Sự kiện

Nhọc nhằn dòng điện Sapa

Thứ tư, 22/10/2008 | 10:56 GMT+7
Nhân chuyến đi Lào Cai dự Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tây Bắc, chúng tôi được tháp tùng Phó Thủ tướng Trưỡng Vĩnh Trọng đến thăm Dự án thủy điện Sử pán 2. Đây là dự án thủy điện thuộc hệ thống Ngòi Bo, nhánh sông cấp 1 bắt nguồn từ dãy núi cao Hoàng Liên chảy theo hướng Đông Nam- Tây Bắc và đổ vào sông Hồng.

 

 

Một góc công trường

Theo khảo sát, trên Ngòi Bo có thể làm tới 7 công trình thủy điện gồm Séo Chung Hô, Sử Pán 1, Sử Pán 2, Nậm Củn, Tà Thàng, Nậm Sài, Nậm Toóng. Tuy nhiên, đến nay mới có 1 công trình đang xây dựng đúng tiến độ. Đó là dự án thủy điện Sử Pán 2 công suất lắp máy 34,5 MW, tổng mức đầu tư 667,493 tỷ đồng, do Công ty cổ phần thuỷ điện Sông Đà- Hoàng Liên làm chủ đầu tư.

Góc khuất Sapa

Nhà máy thủy điện Sử pán 2 cách thị trấn Sapa gần 20 km. Sau trận lũ lịch sử tháng 8 vừa qua, hệ thống giao thông Lào Cai đã được khôi phục cơ bản nhưng dấu vết của trận lũ vẫn còn để lại trên những vạt núi sạt lở nham nhỏ, những đoạn đường chưa kịp thu dọn hết đất đá. Mặc dù con đường ra đập thuỷ điện Sử pán 2 khá rộng nhưng nhìn từ trên xe xuống tôi vẫn chóng cả mặt vì một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thẳm với dòng suối Mường Hoa đang mùa cạn nước làm lộ ra những tảng đá lớn. Những cỗ máy xúc đồ sộ đang lừng lững san ủi, xúc từng gầu đất trơn trượt lẫn đá. Dù mặt đường đã lát một lớp đá dày nhưng do bùn đất lầy lội nên chiếc xe cứ nghiêng ngả như làm xiếc mỗi khi qua những đoạn đường đá tảng ghập ghềnh chen lẫn đất đồi dẻo quánh, lúc thì trơn trượt, lúc lại như muốn bám chặt làm bánh xe quay tít. Chiếc xe cứ hết chồm lên lại lao xuống, chúng tôi hết dụi sang phải lại nghiêng sang trái. Đúng là lái xe được trên đoạn đường này không chỉ cần tay lái lụa là đủ mà còn phải có thần kinh thép. Thời tiết Sapa buổi sáng thật lạnh, ai cũng áo đơn áo kép nhưng chỉ ngồi trên xe một lúc đã thấy mồ hôi ướt lưng. Hình như cứ lên cao một chút là thời tiết đã khác.

Như để trấn an chúng tôi, anh lái xe vui tính kể chuyện không ngớt miệng. Nào là đợt lũ vừa qua nước tràn như thác, đất đá trên núi ào xuống chặn đường, anh phải lái xe đưa khách về Hà Nội hết 18 giờ đồng hồ (bình thường chỉ hết 7 giờ), nhiều đoạn mấy ông tây bà đầm phải xuống đẩy xe. Rồi chuyện vợ anh trồng mấy vạt đồi susu, mọi năm thu nhập phải vài ba chục triệu, năm nay quả rụng đầy gốc không buồn nhặt vì đường xá khó khăn, xe không lên Lào Cai nên rau bị ế. Đó là cảnh ngộ chung của 60 héc ta su su trồng trên thị trấn Sapa này. Vợ anh thề sang năm không trồng su su nhưng cũng chưa biết nên trồng cây gì thay vào đó.

Nghe giọng nói lo lắng xót xa của anh tôi chợt nhớ đến những con số thiệt hại ở Lào Cai sau cơn lũ vừa qua: 31 người chết, 32 người mất tích. 39 nhà bị sập hoàn toàn, 46 nhà khác bị lũ cuốn trôi, ước tính thiệt hại khoảng 985 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này chưa thể tính đến những thiệt hại vẫn còn dai dẳng bám riết từng nhà. Hàng ngàn con người vẫn đang phải lo vật lộn từng ngày với những khó khăn, thiếu thốn để đứng gượng lên sau lũ, dựng lại cơ nghiệp của mình… Buồn là thế nhưng khi nghe chúng tôi nhắc đến thủy điện Sử pán 2 anh vui hẳn lên: bà con hy vọng rất nhiều vào nhà máy thủy điện ấy. Bởi vì không chỉ giúp bà con thoát cảnh điện chập chờn như đom đóm, mà nhà máy còn mở thêm đường giao thông giúp cho việc thông thương hàng hóa thuận tiện hơn, bà con không lo ế hàng nữa.

