Sự kiện

Trên công trường thủy điện Sơn La - Bài cuối: Con chữ nhen mầm

Thứ hai, 13/10/2008 | 08:54 GMT+7
“Cô ơi tại sao phải chặn sông mới làm ra điện?”, “Cô ơi con muốn làm kỹ sư như bố có được không?”…Những câu hỏi ngây ngô trẻ đã bi bô vang lên mà chúng tôi nghe được từ tiết ngoại khóa lớp 1A Trường tiểu học Sông Đà (thị trấn Ít Ong, Mường La, Sơn La).

Cô Bùi Kim Dung, Trường mầm non Sông Đà, chơi đùa cùng học sinh trong giờ chơi mô hình.
Tháng 2-2006, sau ba tháng công trình thủy điện Sơn La chính thức khởi công (ngày 2-12-2005) thì ngay giữa lòng “khu phố công nhân”, hai công trình nhỏ khác cũng làm lễ động thổ: Trường mầm non và Trường tiểu học Sông Đà. Bảy tháng sau nữa, hai trường tiếp nhận những học trò là con em của các “gia đình thủy điện” theo cha mẹ đến từ khắp miền trong cả nước.

Gần 12g trưa, khi chúng tôi đến, nhà ăn Trường tiểu học Sông Đà khá rộng và sạch sẽ đầy ắp tiếng cười đùa ríu rít: học sinh ăn và nghỉ trưa ngay tại trường. Các cô giáo sau khi đứng lớp là bắt tay chuẩn bị bữa ăn, tắm rửa cho từng em trước bữa cơm trưa.

“Các cô không chỉ dạy học cho các bé mà phải như một người mẹ, người bảo mẫu” - cô Phạm Thị Liên, hiệu trưởng Trường tiểu học Sông Đà, chia sẻ. Không khí nhộn nhịp ấy chúng tôi cũng bắt gặp ở Trường mầm non Sông Đà, nơi có 209 cháu từ 3-5 tuổi đang theo học.

Ông Phạm Quang Kỵ, phó văn phòng ban điều hành dự án thủy điện Sơn La, cho biết: hoàn thành toàn bộ công trình thủy điện Sơn La phải ít nhất tám năm (2013). Vì vậy, lo cái chữ cho con em công nhân, kỹ sư nơi đây hết sức quan trọng để anh em yên tâm làm việc. Vì thế, để xây dựng hai trường, ban quản lý công trình thủy điện Sơn La đã dành những nơi đất đẹp nhất và đầu tư cơ sở vật chất tốt nhất. “Trường thành lập tạm theo từng công trình nên khó khăn nhất là thiếu giáo viên. Chỉ những cô giáo thật sự tận tâm với nghề, thông cảm với hoàn cảnh của con em công nhân mới có thể bám lớp được” - ông Kỵ nói.

Có lẽ vì thế, hơn phân nửa trong 30 giáo viên đứng lớp có vợ hoặc chồng đang làm việc ở công trình thủy điện Sơn La.

“Con chữ đi theo… công trình!”

Anh Nguyễn Quốc Hưng, kỹ sư Trung tâm thí nghiệm ban điều hành dự án thủy điện Sơn La, đón con khi vợ làm ca chưa về.
Cô Phạm Thị Liên nói ngắn gọn như thế để nói lên nét riêng và những khó khăn của cô trò nơi đây. “Trường có 202 HS, trừ các em lớp 1, một nửa số học sinh từng theo bố mẹ đến các công trình và học ngay tại đó rồi chuyển theo khi bố mẹ được điều động đến Sơn La” - cô Liên bộc bạch.

Tại Trường tiểu học Sông Đà, không hiếm học sinh một cấp đã chuyển trường đến ba lần. Yaly - Na Hang - Sông Đà là một hành trình học chữ đầy gian nan của cậu học sinh lớp 5A Nguyễn Văn Đông. Bố Đông là công nhân Công ty sông Đà 9 quê gốc Thái Bình. Lớp 1, Đông theo bố vào học ở một trường gần công trình Yaly (Gia Lai). Yaly hoàn thành, chưa kịp quen thầy, quen lớp, Đông phải theo bố lên học gần công trình thủy điện Na Hang (Tuyên Quang). “Khi nhận em vào học tại đây, con chữ của em đã rơi rụng gần hết khiến hết lớp 4 mà em không biết đọc biết viết” - cô Liên cho biết. Vừa động viên Đông củng cố kiến thức, các cô giáo đến tận nhà Đông dạy phụ đạo sau giờ học nên sau ba tháng hè Đông đã phần nào đuổi kịp các bạn cùng lớp.

“Dù mới thành lập và khó khăn như thế, nhưng kết quả dạy và học của trường năm học 2007-2008 thật vui khi tới 65,4% số học sinh đạt khá giỏi, đồng thời trường là trường tiểu học dẫn đầu huyện Mường La - cô Liên không giấu niềm vui bảo thế, rồi nói thêm - Hiện cô trò của trường đang phấn đấu đạt tiêu chí trường chuẩn quốc gia”

* Theo ông Phạm Quang Kỵ, phó văn phòng ban điều hành dự án thủy điện Sơn La, trên 500 gia đình công nhân đang có mặt tại công trường. “Không chỉ những vợ chồng công nhân đưa nhau lên đây, đại công trường đầy nắng và gió Lào này còn là nơi tình yêu bắt đầu giữa các đôi công nhân quen nhau, yêu nhau rồi cưới nhau” - kỹ sư Nguyễn Hùng Cường (ban điều hành dự án thủy điện Sơn La) khoe.

* Gần 600 dãy nhà với khoảng một vạn công nhân cùng gia đình đã làm cho thị trấn Ít Ong heo hút ngày nào trở thành một “khu phố công nhân” với đầy đủ “điện - đường - trường - trạm” và tất nhiên là nhiều hàng quán, khu dịch vụ, khu giải trí và cả một chợ nhỏ.

Theo Tuổi trẻ