Những ngày… chưa có điện
Theo lời anh Sơ-người làng Pluk Pui, xã Ia Ka (huyện Chư Pah), làng phong của anh hiện diện đã gần 10 năm nay. Quãng thời gian ấy, đời sống về đêm của đồng bào làng phong nói riêng, làng Pui, làng Jô Răng cách làng phong một con đường làng nói chung bằng ánh lửa và ngọn đèn dầu. Về đêm, làng buồn lắm! Đường làng không tiếng trẻ nô đùa lại thưa bước chân người. Thảng hoặc mới có ánh sáng từ chiếc đèn pin đảo qua, đảo lại trên những con đường đất đỏ. Tầm 7 giờ tối, những ngọn đèn dầu trong các ngôi nhà thưa dần… và tắt hẳn.
Trưởng thôn làng Pui-ông Rơ Châm Peh kể: Cả làng chỉ có một giọt nước công cộng cung cấp nước sinh hoạt và nước tưới cà phê. So với các hộ trong làng, vườn cà phê nhà ông gần giọt nước mà phải tốn 15 cuộn ống dẫn, mỗi cuộn dài 50 mét nối vào mới dẫn được nước từ giọt đến vườn cà phê. Điều quan trọng là mùa cà phê cần nước tưới, đồng bào trong làng tranh lấy nước, ai cũng muốn được nên lời ra, tiếng vào làm mất đi chữ tình, chữ nghĩa giữa các hộ dân trong làng. Thương nhất là những thanh niên làng Pui chịu khó gùi bình ắc-quy vượt hơn 10 km đường đất từ làng ra trung tâm xã Ia Ka nạp điện mang về nối vào ti vi trắng đen phục vụ dân làng. Cả làng ngày đó chỉ có mấy cái ti vi trắng đen nhập nhòe hình ảnh.
Người dân luôn khát khao một ngày được thấy dòng điện kéo vào nhà…
Bừng sáng thôn làng
Theo tổng hợp của Điện lực Gia Lai, gần 2 năm thi công, dự án cấp điện cho thôn làng chưa có điện trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã hoàn thành khối lượng 247,072 km ĐZTA; 357,769 km ĐZHA; 193 TBA tổng dung lượng 11,459 KVA. Nghiệm thu đóng điện cho 297/326 thôn làng; cung cấp điện cho 22.652 hộ. Từ nay đến 30-6-2010 sẽ đóng điện cho các thôn làng còn lại. Kết quả triển khai thực hiện dự án đã góp phần hoàn thành mục tiêu phủ lưới điện quốc gia đến 100% xã, phường, thị trấn; số thôn làng toàn tỉnh được sử dụng điện đạt 95% và tương lai gần sẽ đạt 100%.
Ông Măng Đoàn-Giám đốc Điện lực Gia Lai cho biết: Đó là thành quả từ sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Tổng Công ty Điện lực miền Trung nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ, công nhân viên Điện lực Gia Lai. Ông Rơ Châm Hnol, ở làng phong, xã Ia Ka (huyện Chư Pah) xúc động: Làng toàn là người bệnh. Nhà nước đã đầu tư xây dựng đường điện, kéo đến từng gia đình, lắp bóng không lấy tiền để người dân sử dụng, đồng bào vui lắm. Các anh ở Chi nhánh Điện Chư Pah vào nhà lắp điện, tận tình hướng dẫn.
Chúng tôi đến làng Khớp, xã Ia Grăng (huyện Ia Grai); thôn Ia Pôn, xã Ia Krêl (huyện Đức Cơ)… để cảm nhận sự đổi thay của thôn làng từ khi có điện. Nghe chúng tôi hỏi chuyện, anh Rơ Mah Bóp buông vội ống dẫn nước tưới cà phê nói: Nhờ có điện mà đồng bào chủ động đào giếng, mua máy bơm về tưới cà phê nên mùa này mới thoát hạn. Bây giờ, chỉ cần kéo ống dẫn nước ra hố cà phê, bật điện lên là tha hồ tưới. Một ha cà phê tưới 1 ngày là xong, tiền điện không cao. Lúc chưa có điện, tưới 1 ha phải mất vài ngày, tốn gấp 2-3 lần so với tưới bằng điện. Ông Lưu Văn Đồng (thôn Ia Pôn) cho biết: 100% số hộ gia đình trong thôn có điện sinh hoạt, sử dụng tưới cà phê và các loại cây công nghiệp khác. Rồi đây người dân sẽ được đổi đời. Ông Đồng còn ví đây là “một cuộc cách mạng, là dự án của lòng dân”.
Cảm nhận của chúng tôi là thôn làng đã bật lên sức sống mới. Điện về làng, đồng bào đua nhau mua ti vi theo dõi thông tin thời sự, chương trình khuyến nông, khuyến ngư, chỉ dạy cách trồng trọt để làm theo. Sức hấp dẫn của thông tin hút lấy đồng bào quây quần bên nhau, bàn cách làm ăn, xóa đói giảm nghèo, tiếp nhận chủ trương của Đảng, Nhà nước để thực hiện cho đúng. Hiện thực mới ấy khẳng định: Dự án cấp điện cho các thôn làng đặc biệt khó khăn ở Tây Nguyên đã, đang và sẽ thắp lên niềm tin trong đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng về một đời sống khởi sắc.