Sự kiện

Sử dụng biogas phát điện: Mô hình cần được nhân rộng

Thứ năm, 16/10/2008 | 09:02 GMT+7
Từ nhiều năm nay, việc sử dụng khí sinh học (biogas)để phục vụ nhu cầu nhiên liệu trong sinh hoạt, chủ yếu là đun nấu đã trở nên khá phổ biến trong các hộ nông dân, đặc biệt là các hộ gia đình chăn nuôi với quy mô trang trại. 

Tuy nhiên, sử dụng khí biogas chạy máy phát điện, sử dụng nguồn điện đó không chỉ cho việc đun nấu mà còn thắp sáng, chạy quạt, nghe đài, xem tivi, thậm chí sử dụng cho bình nóng lạnh… thì chỉ mới được một số hộ chăn nuôi áp dụng. Mô hình mới này không chỉ giảm chi phí nhiên liệu trong sản xuất, sinh hoạt gia đình, đồng thời góp phần không nhỏ trong việc tận dụng chất phế thải, giảm ô nhiễm môi trường xung quanh những khu trang trại. 

Chăn nuôi càng lớn, nỗi lo càng nhiều 

Từ mấy năm nay, nhờ phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại mà gia đình ông Lê Hữu Anh, xã viên hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hải Bối, xã Hải Bối, huyện Đông Anh đã thoát cảnh khó khăn, có "bát ăn bát để". Tuy nhiên, khi phát triển chăn nuôi lên tới hơn 80 con lợn, 1000 con gà, công việc chăn nuôi của gia đình ông lại phải đối mặt với ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến các hộ xung quanh. Cũng nghe nói đến những mô hình xây dựng bể chứa chất thải chăn nuôi để làm khí biogas nhưng với kinh phí hàng chục triệu đồng, lại không có được sự hỗ trợ về vốn và kỹ thuật nên gia đình ông cứ lần lữa xả chất thải vào hệ thống thoát nước chung của thôn. Nếu mở rộng quy mô trang trại, lượng chất thải càng nhiều, càng làm ô nhiễm.

Chăn nuôi lãng phí nguồn chất thải, gây ô nhiễm môi trường như hộ nhà ông Anh đang là thực trạng chung của không ít các trang trại trên địa bàn Hà Nội hiện nay, nhất là các trang trại có quy mô gia đình. 

Thiếu điện đã có biogas 

Nhằm khuyến khích các hộ chăn nuôi tận dụng nguồn chất thải, xây dựng các bể xử lý làm khí biogas, thời gian qua Trung tâm tiết kiệm năng lượng (ECC- Sở Công thương) phối hợp với Viện Khoa học năng lượng triển khai mô hình thí điểm ứng dụng kỹ thuật biogas phát điện. Mục đích triển khai mô hình này không chỉ giúp các hộ chăn nuôi chủ động trong việc xử lý chất thải mà còn tận dụng nguồn năng lượng mới phục vụ chăn nuôi và sinh hoạt hàng ngày. Đây cũng là mô hình nằm trong đề án "Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả" mà thành phố đang triển khai. Trong thời gian đầu triển khai, ECC tổ chức trình diễn và bàn giao thiết bị máy phát điện sử dụng khí biogas cho 2 gia đình ở huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm. Ông Nguyễn Minh An, Phó giám đốc ECC cho biết: ECC đã đầu tư xây dựng, chuyển giao hệ thống hầm khí biogas, máy phát điện có công suất 1.500 W với tổng trị giá khoảng 30 triệu đồng/hộ.

Đánh giá về hiệu quả của mô hình, ông Ánh cho biết: Với việc sử dụng khí biogas, gia đình ông đã có thể tiết kiệm hàng trăm nghìn đồng để mua nhiên liệu phục vụ chăn nuôi cũng như đun nấu hàng ngày của gia đình. Đặc biệt, máy phát điện chạy bằng khí biogas công suất 1,5 kW, gia đình ông có thể chạy máy bơm nước, điện chiếu sáng, điện sinh hoạt… không chỉ chủ động về nguồn điện khi mà điện lưới phập phù mà còn giúp gia đình ông giảm 1/2 chí phí tiền điện so với trước kia. Nguồn chất thải cũng được xử lý trước khi xả vào hệ thống thoát nước chung, góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Còn ông Nguyễn Văn Binh, chủ trang trại với hơn 40 con lợn nái ở xã Đông Dư, huyện Gia Lâm cho biết: Nếu trung bình mỗi ngày sử dụng máy phát điện bằng khí biogas trong 8 giờ sẽ tiết kiệm được 5kWh.

Theo khuyến cáo của Viện Khoa học năng lượng, đối với gia đình có quy mô trang trại chăn nuôi khoảng 10 con lợn là đã có thể xây dựng hầm biogas có khả năng cung cấp năng lượng gas cho nhu cầu sử dụng của hộ gia đình có 4 đến 5 người. Đối với những trang trại chăn nuôi có quy mô từ 10- 20 con lợn trở lên đã có thể xây dựng hầm chứa biogas bảo đảm cung cấp nhiên liệu cho các loại máy phát điện 1.500 W. 

Tuy nhiên, cũng theo ông An, mô hình này rất cần sự quan tâm hỗ trợ đầu tư kinh phí từ các đơn vị doanh nghiệp để có thể nhân rộng ra các hộ gia đình chăn nuôi trong thời gian tới.

 

Theo Kinh tế và Đô thị