Những người “trắng đêm” trong bão số 4

Chủ nhật, 2/10/2022 | 10:30 GMT+7
Hơn 48 giờ làm việc liên tục, “cắm chốt” tại cơ quan và chỉ thay nhau chợp mắt trong vài tiếng đồng hồ, nhóm kỹ sư của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) đã nâng cấp và chia sẻ thành công dữ liệu của Hệ thống giám sát dữ liệu khí tượng phục vụ công tác vận hành các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), giúp các đơn vị ngành Điện trong khu vực miền Trung theo dõi và ứng phó hiệu quả với cơn bão số 4.
 

Hệ thống "Giám sát khí tượng phục vụ công tác vận hành các nguồn năng lượng tái tạo" hỗ trợ đắc lực cho điều độ viên A3 để đưa quyết định kịp thời và chính xác trong ứng phó với bão số 4 .
 
Hơn 48h không ngủ
 
Sáng 25/9, lãnh đạo A0 đặt ra yêu cầu đối với nhóm tác giả của giải pháp “Hệ thống giám sát dữ liệu khí tượng phục vụ công tác vận hành các nguồn NLTT” về việc phải nâng cấp, tích hợp thêm dữ liệu dự báo cũng như tìm phương án chia sẻ dữ liệu và công cụ này cho các đơn vị của EVN khu vực miền Trung khai thác, kịp thời phục vụ công tác ứng phó với cơn bão Noru đang hướng vào miền Trung với cường độ rất mạnh.
 
Hệ thống này là sáng kiến của nhóm các kỹ sư A0 đã được đưa vào thử nghiệm từ năm 2021 và được EVN công nhận là sáng kiến cấp Tập đoàn vào tháng 2/2022. 
 
Ông Nguyễn Quốc Trung – Phó Giám đốc A0 cho hay, vào thời điểm được công nhận sáng kiến cấp EVN đến trước ngày 25/9/2022, hệ thống giám sát dữ liệu khí tượng được sử dụng nội bộ trong A0, nhằm thu thập các dữ liệu, phân tích và cảnh báo phục vụ công tác vận hành, điều độ năng lượng tái tạo. Chính vì vậy, khi nhận được yêu cầu từ lãnh đạo, trong một thời gian rất ngắn vừa phải nâng cấp công cụ để có thể tích hợp thêm các dữ liệu dự báo, vừa thử nghiệm hiệu chỉnh hoàn thiện, vừa nghiên cứu phương án chia sẻ lượng dữ liệu rất lớn và cập nhật liên tục là một áp lực không nhỏ đối với nhóm tác giả. Dù vậy, anh em cũng xác định tính cấp bách của nhiệm vụ, tập trung toàn lực bắt tay ngay vào công việc.
 
Với phiên bản nâng cấp mới này, hệ thống có khả năng cung cấp thông tin giám sát thời gian thực tốc độ gió trên các khu vực dựa trên số liệu thu thập từ tất cả các nhà máy năng lượng tái tạo trên cả nước (bao gồm cả nhà máy điện gió và điện mặt trời); cũng như dữ liệu dự báo tốc độ gió được cập nhật liên tục tại các khu vực; dữ liệu được hiển thị dạng biểu đồ số liệu, bản đồ địa hình, bảng dữ liệu trực quan giúp người sử dụng thuận tiện khai thác. Ngoài ra, hệ thống cũng đưa ra các cảnh báo trực quan cho người vận hành về cấp gió dựa trên tốc độ gió, ngưỡng ngừng tuabin khi có các điều kiện gió vượt giá trị cho phép vận hành…
 
Hơn 48h làm việc liên tục, với 100% quân số “cắm chốt” tại cơ quan, với những “đêm trắng” đúng nghĩa khi anh em chỉ thay nhau chợp mắt trong vài tiếng đồng hồ, rồi tiếp tục “chiến đấu”, đến trưa 27/9, công cụ được hoàn thành; chiều 27/9, tiếp tục họp online với các Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền (A1, A2, A3) và các đơn vị nằm trong vùng ảnh hưởng của bão như Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2), Tổng Công ty Điện lực miền Trung và các công ty điện lực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa để hướng dẫn cài đặt và sử dụng.
 
