Cơ sở khai thác dầu thô.
Theo báo Le Monde (Pháp), thế giới đang rơi vào tình trạng thiếu nhiên liệu và năng lượng để vận hành các công xưởng, nhà máy nhiệt điện và giao thông vận tải. Từ nhiều tháng nay, sự phục hồi kinh tế vững chắc ở châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ khiến nhu cầu năng lượng tăng lên mạnh mẽ và kéo theo sự leo thang của giá cả.
Giá dầu tăng đã mang lại cho các công ty trong lĩnh vực này những khoản doanh thu khổng lồ. Tập đoàn dầu khí quốc gia của Saudi Arabia, Saudi Aramco, hôm 8/8 vừa qua công bố lợi nhuận 25,5 tỷ USD trong quý II/2021, gấp bốn lần so với cùng kỳ năm trước.
Bất chấp một số giai đoạn biến động, giá dầu Brent đã tăng hơn 55% trong vòng một năm, từ 45 USD/thùng lên 75 USD/thùng và đến ngày 9/8 mới giảm một chút, xuống 69 USD/thùng. Hiện nay, sự cân bằng giữa cung và cầu đang ngày càng chênh lệch.
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và 10 đối tác sản xuất dầu khác đứng đầu là Nga, gọi tắt là OPEC+, đã điều chỉnh sản lượng để giá dầu luôn ở mức cao. Sản lượng khai thác ở Mỹ hiện đã giảm khoảng 15% so với đầu năm 2020, tương đương với 13 triệu thùng/ngày, và nước này cũng không có ý định khởi động lại chiến dịch khai thác dầu đá phiến.
Tại Pháp, giá dầu thô và chi phí lọc dầu tăng kết hợp với mức thuế cao (60% cho một lít nhiên liệu) đã đè nặng lên ngân sách của các hộ gia đình. Theo số liệu mới nhất của Bộ Chuyển đổi Sinh thái Pháp, giá trung bình của mỗi lít xăng super 95 ở nước này là 1,56 euro (1,83 USD), và giá dầu diesel là 1,44 euro (1,69 USD)/lít trong tuần đầu tháng Tám, tăng khoảng 15% so với cách đây một năm.
Bộ trưởng đặc trách Ngoại thương Pháp Franck Riester cho rằng xu hướng này đang thúc đẩy lạm phát và có tác động rất mạnh đến giá cả hàng hóa nhập khẩu của nước này. Kết quả là thâm hụt thương mại của Pháp tăng lên 34,8 tỷ euro trong nửa đầu năm.
Giá "vàng đen" đi lên cũng kéo theo giá của các loại nhiên liệu và năng lượng khác tăng theo như khí đốt và điện. Một trong những nguyên nhân đẩy giá dầu tăng là nhu cầu mạnh mẽ của các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng và sự sôi động trở lại của các thị trường, đặc biệt là ở châu Á.
Chỉ trong vòng 1 năm, giá khí đốt tại châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) đã tăng gấp 6 lần, từ 2,2 USD lên hơn 13 USD cho mỗi Đơn vị Nhiệt Anh (BTU).
Đối với châu Âu, do ít bị phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Qatar, Mỹ hoặc Australia, nên giá khí đốt tăng nhưng không quá cao. Theo Ủy ban Điều tiết Năng lượng Pháp (CRE), do mức tiêu thụ giảm mạnh từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng y tế, giá khí đốt của công ty điện lực đa quốc gia Engie, chiếm khoảng 1/3 thị phần ở Pháp, chỉ tăng mức trung bình là 6,5% kể từ tháng 1/2019.
Tuy nhiên, mức tăng năm 2021 dự kiến sẽ cao hơn. Mùa Đông lạnh giá sắp tới đòi hỏi nhu cầu dự trữ khí đốt, hoạt động bảo trì ở Biển Bắc và yêu cầu đối với các nhà cung cấp về mức độ an toàn năng lượng, tất cả những yếu tố này sẽ chuyển thành chi phí mà người tiêu dùng phải trả.
