Sự kiện

Những người thợ điện IaLy: Làm sống lại tổ máy số 7 Uông Bí

Thứ ba, 2/10/2012 | 14:34 GMT+7
Tổ máy số 7 nhà máy Nhiệt điện Uông Bí có công suất 300 MW đã ngừng hoạt động mà không ai có khả năng tìm ra nguyên nhân. Thậm chí EVN đã phải tính đến phương án mua mới, thay thế toàn bộ hệ thống của tổ máy này, kinh phí lên đến cả triệu USD. Có ý kiến nên mời các chuyên gia Thủy điện Ia Ly ra giúp đỡ, khắc phục, nhưng lại hơi “trái khoáy”, vì IaLy chỉ thân thuộc với thủy điện, còn đây lại là nhiệt điện, liệu có xử lý được? Cuối cùng, một nhóm kỹ sư, công nhân của Ia Ly đã vào cuộc và thành công.
 
Kỹ sư Đoàn Thế Hùng - thành viên của đoàn công tác Ia Ly- kể:

Dựa vào thông tin, tài liệu có được, chúng tôi bắt tay vào việc tìm hiểu và nghiên cứu. Tín hiệu đáng mừng ban đầu là cấu tạo của hệ thống này tương tự với hệ thống kích từ của Nhà máy Sê San 3, điều này mở ra cho chúng tôi hy vọng sẽ làm được điều gì đó giúp Uông Bí. Giám đốc Thủy điện Ia Ly Tạ Văn Luận đã quyết định thành lập nhóm công tác do Nguyễn Minh Khứ làm trưởng đoàn cùng với Đoàn Thế Hùng và Nguyễn Văn Nga ra nhà máy Uông Bí để kiểm tra và khắc phục sự cố.

Đến nơi, chúng tôi xuống ngay hệ thống và cảm thấy yên tâm vì nó giống với Sê San 3. Nhưng tìm hiểu kỹ mới thấy điều bất ngờ, đầu tiên đó là bộ điều khiển trung tâm của hệ thống khác hoàn toàn với  Sê San 3, ở đây dùng khối vi xử lý PL1700 còn Sê San 3 dùng PLC… điều này làm mọi người cảm thấy lo lắng... Bất ngờ hơn là khi muốn xem các tổ máy khác để có thể so sánh thì được biết ở đây chỉ có duy nhất tổ máy số 7 dùng hệ thống kích từ này.

Lo lắng nữa là khi biết, để thực hiện một lần khởi động máy hòa máy phải tốn 130 tấn dầu, trị giá gần 3 tỷ đồng chưa kể các chi phí khác như: Hóa chất, than, điện tự dùng ... Thế là hy vọng kiểm tra nóng hoàn toàn tan biến, kèm theo đó là nỗi lo rồi mình sẽ thử máy  thế nào đây???.

Bắt đầu công việc là tổng hợp toàn bộ thông tin từ các bộ phận của nhà máy, đồng thời tổ chức đọc tài liệu và bản vẽ. Cuối cùng chúng tôi lại nhận được nhiều thông tin bất ngờ khác, đó là bộ AVR2 đã không làm việc 2 năm  và trước đó, nhiều chuyên gia Nga đến sửa chữa nhưng đều không thành công. Tiếp theo là thông tin về hệ thống hòa đồng bộ có vấn đề, lại làm cho chúng tôi thất vọng vì nghĩ rằng chuyên gia Nga- người sinh ra nó mà làm không được thì làm sao mình làm được?

Anh em chúng tôi tiếp tục kiểm tra và phát hiện ra bộ AVR1 bị lỗi phần mềm, còn bộ AVR2 bị hỏng khối vi xử lý E167-3UM, kết hợp với hệ thống hòa đồng bộ có vấn đề nên anh Khứ quyết định điều thêm Đỗ Thanh Duy phụ trách mảng rơle và Nguyễn Văn Bình kích từ mang thêm thiết bị dự phòng của Ia Ly ra phối hợp khắc phục sự cố.

Càng kiểm tra, chúng tôi càng phát hiện ra hệ thống tồn tại  nhiều lỗi chồng chéo lên nhau và cả hệ thống truyền thông nội bộ cũng bị lỗi. Đến đây, chúng tôi cảm thật sự bối rối và tưởng như không thể khắc phục được. Tiếp tục kiểm tra, nhóm công tác càng thấy càng trở nên mù mịt. Được sự động viên, quan tâm kịp thời từ Lãnh đạo Công ty Uông Bí nên dù mệt và thất vọng, mọi người vẫn rất cố gắng.

