Diễn đàn năng lượng

Nhiều tiềm năng sản xuất hydro xanh ở Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ

Thứ năm, 8/6/2023 | 15:43 GMT+7
Theo tính toán nghiên cứu của Viện Năng lượng, sử dụng hydro xanh có thể giảm 3,9 triệu tấn CO2 vào 2030 và nâng lên 363,8 triệu tấn CO2 vào 2050, do đó cần đẩy nhanh quá trình sản xuất loại năng lượng này ở Việt Nam.


Sản xuất hydro xanh nội địa được là giải pháp quan trọng trong chuyển dịch năng lượng của Việt Nam. 

Tại hội thảo “Đánh giá tổng thể về sản xuất Hydro xanh từ các nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng gió và tiềm năng sử dụng ở Việt Nam”, ngày 8/6, ông Nguyễn Thế Thắng, đại diện Viện năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đã cam kết cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực giữ nhiệt độ trái đất tăng không quá 1,5 độ C và giảm phát thải ròng carbon của quốc gia về 0 vào năm 2050.

Để thực hiện cam kết của mình, Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp chuyển dịch năng lượng công bằng. Trong đó, việc sử dụng hydro xanh được đánh giá là giải pháp có vị trí ngày càng quan trọng trong lộ trình chuyển dịch năng lượng do những đặc tính ưu việt về giảm phát thải các khí ô nhiễm và CO2. Nhằm giúp các nhà đầu tư, chuyên gia nắm được những thực tế của Việt Nam từ đó đưa ra những khuyến nghị, Viện Năng lượng đã tiến hành Dự án đánh giá tổng thể hydro xanh từ năng lượng mặt trời và năng lượng gió của Việt Nam.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Trường, chuyên gia đại diện cho nhóm nghiên cứu dự án cho biết, nhu cầu sử dụng hydro xanh cho các ngành sản xuất của Việt Nam sẽ là một con số lớn. Ước tính ngành thép sẽ cần 9,5 triệu tấn hydro xanh vào 2050 và với ngành xi măng là 1,8 triệu tấn. Đối với ngành lọc hóa dầu nhu cầu đến năm 2050 là 179.000 tấn hydro xanh. Sản xuất điện cũng có nhu cầu là hơn 19,5 triệu tấn vào 2050.

Cũng theo tính toán của dự án, tổng lượng giảm phát thải CO2 khi sử dụng hydro xanh ở các kịch bản, năm 2030 sẽ giảm khoảng 3,9 triệu tấn CO2 tương ứng 0,6% so với phát thải cơ sở. Năm 2050 giảm khoảng 363,8 triệu tấn CO2 tương ứng 30,1% so với phát thải cơ sở.


So sánh lượng phát thải CO2 giữa kịch bản cơ sở và kịch bản sử dụng hydro xanh đến năm 2050. Nguồn: Dự án nghiên cứu của Viện Năng lượng.

Điều này cho thấy, hydro xanh là yếu tố quan trọng góp phần đạt được mục tiêu Net zero trong toàn lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, chi phí sản xuất và phân phối hydro xanh vẫn ở mức cao, nguồn điện cung cấp cần ổn định.

Do đó, nhóm chuyên gia nghiên cứu dự án khuyến nghị sản xuất hydro xanh tốt nhất ở những địa điểm thuận lợi, có nguồn điện tái tạo tại chỗ. Nguồn hydro xanh sản xuất ra có thể được cung cấp trực tiếp cho hộ tiêu dùng công nghiệp địa phương để hạn chế chi phí lưu giữ và vận chuyển.

Dự án nghiên cứu nhận thấy rằng, Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ là vùng được đánh có nhiều tiềm năng nhất để sản xuất loại năng lượng này. Nguyên nhân được ông Trường đưa ra bởi đây là hai vùng có thuận lợi về đất đai, nguồn nước và thuận tiện khi xuất nhập khẩu hydro xanh. Đồng thời, có tiềm năng lớn về điện mặt trời và điện gió. Các chính sách phát triển năng lượng tái tạo và giá điện FiT đã thúc đẩy phát triển mạnh các dự án điện mặt trời và điện gió các năm qua, đặc biệt ở hai vùng này.

“Ngoài ra, hai vùng này là nơi tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp trọng điểm như lọc hóa dầu, sản xuất điện, hóa chất, phân bón… Đây là nơi tiêu thụ sản phẩm hydro xanh tiềm năng. Do đó, có sự thuận lợi trong việc sản xuất, vận chuyển và sử dụng hydro xanh nhờ ưu điểm về khoảng cách, cơ sở hạ tầng vận chuyển, phân phối, lưu chứa”, vị chuyên gia phân tích.

Nhìn nhận về lộ trình sản xuất hydro xanh ở Việt Nam, ông Patrick Haverman, Phó Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, với mức tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, Việt Nam cũng tăng nhu cầu tiêu thụ năng lượng với tốc độ khoảng 10 - 12% hàng năm, đảm bảo tránh tình trạng thiếu điện cục bộ và tăng cường an ninh năng lượng.

"Trong bối cảnh Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp, sản xuất hydro xanh nội địa được xem là một trong những giải pháp quan trọng của quá trình chuyển dịch năng lượng. Hydro xanh sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn năng lượng, giúp gia tăng độ linh hoạt của hệ thống điện, cung cấp nhiên liệu trong sản xuất công nghiệp và vận tải” - ông Patrick Haverman cho hay.


Ông Patrick Haverman (ngồi bên trái).

Tuy nhiên, theo ông Patrick Haverman, hydro xanh ở Việt Nam vẫn còn khá mới chưa có khung pháp lý chính thức để tăng cường năng lực. Điều này đặt ra thách thức đáng kể đòi hỏi sự hợp tác đồng bộ của Chính phủ, các bên liên quan và các đối tác quốc tế. Các dự án song phương cho thấy việc sử dụng hydro xanh có thể áp dụng cho cả các dự án carbon cao để giảm thiểu chi phí, tăng cường hiệu quả. UNDP sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam trên lộ trình này để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không.

Link gốc

Theo: Mekong Asean