Kinh doanh không chỉ vì lợi nhuận

Nhà máy thủy điện Sử Pán 2 đặt phía trước khu dân cư Bản Hồ ở độ cao 429 m. Cách nhà máy chừng 5-6 km là cầu Thanh Phú đã khởi công ngày 6/1/2008, nằm trong dự án xây dựng thuỷ điện Nậm Củn cũng do Công ty thực hiện. Đây là dự án gối đầu với Sử pán 2, nằm trên địa phận 2 xã Thanh Phú và Bản Hồ của huyện Sapa, phía bên kia sông Ngòi Bo. Cầu Thanh Phú là chiếc cầu cứng vĩnh cửu, kết cấu dầm thép chịu lực, mặt bê tông cốt thép, dài 136m, 3 nhịp, rộng 7m. Đường thi công vận hành giai đoạn 1 tiêu chuẩn cấp 5 miền núi, rộng 6,5m, hoàn thành vào giữa năm 2008, dự kiến cuối năm 2008 sẽ hoàn tất xây dựng cầu. Cùng với việc làm cầu, công ty sẽ mở một con đường khoảng 8 kilômét bên bờ phải Ngòi Bo xuống tận xã Gia Phú của huyện Bảo Thắng. Tuyến đường này sẽ được nối vào đường vận hành của công trình thuỷ điện Tà Thàng sắp được xây dựng, nối liền các xã của huyện Sapa với phố Lu- Trung tâm huyện Bảo Thắng. Đồng thời, tuyến đường cao tốc Hà Nội- Lào Cai sắp xây dựng cũng đi qua đường này.

Khách du lịch, buôn bán từ dưới xuôi lên Sa Pa không phải vòng qua thành phố Lào Cai nữa, rút ngắn được khoảng 50 km. Cây cầu Thanh Phú được xây dựng sẽ giúp huyện Sapa và bà con ở đây không phải tăng bo hàng hóa lương thực mỗi khi vận chuyển giao thương giữa các xã 2 bên Ngòi Bo, đỡ tốn kém cả thời gian, tiền bạc và công sức. Trước đây, huyện Sa Pa đã phải làm tới 2 cây cầu treo để đi vào 3 xã Thanh Kim, Suối Thầu, Nậm Cang ở bên kia Ngòi Bo. Hàng hoá phải bốc dỡ từ trên xe xuống, gùi qua 2 cây cầu này rồi mới có xe phía bên kia đón chở đi. Mỗi năm Sa Pa mất tới 3 tỷ đồng cho việc tăng bo này. Ông Nguyễn Thanh Kim- tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Sông Đà- Hoàng Liên tự hào khoe: vừa qua, 12 thanh niên trong bản đã được Công ty tuyển, gửi về học ở trường công nhân kỹ thuật Việt- Xô tại Hoà Bình. Sau 18 tháng học tập, các em ra trường là vừa kịp lúc tổ máy số 1 của nhà máy Sử Pán 2 phát điện. Khi đó, các em sẽ là những người chủ trực tiếp vận hành nhà máy, tự tay mang ánh sáng về làng bản.

Những kết quả nhọc nhằn

Chúng tôi đến cửa hầm dẫn nước số 2 khi mặt trời đã trên đỉnh đầu. Vừa đói vừa mệt nhưng nghe nói được chui vào hầm ai cũng háo hức. Mỗi người được phát một chiếc mũ bảo hiểm và một đôi ủng, chúng tôi vừa lội bì bõm vừa nghe anh Dương Văn Diễm, đội trưởng đội thi công khoan hầm giới thiệu về kỹ thuật gia cố đường hầm. Cuối đường hầm, hai người thợ vẫn hì hục khoan từng lỗ mìn để đặt thuốc nổ. Anh Diễm cho biết, hầm dẫn nước dài 1.200 mét, nếu “thiên thời địa lợi” thì mỗi tháng các anh đào được 100 m. Sợ nhất là khi gặp nền đất yếu phải vừa đào vừa xử lý thì chỉ đạt 1/3 sản lượng. Hầm đào đến đâu phải phun gia cố bê tông đến đấy, riêng hai cửa hầm dẫn nước vào ra phải quấn vòm cốt thép đổ bê tông thì mới chịu được áp lực dòng nước. Đến nay các anh đã đào được 100 mét đường hầm. Lẽ ra công trường đã hoàn thành thi công cống dẫn dòng và tường chắn thượng lưu, hạ lưu nhưng trận lũ vừa qua đã làm sạt lở 50 m vai đập trái nên tiến độ bị chậm lại khoảng 2 tháng. Tính chung để thi công các hạng mục, hơn 1 năm qua, những người thợ đã hoàn thành đào đắp trên 1 triệu m3 đất đá, đổ gần 1.000 m3 bê tông

