Thời gian gần đây, lắp đặt điện mặt trời mái nhà đang được nhiều người dân lựa chọn
Hiện nay, nhiều người dân Hà Tĩnh đã lựa chọn cách đầu tư này.
Địa bàn Hà Tĩnh là một trong những vùng đất nắng nóng đỉnh điểm vào mùa khô, thế nên thường vào những mùa này lượng tiêu thụ điện người dân trên địa bàn tăng vọt. Điều này đồng nghĩa với việc điện lưới quá tải, một số gia đình xa nguồn không đủ lượng điện tiêu thụ.
Mong muốn được sử dụng nguồn điện ổn định và giảm chi phí điện hằng ngày, thời gian gần đây ngày càng nhiều gia đình đầu tư vào điện mặt trời áp mái.
Anh Nguyễn Xuân Trí - TDP 5, phường Nam Hồng, TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) cho biết: “Từ lâu tôi đã có dự định lắp đặt hệ thống điện mặt trời, vừa qua tôi xây xong căn nhà mới nên quyết định lắp đặt hệ thống này.
Tôi đã sử dụng hệ thống điện mặt trời của Công ty CP Hekinan, công nhân của họ lắp đặt rất chuyên nghiệp, các thủ tục hành chính được thực hiện rất nhanh, thế nên tôi cảm thấy rất yên tâm”.
Sử dụng hệ thống điện mặt trời là giải pháp tiết kiệm tiền điện tối đa cho các doanh nghiệp sản xuất như gia đình ông Đặng Việt Hùng, TDP 1, phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh. Trước đây mỗi tháng ông phải trả hơn 3 triệu đồng, thì nay hóa đơn tiền điện giảm xuống chỉ còn hơn 1 triệu đồng.
Ông Hùng cho biết: “Nhà tôi đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà được một thời gian, với 15 tấm pin loại 330 W/tấm (tương đương 5kw), bộ chuyển đổi dòng điện và hòa lưới (inverter), cho phép điện mặt trời hòa vào điện lưới quốc gia.
Trung bình mỗi ngày, hệ thống điện mặt trời áp mái của gia đình tôi sản sinh khoảng 25kwh điện, thoải mái để vận hành các thiết bị điện trong nhà; còn có điện dư thừa, được “thiết bị thông minh” phát lên điện lưới bán lại cho EVN. Nhờ vậy, gia đình tiết kiệm được gần 2 triệu đồng tiền điện hàng tháng và thời gian để hoàn vốn đầu tư hệ thống cũng khá nhanh”.
Hiện nay, việc đầu tư hệ thống ĐMTMN được coi là giải pháp hữu ích, thiết thực vừa tiết kiệm tiền điện tối đa, vừa có thể bán điện dư thừa; đồng thời góp phần tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm tải áp lực cho điện lưới quốc gia. Với những lợi ích thiết thực đó, xu hướng người dân sử dụng các thiết bị điện mặt trời ngày càng gia tăng.
Theo thống kê của PC Hà Tĩnh, đến hết tháng 6/2020, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có 120 chủ đầu tư ĐMTMN, với tổng công suất đấu nối 8,28 MWp, phát trên lưới điện của EVN từ đầu năm đến nay là 2,3 triệu kWh. Trong đó có 94 chủ đầu tư sử dụng ĐMTMN vào việc sinh hoạt với tổng công suất gần 600 kWp.
Nhằm khuyến khích người dân lắp đặt, sử dụng ĐMTMN thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ.
Đặc biệt, Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg nêu rõ, các dự án trên mái nhà được thực hiện theo cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều, đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng, chặt chẽ cho 2 bên mua và bán ĐMTMN; đồng thời tạo động lực khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực đầu tư vào các dự án ĐMTMN.
Bộ Công thương cũng đã ban hành Thông tư 05/2019/TT-BTC ngày 11/3/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017, quy định cụ thể giá điện năng từ các dự án điện mặt trời mái nhà. Theo đó, mức giá mua bán điện của dự án điện mặt trời mái nhà được áp dụng năm 2019 là 2.134 đồng/kWh (chưa có thuế VAT). Kể từ năm 2020 và các năm tiếp theo, giá mua điện tính theo chênh lệch tỷ giá từng năm cụ thể.
Tuy nhiên, ĐMTMN vẫn còn khá mới mẻ với người dân, nhằm thúc đẩy phát triển ĐMTMN theo chủ trương của Nhà nước, PC Hà Tĩnh cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị điện lực phối hợp với các nhà cung cấp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng trong việc đấu nối điện mặt trời vào lưới điện; để vừa đảm bảo sử dụng cho sinh hoạt, sản xuất và có thể bán điện dư thừa.
Hiện trên địa bàn Hà Tĩnh, các công ty đã có những sản phẩm nhập khẩu nước ngoài để phục vụ người dân