Công nhân Truyền tải điện Tây Bắc sửa chữa đường dây 220 kV Việt Trì - Sóc Sơn
Với nhiệm vụ quản lý vận hành toàn bộ lưới truyền tải từ 220 kV trở lên tại vùng Tây Bắc, ngay sau khi thành lập (năm 2004), Truyền tải điện Tây Bắc đã nghiệm thu, tiếp nhận đưa vào vận hành các đường dây 220 kV Việt Trì - Sơn La, Việt Trì - Yên Bái, lưới điện 220 kV hai mạch lần đầu tiên mua điện Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai, Hà Giang. Theo kỹ sư Nguyễn Ðức Hùng, đầu năm 2004, khi tiếp nhận đường dây Việt Trì - Sơn La, đơn vị đã thấy đây là một trong những tuyến đường dây dài, hầu hết các vị trí đi qua đồi cao, suối sâu, các khu vực hiểm trở, nên việc đảm bảo quản lý vận hành an toàn là rất khó khăn không chỉ với đơn vị mà ngay cả đối với toàn Công ty Truyền tải điện 1. Thực tế, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tư vấn giám sát, nghiệm thu, tiếp nhận và quản lý vận hành đường dây 220 kV mạch 1 Lào Cai - Hà Khẩu, Yên Bái - Lào Cai mua điện Trung Quốc thì sự khó khăn đã tăng lên gấp nhiều lần. Cái khó không chỉ là địa hình hiểm trở, mà còn phải thi công gấp rút, để góp phần giảm sự thiếu hụt điện trầm trọng của hệ thống điện quốc gia trong thời điểm đó.
Mặc dù đơn vị đã từng thực hiện công tác giám sát, nghiệm thu, nhưng đây là lần đầu tiên, đơn vị nhận nhiệm vụ tư vấn giám sát, vừa phải giám sát thi công, vừa phải kiểm tra những bất hợp lý để tư vấn giúp công trình được tốt hơn. Mặt khác, đường dây và trạm lại đi qua những địa hình cực kỳ phức tạp và là địa bàn lần đầu tiên đơn vị đặt chân tới. Nơi đó, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, những người biết tiếng Kinh không nhiều, đường dây chủ yếu nằm trên đồi cao, cách xa đường Quốc lộ, có những vị trí phải đi bộ vào khoảng 2 tiếng đồng hồ. Trong khi đó, CBCNV đơn vị đa phần còn rất trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác tiếp nhận quản lý vận hành. Nhưng nhờ sự động viên khích lệ của Công ty, nhiệt huyết trong CBCNV dần được hâm nóng, anh em từng bước quen dần với công việc, ổn định nơi ăn chốn ở, thường xuyên bám sát công trường, phản ánh ngay những vấn đề chưa hợp lý trong thi công. Ðồng thời, họ đã tìm hiểu, nghiên cứu quy trình hoạt động của các thiết bị trong trạm, tích luỹ kinh nghiệm thực tế ngay trên công trường, đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống sau khi đóng điện. Ngoài ra, xác định khu vực lưới điện đi qua đa số là vùng dân cư dân tộc thiểu số, trình độ hiểu biết còn hạn chế, Truyền tải điện Tây Bắc đã chủ động làm việc, phối hợp với chính quyền và công an địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giúp các hộ dân nâng cao hiểu biết về điện. Công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp đã được đông đảo bà con đón nhận, ủng hộ.
Ðiểm khác biệt trong công tác quản lý vận hành đường dây mua điện Trung Quốc là sau khi vận hành, hàng tháng, đơn vị sẽ chốt công tơ tại các trạm biến áp và trao đổi thông tin, thông số vận hành cũng như tình hình sự cố ở mỗi nước. Ðây sẽ là một vấn đề khó khăn khi ngôn ngữ bất đồng. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của Công ty Truyền tải điện 1, ngay từ khi bắt đầu thi công công trình, đơn vị đã chủ động mở lớp học tiếng Trung Quốc cho cán bộ kỹ thuật và công nhân quản lý vận hành trực tiếp tại các đội, trạm. Những khó khăn đã lần lượt được tháo gỡ, đến cuối tháng 9 năm 2006, sau gần một năm giám sát, nghiệm thu, đơn vị đã tiếp nhận đường dây mua điện Trung Quốc mạch 1 qua Lào Cai đóng điện, vận hành an toàn.
Tiếp tục theo lộ trình mua điện Trung Quốc ở cấp điện áp 220 kV, cuối năm 2006, đầu năm 2007 đường dây 220 kV Thanh Thuỷ - Hà Giang - Thuỷ điện Tuyên Quang - Thái Nguyên được xây dựng. Ðây là đường dây mạch 2 mua điện qua cửa khẩu Thanh Thuỷ - Hà Giang. Nhận nhiệm vụ này, Truyền tải điện Tây Bắc đã vững tin hơn vào năng lực, kinh nghiệm của mình. Tuy nhiên, thời gian để tiếp nhận và đưa công trình vào vận hành lại gấp rút hơn, đường đi vào tuyến khó khăn hơn, đặc biệt cung đoạn từ Bắc Mê - Hà Giang đến Na Hang - Tuyên Quang chỉ dài 100 km, nhưng xe ô tô Uóat phải đi hết 10 giờ đồng hồ. Khu vực này nhiều ruồi vàng, bọ chó, mà dân cư lại thưa thớt, nên khi kiểm tra sửa chữa đường dây trên tuyến, anh em đều phải chuẩn bị sẵn lương khô, bánh mỳ và nước uống đem theo để ăn trên đường. Có những vị trí nằm trong lòng hồ, phải đi thuyền, còn có vị trí phải đi bộ từ 3 - 5 km từ đường quốc lộ vào, vượt nhiều đồi dốc cheo leo 300 đến 400. Ðứng trước khó khăn này, TTÐ Tây Bắc đã tập hợp một số anh em công nhân có nhiều kinh nghiệm ở các công trình trước, chia đều vào các đội để vừa nghiệm thu, tiếp nhận vừa kèm cặp bồi huấn anh em công nhân mới ngay trên tuyến. Với cách làm sáng tạo này, cuối tháng 4 năm 2007, đường dây mua điện Trung Quốc mạch 2 qua Hà Giang đã được đóng điện, tiếp nhận và vận hành an toàn, ổn định.
Với sự phát triển không ngừng của phụ tải, đường dây mạch 1 mua điện phải nâng công suất truyền tải từ 150 MW lên 300 - 350 MW và điều này đồng nghĩa với việc đơn vị phải lắp đặt tụ bù dọc 220 kV tại Trạm biến áp Lào Cai, hệ thống bù SVC tại Trạm Việt Trì, hệ thống bù ngang 110 kV tại Trạm Vĩnh Yên. Ðây cũng là đường dây 220 kV đầu tiên của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam có tụ bù dọc, hệ thống bù SVC, do đó đơn vị vừa phải giám sát thi công, vừa chủ động tìm hiểu thiết bị mới, tìm tòi tài liệu để bồi huấn cho công nhân…Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng về đào tạo nhân sự của đơn vị, nên khi đóng điện và tiếp nhận đưa vào vận hành hệ thống bù trên, anh em trực vận hành đã nhanh chóng nắm bắt và làm chủ thiết bị.
Xuân này, Truyền tải điện Tây Bắc đã bước sang tuổi thứ 5, con đường phía trước còn nhiều chông gai, song những nỗ lực trong quá trình tham gia giám sát, quản lý vận hành lưới điện nhập khẩu ở cấp điện áp 220 kV thời gian qua sẽ là kinh nghiệm quý báu, giúp đơn vị vươn lên, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.