Tin thế giới

Nhật Bản đẩy mạnh ngoại giao năng lượng

Thứ năm, 20/7/2023 | 09:23 GMT+7
Nhật Bản hy vọng những công nghệ năng lượng xanh và tái tạo của mình có thể giúp các nước vùng Vịnh đẩy nhanh nỗ lực phi carbon hóa.


Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (trái) và Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed al Nahyan tại cuộc gặp ở thủ đô Abu Dhabi. Ảnh: Reuters

Nhật Bản đang thúc đẩy ngoại giao năng lượng thông qua chuyến công du Trung Đông của Thủ tướng Kishida Fumio, diễn ra từ ngày 16 đến 19-7.

Nhà lãnh đạo này lần lượt đến Ả Rập Saudi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Qatar trong chuyến đi tập trung vào nguồn cung năng lượng và thúc đẩy công nghệ xanh.

Tại Ả Rập Saudi ngày 16-7, Thủ tướng Kishida và Thái tử Mohammed bin Salman nhất trí tiếp tục hợp tác về năng lượng sạch và thành lập sáng kiến "Manar", theo đó giúp các nước trên thế giới đạt mục tiêu trung hòa carbon. Ngoài ra, Riyadh cam kết bảo đảm nguồn cung năng lượng cho Tokyo.

Trong chặng dừng chân thứ 2 tại thủ đô Abu Dhabi - UAE, Thủ tướng Kishida và Tổng thống Sheikh Mohammed bin Zayed al Nahyan của nước chủ nhà ngày 17-7 nhất trí hợp tác về công nghệ và biến đổi khí hậu.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, hai nước cũng đồng ý về một khuôn khổ để thảo luận việc UAE đầu tư vào công nghệ chip và pin ở Nhật Bản.

Chuyến thăm Qatar sau đó một ngày đánh dấu lần đầu tiên một thủ tướng Nhật Bản đến quốc gia này trong gần 10 năm.

Theo đài NHK, tại cuộc gặp Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani ngày 18-7, ông Kishida đã thảo luận chuyện hợp tác với nước chủ nhà trong việc bảo đảm nguồn cung khí thiên nhiên hóa lỏng.

Bất chấp đề ra mục tiêu tham vọng là đạt trung hòa carbon vào năm 2050, Nhật Bản hiện vẫn dựa nhiều vào nhiên liệu hóa thạch và khoảng 90% dầu thô nhập khẩu của nước này đến từ Trung Đông, trong đó phần lớn là của Ả Rập Saudi và UAE.

Điều này khiến cho Trung Đông đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với Nhật Bản. Ông Shuji Hosaka, chuyên gia của Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản, nhận định với tờ The Japan Times rằng ngay cả khi nhập khẩu năng lượng tiếp tục sụt giảm trong tương lai, Nhật Bản vẫn sẽ mua dầu khí từ Trung Đông, thậm chí là sau năm 2050.

Dù vậy, theo ông Hosaka, mối quan hệ giữa Nhật Bản và các nước ở Trung Đông nên phát triển vượt ra ngoài khuôn khổ nhiên liệu. Riêng với Tokyo, việc giúp các nước này đạt được mục tiêu trung hòa carbon đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực duy trì mối quan hệ các bên đều có lợi.

Ả Rập Saudi hiện đặt mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2060. Với UAE, nước chủ nhà của Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) vào tháng 11 tới, mục tiêu này là vào năm 2050.

Giới chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Tokyo đang muốn giúp các nước trên đa dạng hóa nguồn thu quốc gia trong lúc bảo đảm các dòng chảy năng lượng ổn định đến Tokyo. Ngoài ra, Nhật Bản hy vọng những công nghệ năng lượng xanh và tái tạo của mình có thể giúp các nước vùng Vịnh đẩy nhanh nỗ lực phi carbon hóa.

Ông Mohammed Soliman, chuyên gia tại Viện Trung Đông (Mỹ), nhận định chuyến thăm của ông Kishida cho thấy Nhật Bản muốn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và tăng trưởng của Trung Đông, nhất là khi thế giới đang trải qua tiến trình chuyển đổi năng lượng chưa từng có tiền lệ.

Link gốc

Theo: NLĐ