Những "nhà máy phát điện" trên đồng tôm, cây trái

Thứ hai, 28/12/2020 | 15:12 GMT+7
Điện mặt trời phát triển mạnh trên các vùng nông nghiệp ĐBSCL. Sản lượng điện tăng nhanh từng tháng...
 
Nghị quyết số 55 ngày 11/2/2020 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 2068/TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. Từ đó, điện mặt trời phát triển mạnh trên vùng nông nghiệp ĐBSCL.

Trên đất nuôi thủy sản và trồng cây
 
Cánh đồng nuôi tôm rộng 5,6 ha ở ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Hậu (Hòa Bình, Bạc Liêu) bây giờ đã trở thành “nhà máy phát điện” với san sát những tấm pin năng lượng mặt trời. Đầu tư dự án này là Công ty Cổ phần Solan Việt Nam do bà Nguyễn Thị Châu Giang làm giám đốc. Trực tiếp quản lý dự án là anh Vũ Văn Thành ở Hà Nội, vào đây từ đầu năm 2020.
 
Anh Thành cho biết, khu vực nuôi tôm thâm canh có nhiều ao để sử dụng nước theo quy trình khép kín, gồm các ao chứa nước, lắng lọc và ao nuôi. Pin năng lượng mặt trời lắp trên hệ thống giàn xây dựng ở các ao chứa nước và lắng lọc. Còn ao nuôi tôm để trống, không lắp pin năng lượng mặt trời.
 
Bắt đầu triển khai xây dựng dự án điện mặt trời từ tháng 2/2020, đến nay đã đóng điện một khu vực rộng 1 ha có công suất 1 MW. Những khu vực khác có công suất khoảng 3 MW đang gấp rút hoàn thiện. Điện bán giá 1.940 đồng/kW và theo anh Thành, một ngày đã thu được 10 triệu đồng. “Một héc ta đầu tư 13 tỷ đồng, với giá bán điện hiện nay tính cả chi phí quản lý thì mất khoảng 5,5 – 6 năm sẽ thu hồi vốn đầu tư. Có thể thấy, việc lắp đặt pin năng lượng mặt trời vừa góp phần tạo nguồn năng lượng sạch vừa hỗ trợ cho việc nuôi tôm thêm hiệu quả”, anh Thành nói.
 
Tỉnh Bạc Liêu có hơn nửa diện tích đất tự nhiên nuôi tôm và hiện nay, nhiều cánh đồng tôm rộn ràng lắp đặt tấm pin mặt trời.
 
Ở Hậu Giang, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Quốc Toàn giới thiệu tỉnh có thế mạnh về lúa gạo, cây ăn quả, thủy sản và 96 nhà đầu tư đã đến tìm hiểu, xin chủ trương đầu tư điện mặt trời trên các trang trại nông nghiệp với tổng công suất đăng ký 212MWp. Hiện nay, Điện lực Hậu Giang đã cho phép 50 nhà đầu tư đấu nối lên lưới điện 45MW. “Mục tiêu từ năm 2020 đến 2025 hệ thống điện mặt trời trang trại nông nghiệp đạt 70MWp”, ông Toàn nói.
 
Tỉnh An Giang cũng có nhiều doanh nghiệp và hộ cá nhân nuôi cá tra, trồng rau màu đã lắp tấm pin mặt trời, có cơ sở công suất gần 10 MWp. Tổ chức GreenID đang hỗ trợ triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời tại hộ ông Chau Hon ở ấp An Hòa, xã Châu Lăng (Tri Tôn, An Giang). Với 1.000 m2 đất trồng rau được xây dựng dạng nhà kính có mái che, bên trên lắp đặt tấm pin mặt trời có công suất 40 kWp, tổng vốn đầu tư 880 triệu đồng, chủ yếu do GreenID và Công ty Ý thức khí hậu (Climate Sense) hỗ trợ. Hoàn thành cuối tháng 12/2020, tiền điện dự kiến bán cho EVN một năm khoảng 100 triệu đồng.
 