Đó là chưa kể 40% nhập khẩu khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) là từ Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga. Nếu đường ống dẫn khí đốt mới Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) được đưa vào sử dụng thì an ninh năng lượng của EU sẽ càng phụ thuộc vào Nga.
Trên thị trường bán buôn, giá điện tính trên 1 MWh từ nay đến năm 2022 đang tiệm cận mức 80 euro, trong khi năm 2020 mức giá trung bình chỉ vào khoảng 46 euro. Giá điện tăng chủ yếu là do sự leo thang của giá khí đốt (nguồn năng lượng này chiếm khoảng 20% sản lượng điện năng ở châu Âu) và chi phí trả cho phát thải khí CO2.
Loại khí thải này hiện nay được tính phí ở mức trên 50 euro/tấn, khiến nhiên liệu hóa thạch trở nên kém cạnh tranh hơn và thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sản sinh ít carbon.
Thêm vào đó, sản lượng điện của các nhà máy điện hạt nhân giảm do kế hoạch bảo trì 56 lò phản ứng hạt nhân tại Pháp bị trì hoãn trong những tháng đầu tiên dịch COVID-19 bùng phát. Đây cũng là một gánh nặng, buộc Tập đoàn điện lực Pháp phải mua điện trên thị trường bán buôn.
Ở các nước như Vương quốc Anh, Italy và đặc biệt là Tây Ban Nha, giá điện cũng đang tăng vọt (tăng 36% so với mùa Hè năm 2020). Chính phủ Tây Ban Nha thậm chí đã phải cắt giảm thuế VAT để hạn chế giá cả leo thang và kiềm chế sự bất bình của người dân trong nước. Tây Ban Nha kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) nới lỏng các quy định môi trường để giá điện vẫn đáp ứng được chi phí nhưng ở mức "hợp lý".
Tuy nhiên, EC chủ trương duy trì hệ thống quy định mới nhằm khuyến khích cạnh tranh lành mạnh và để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho năng lượng tái tạo. Hệ thống cũ bị cáo buộc là "tốn kém, ít hiệu quả và bị chi phối bởi một vài công ty lớn luôn muốn kiểm soát ngành điện".
Ví dụ Tập đoàn điện lực Pháp, theo đánh giá của EC, vẫn còn quá độc quyền. Tập đoàn này hiện đang có mức giá cạnh tranh nhất ở châu Âu. Nhưng sắp tới, tập đoàn này sẽ phải tính thêm các chi phí ngày càng tăng của việc mở rộng các nhà máy điện hạt nhân, khả năng thay thế một số lò phản ứng EPR thế hệ mới, số hóa mạng lưới phân phối điện Enedis và phát triển năng lượng gió và Mặt Trời.
Tập đoàn này cũng cần triển khai một khoản đầu tư khổng lồ để đạt được mục tiêu giảm 55% lượng khí thải CO2 vào năm 2030 (so với năm 1990) do EU đề ra mà vẫn đảm bảo nguồn điện cung cấp cho thị trường.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế Pháp, trước mắt, nếu dịch bệnh bùng phát do biến thể Delta của dịch COVID-19 dẫn đến việc áp dụng trở lại giãn cách xã hội và cản trở sự phục hồi toàn cầu, nhu cầu sử dụng năng lượng có thể thay đổi. Nhưng dù tình huống này có xảy ra thì trong trung hạn, giá năng lượng cũng sẽ không giảm.
Thị trường dầu mỏ cũng sẽ có nhiều biến động. Lãnh đạo Tập đoàn dầu khí Total (Pháp) Patrick Pouyanné không loại trừ khả năng giá dầu Brent có thể tăng lên 100 USD/thùng do vốn đầu tư vào khai thác dầu đã giảm đi kể từ năm 2015. Xăng, dầu sưởi, khí đốt và điện sẽ ngày càng đắt đỏ.
Quá trình chuyển đổi hệ thống năng lượng sẽ không rẻ, và giải pháp tối ưu nhất vẫn là chủ động và linh hoạt trong việc sử dụng các nguồn năng lượng.