Trước hết, thực hiện cài đặt lại phần mềm cho chính xác để dựa vào đó xác định các nguyên nhân bên ngoài đưa đến. Sau nhiều lần thay đổi cấu hình phần cứng và nạp lại phần mềm, chúng tôi đã tìm ra tất cả các nguyên nhân hư hỏng của 2 bộ tự động điều chỉnh điện áp AVR, từ đó chuẩn lại phần mềm, thông số cài đặt.  Sau gần 4 ngày kiểm tra và khắc phục, các thiết bị bên ngoài dần đi vào trạng thái làm việc ổn định. Các lỗi đưa đến máy tính hoàn toàn được loại trừ, nhưng còn lỗi truyền thông giữa máy tính với 2 bộ AVR vẫn chưa có gì là sáng sủa. Nhưng mọi người đều tự tin hẳn vì bây giờ nguyên nhân chỉ gói gọn trong một vấn đề.

Tiếp tục kiểm tra, chúng tôi lại phát hiện nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là các khóa chế độ của 2 kênh AVR được đặt không đúng theo cấu hình phần cứng và logic vận hành của hệ thống. Cuối ngày, nhóm công tác lại phát hiện ra một lỗi nữa, là logic làm việc của kênh AVR2 không chính xác trước khi hòa lưới. Ngày hôm sau, tiếp tục kiểm tra lại toàn bộ phần đấu nối của bộ AVR2 và niềm vui đã đến khi chúng tôi phát hiện nguyên nhân cuối cùng dẫn đến lý do này - đó là một răck cắm bị gãy một chân pin, sau khi thay răck mới hệ thống đã làm việc hoàn toàn chính xác.

Song song với việc kiểm tra, hiệu chỉnh hệ thống kích thích thì việc quyết định cuối cùng là phải hòa đồng bộ được tổ máy vào hệ thống điện quốc gia. Dưới sự chỉ đạo của anh Khứ, Thanh Duy đã bắt tay ngay vào việc kiểm tra toàn bộ hệ thống mạch hòa đồng bộ tổ máy và mạch điều khiển máy cắt đầu cực.

Sau hơn 3 ngày kiểm tra, hiệu chỉnh các thiết bị trong mạch hòa đồng bộ thì việc mô phỏng rơ le hòa đồng bộ để thực hiện một lệnh đóng máy cắt là cần thiết. Khi mô phỏng lệnh hòa tự động từ rơ le hòa tự động thứ nhất (AS1), việc đóng máy cắt được thực hiện một cách chính xác, đến khi thực hiện lệnh hòa thứ hai từ rơ le hòa tự động thứ hai (AS2) thì tất cả dường như thất vọng… Máy cắt không thể đóng được mặc dù cơ cấu tích năng đã được giải phóng.  Các lần kiểm tra tiếp theo vẫn không có gì tiến triển… Dường như phương án mời chuyên gia ABB đến để kiểm tra cơ khí máy cắt đã được Ban lãnh đạo và phòng kỹ thuật nhà máy đã tính đến. Sẽ mất thêm rất nhiều thời gian, đồng nghĩa chuyến đi này của đoàn Ia Ly chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Với quyết tâm cao và nỗ lực, các giả thuyết đã được đưa ra, cuối cùng Thanh Duy đưa ra phương án kiểm tra lại máy cắt lần cuối trước khi quyết định tư vấn mời chuyên gia ABB xử lý. Và chúng tôi đã tìm ra nguyên nhân của tình trạng trên, 2 cuộn cắt của máy cắt đã bị suy giảm khả năng phản hồi sau thời gian làm việc. Nguyên nhân chính là do các rơ le giám sát mạch cắt có công suất tương đối lớn làm ảnh hưởng trực tiếp đến hành trình trở về của cuộn cắt máy cắt, dẫn đến mạch dầu đóng không được khóa hoàn toàn nên không đủ áp lực để thực hiện quá trình đóng của máy cắt, đúng như giả thuyết đã đưa ra.

Khi tìm ra được nguyên nhân, niềm vui như được vỡ òa, nhiều khuôn mặt đã xuất hiện lại những nụ cười tươi và những cái bắt tay thật chặt đầy tự tin như báo trước  chiến thắng.

 Công việc lúc này là thực hiện mô phỏng lại toàn bộ các chế độ làm việc của hệ thống để các nhân viên kỹ thuật và Lãnh đạo Công ty Uông Bí xác nhận và tư vấn một số biện pháp vận hành an toàn.

Chúng tôi đã hướng dẫn và chuyển giao phần mềm kết nối với hai bộ AVR cho anh em Uông Bí trong niềm vui hân hoan khó tả.

Lần cuối cùng kiểm tra hệ thống để quyết định cho khởi động lại tổ máy sau gần nửa tháng sửa chữa và hòa lưới quốc gia đánh dấu một mốc lịch sử, một kỷ niệm không bao giờ quên của những người thợ đến từ Ia Ly.
Công Thương Online