNT.
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định miễn hoàn toàn học phí và phí ký túc xá cho sinh viên theo học ngành này. Sinh viên loại giỏi trở lên được học bổng gấp 15 lần học phí/tháng, sinh viên loại khá được học bổng gấp 8 lần học phí/tháng. Sinh viên năm cuối đạt loại khá trở lên được xét tuyển đi học 6 tháng tại một số nước phát triển về ngành NLNT. Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi trở lên được chuyển thẳng hệ cao học và làm nghiên cứu sinh trong và ngoài nước; được ưu tiên tuyển vào làm việc tại các cơ quan NLNT mà không phải thử việc.
Những người tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngành NLNT được hỗ trợ kinh phí bằng 30 lần mức lương tối thiểu của cán bộ công chức nếu có công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế trong danh mục ISI. Sinh viên đại học, cao học, nghiên cứu sinh theo học các chuyên ngành trong lĩnh vực này ở nước ngoài sẽ được cấp vé máy bay khứ hồi hạng phổ thông, lệ phí làm hộ chiếu, visa, sinh hoạt phí bằng 1,2 lần mức cao nhất hiện đang được áp dụng.
… Vẫn thiếu hụt
Hiện Việt Nam có 792 cán bộ có trình độ đại học trở lên đang làm việc trong lĩnh vực NLNT. Rõ ràng, so với nhu cầu, nhân lực cho ngành NLNT còn thiếu hụt rất lớn.
Theo Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”, đến năm 2020, Việt Nam sẽ đào tạo được 2.400 kỹ sư, 350 thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành ĐHN; 650 kỹ sư, 250 thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành quản lý. Trong đó có ít nhất 200 kỹ sư và 150 thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài. Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ đào tạo mới 100 thạc sĩ và tiến sĩ làm công tác giảng dạy và 500 lượt các nhà quản lý, khoa học được cử đi khảo sát, học tập kinh nghiệm tại các nước phát triển về NLNT.
Thời gian đầu, sẽ có 6 trung tâm tham gia đào tạo là: Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học quốc gia Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh), Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Đà Lạt, Đại học Điện lực và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ KH&CN). Hàng năm, các cơ sở này phải tuyển sinh đạt tối thiểu 250 sinh viên.
Tuy nhiên, thực tế, Đại học Điện lực 3 năm qua đều phải tuyển thêm nguyện vọng 2 mới đủ. Năm 2012, nhà trường chỉ tuyển được 17/50 chỉ tiêu nguyện vọng 1. Sau 3 năm đào tạo, khóa đầu tiên chỉ còn lại 40/58 sinh viên theo học. Năm 2012, Đại học Đà Lạt chỉ tuyển được 10 thí sinh cho khóa đầu tiên ngành kỹ thuật hạt nhân với mức điểm chuẩn 16,5. Tình trạng này cũng tương tự ở các cơ sở đào tạo khác.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân:
Phải tạo môi trường làm việc tốt để cán bộ được tự do sáng tạo, được giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm với các đồng nghiệp trong và ngoài nước. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách ưu đãi cho cán bộ học và làm việc trong ngành NLNT, tăng cường công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận sâu rộng về chủ trương phát triển ĐHN. |