Chưa dừng lại ở đó, trong suốt quá trình khai thác ứng dụng công cụ khi cơn bão đổ bộ, các kỹ sư luôn túc trực nhằm cập nhật và xử lý những vấn đề nảy sinh, đảm bảo hệ thống hoạt động liên tục và tin cậy phục vụ các đơn vị ứng phó hiệu quả với bão. Đến nay, khi cơn bão đi qua, hệ thống này đã chứng minh được tính hiệu quả trong việc giúp các đơn vị đưa ra các quyết định trong công tác vận hành cũng như điều động nguồn lực, trang thiết bị ứng trực tại các vị trí nguy cơ cao.
 
Phát huy hiệu quả trong ứng phó thiên tai

Ảnh chụp màn hình "Hệ thống Giám sát khí tượng phục vụ công tác vận hành các nguồn năng lượng tái tạo" tại thời điểm 6h30 ngày 28/9/2022 - khi cơn bão số 4 đổ bộ - cho thấy dữ liệu về tốc độ gió ở từng khu vực cụ thể.
 
Là người trực tiếp trực ban bão số 4, Điều độ viên Châu Minh Thắng - Phòng Điều độ (A3) cho biết, Hệ thống giám sát dữ liệu khí tượng của A0 hỗ trợ đắc lực cho điều độ viên A3 trong công tác vận hành để đưa ra các quyết định kịp thời, và chính xác. Có được các thông tin về tốc độ gió theo từng khu vực giúp chúng tôi phối hợp cùng các đơn vị quản lý vận hành nhanh chóng khôi phục những đường dây huyết mạch đảm bảo trạng thái vận hành an toàn, liên tục của hệ thống điện miền Trung.
 
Còn ông Thái Duy Nam - Phó phòng điều độ, Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) chia sẻ, hệ thống giám sát khí tượng năng lượng tái tạo của A0 thực sự rất hiệu quả trong việc hỗ trợ PTC2 đưa ra các quyết định trong quá trình ứng phó với cơn bão số 4. Cụ thể, giúp anh em trực ban truyền tải nắm rõ được thông số gió tại các khu vực công ty quản lý để phối hợp với các cấp điều độ trong công tác khắc phục sự cố do bão gây ra đồng thời tham mưu cho lãnh đạo PTC2 để quyết định cho tập trung nhân lực cho những khu vực được dự báo cấp độ gió mạnh hơn.
 
“Tôi mong rằng, A0 tiếp tục phát triển hệ thống và chia sẻ đến PTC2 nói riêng cũng như các đơn vị trong truyền tải nói chung, để giúp nâng cao hiệu quả phòng chống thiên tai, nhất là ứng phó với các cơn bão”, ông Thái Duy Nam chia sẻ.
 
Đặc biệt, vừa qua, khi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 4 tại A3, ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN cũng đã đánh giá cao ứng dụng này trong việc giám sát và theo dõi các cấp độ gió ở từng khu vực, hỗ trợ trong công tác phòng chống thiên tai.
 
A0 cũng cho biết, Trung tâm sẵn sàng chia sẻ dữ liệu với các đơn vị có nhu cầu, để phục vụ công tác phòng chống thiên tai. 
 
“Giải pháp xây dựng hệ thống giám sát dữ liệu khí tượng phục vụ công tác vận hành các nguồn Năng lượng tái tạo” đã và đang chứng minh được tính hiệu quả không chỉ trong công tác vận hành năng lượng tái tạo mà còn cả trong công tác phòng chống thiên tai. Đặc biệt, đây là sáng kiến phù hợp với xu hướng chuyển đổi số của EVN, do chính những kỹ sư của A0 tự nghiên cứu, thực hiện.
Minh Tuấn