Điện áp mái và nhà máy điện
 
Nằm trên núi Cấm ở huyện Tịnh Biên (An Giang), ấp Vồ Bà của xã An Hảo không thể tiếp cận lưới điện quốc gia nhưng cuối năm 2018 tất cả 100% hộ dân đã có điện xài từ năng lượng mặt trời. Trong căn nhà cheo leo vách núi, ông Đặng Văn Phước, 52 tuổi, kể vợ chồng ông có 2 con với 8.000 m2 đất trồng cây ăn trái, thêm chạy xe ôm đón đưa khách du lịch nên kinh tế tạm ổn.
 
Chục năm trở về trước chỉ leo lét đèn dầu, tiếp đó có doanh nghiệp tư nhân bán “tấm năng lượng” (pin mặt trời) và gia đình ông lắp được 2 tấm để thắp sáng vì chi phí khá cao. Năm 2018, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh An Giang thực hiện Dự án Năng lượng xanh, giảm 50% chi phí đầu tư và hỗ trợ tín dụng cho số vốn còn lại thì gia đình ông lắp thêm 4 tấm. Nhờ đó, từ cuối năm 2018, gia đình ông có điện đáp ứng các nhu cầu thiết yếu như thắp sáng 13 bóng đèn, xem ti vi, quạt máy.
 
Gần nhà ông Phước là gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết, 53 tuổi, kinh doanh nhà nghỉ và quán cà phê phục vụ khách du lịch nên điện mặt trời đưa lại lợi ích khá lớn. Bà kể, trước đây gia đình bà phải chạy máy phát điện riêng tốn kém và vất vả. Rồi chục năm trước lắp “tấm năng lượng” nhưng chỉ được vài tấm vì giá cao, lượng điện hạn chế, không đủ sử dụng. Năm 2018 được Dự án GreenID hỗ trợ, gia đình bà lắp 20 “tấm năng lượng”. Từ đó, đủ điện thắp sáng, xem ti vi, nấu cơm, bơm điện cấp nước cho 20 nhà tắm phục vụ du khách.
 
Trong vùng ĐBSCL, tỉnh An Giang đang có nhiều nhà máy điện mặt trời vào hàng bậc nhất. Sở Công Thương cho biết, tỉnh có 10 dự án nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 1.800MW. Hiện đã có 4 nhà máy hoạt động với tổng công suất 214MWp; đến cuối năm nay thêm một số nhà máy với tổng công suất 320MWp nữa.
 
Nhà máy điện mặt trời Sao Mai ở chân núi Cấm thuộc xã An Hảo (Tịnh Biên, An Giang) của Tập đoàn Sao Mai. Trên diện tích 275 ha, tổng vốn đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, tổng công suất 210 MWp. Nhà máy xây dựng hai giai đoạn, giai đoạn 1 có vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, công suất 104 MWp, trên diện tích 120 ha, khởi công giữa tháng 2/2019 đến ngày 6/7/2019 hoàn thành, đưa vào hoạt động thương mại. Giai đoạn 1 lắp đặt hơn 300.000 tấm pin mặt trời trên trụ đỡ cao 1,8 mét, sử dụng 38 Inverter và 60.000 trụ đỡ kết nối với hơn 1 triệu mét cáp. Giai đoạn 2 có công suất 106 MWp, đóng điện vào ngày 27/11/2017.

Tăng nhanh từng tháng
 
Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến ngày 17/11/2020, cả nước có 66.323 dự án lắp đặt tấm năng lượng mặt trời với tổng công suất 2.235 MWp, so với cuối tháng 5/2020 đã tăng 210% dự án và gần 324% công suất lắp đặt. Hồi cuối tháng 5/2020, cả nước mới có 31.506 dự án điện mặt trời áp mái với tổng công suất lắp đặt xấp xỉ 652 MWp; trong đó, khu vực công nghiệp chiếm 56% tổng công suất lắp đặt, tiếp đến hộ gia đình 28%, thương mại 11% và hành chính sự nghiệp 5%.
 
Sản lượng điện mặt trời áp mái phát lên lưới đang tăng nhanh từng tháng, chẳng hạn trong tháng 9/2020, cả nước phát lên lưới 118.891 MWh gấp hơn 1,4 lần của tháng 8/2020 là 82.671,4 MWh.
 
Theo: Báo Nông nghiệp