Ông Kim cho biết thêm, cuối tháng 5 vừa qua, Công ty đã ký hợp đồng với một công ty của Trung Quốc chế tạo thiết bị cho nhà máy. Nếu mọi việc suôn sẻ, tháng 10/2009, thiết bị của tổ máy số 1 sẽ về đến công trường, tháng 1/2010 sẽ tiến hành lắp ráp và tháng 4/2010 sẽ khởi động tổ máy số 1. Từ nay đến lúc đó, Cty còn cả một núi công việc như phải hoàn thành đắp đê quây thượng, hạ lưu, đào đất đá và đổ bê tông hố móng đập tràn, triển khai và hoàn thành việc thi công, gia cố các đường ống áp lực và các mố néo, hoàn thành hầm dẫn nước... Tiếp đó, năm 2012, thủy điện Nậm Củn, rồi Sử Pán 1 sẽ tiếp tục vận hành. Ba nhà máy sẽ hoà vào lưới điện quốc gia 90MW, đưa điện đến các xã vùng sâu vùng xa của huyện Sapa. Quả thật, nhìn vóc dáng thấp nhỏ của giám đốc Kim, nghe ông say sưa nói về công việc, về khó khăn chồng chất và những giải pháp khắc phục cứ nhẹ nhàng như đang kể về một chuyến picnic, tôi thật khâm phục vì không hiểu sao trong đầu ông lại có nhiều ý tưởng lớn đến thế.

Và những điều trăn trở

Vốn là dân thủy điện Sông Đà nhiều năm làm việc cùng các chuyên gia Nga, ông Kim được thừa hưởng từ các kỹ sư nước ngoài sự nghiêm túc trong công việc, sự nhạy bén trong xử lý tình huống kỹ thuật và cả thói quen chấp hành mệnh lệnh của người thợ dưới thời bao cấp. Nay về chỉ huy một công trình thủy điện trong thời kinh tế thị trường, ông được phát huy tính năng động của một người dám nghĩ dám làm nhưng cũng thấm thía hơn những khó khăn phải đương đầu khi tự mình phải chủ động đối phó trước sự leo thang của giá cả nguyên vật liệu, lãi suất ngân hàng, sức ép của tiến độ, cả việc làm ra sản phẩm rồi phải đi tìm người mua chứ không chỉ trông chờ vào Nhà nước. Mọi việc ông đều giải quyết suôn sẻ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc chậm đầu tư phát triển lưới điện truyền tải. Bởi vì, điện là mặt hàng đặc biệt, không có đường truyền tải thì sản xuất ra điện cũng chẳng để làm gì.

Tuy nhiên, đến nay các phương án đầu tư lưới điện và các trạm biến áp 220kV, 110kV để truyền tải điện từ các nhà máy thuỷ điện vẫn chưa được triển khai. Tỉnh đang đề nghị EVN đầu tư phát triển lưới điện theo quy hoạch và thực hiện cơ chế phát triển kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào các nhà máy thuỷ điện trên địa bàn. Theo đó, hoặc là EVN làm đường dây 110 kV mạch kép, Cty sẽ bán điện lên lưới theo giá thỏa thuận, hoặc Cty sẽ vay vốn ngân hàng để làm đường dây (khoảng 70 tỷ đồng cho 25 km), sau đó EVN nhận bàn giao để quản lý đường dây và nhận luôn cả nợ ngân hàng để tự khấu hao. Cách nào cũng được, miễn là điện làm ra không bị “ế”.

Mặt khác, để xây dựng cả 3 công trình thủy điện (Sử pán 2, Nậm Củn, Sử pán 1), Công ty cần nguồn vốn khoảng 2.000 tỷ đồng. Rất may là thời gian qua Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Lào Cai (BIDV) và Tổng Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí đã giúp đỡ rất nhiệt tình để Công ty thực hiện đúng tiến độ. Tuy nhiên, theo quy định, Cty phải có khoản vốn đối ứng là 30% (khoảng 600 tỷ đồng), đây là nguồn vốn quá lớn với một Công ty cổ phần. Trong khi Lào Cai là địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn. Vì vậy, ông Kim chỉ mong Chính phủ điều chỉnh tỷ lệ vốn chủ sở hữu các dự án điện xuống mức 20% để Công ty thuận lợi hơn trong việc huy động vốn. Hy vọng những nguyện vọng chính đáng của ông sớm được thực hiện, các nhà máy điện sớm đi vào hoạt động không chỉ giải quyết thiếu điện mà còn giải quyết việc làm cho bà con, làm thay đổi diện mạo kinh tế xã hội, góp phần đánh thức bao tiềm năng của vùng Tây Bắc hoang sơ mà hùng vĩ này.

 

Theo Công thương