Chuyển đổi số trong EVN

PC Bình Định: Chuyển đổi số giúp người dùng tiết kiệm năng lượng

Thứ sáu, 20/10/2023 | 08:20 GMT+7
Công ty Điện lực (PC) Bình Định sẽ xác định sự cố về mạng lưới điện nhanh hơn, hỗ trợ người dùng cách tiết kiệm năng lượng và phát hiện ra các tổn thất, mất mát điện năng.


Chuyển đổi số giúp người dùng tiết kiệm năng lượng.

Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định - Thái Minh Châu cho biết, năm nay, đơn vị ưu tiên tập trung hướng đến tối đa hóa và tự động hóa các mạng lưới điện, phục vụ cung ứng điện một cách hiệu quả và thực hiện kết nối các đồng hồ đo điện số để cải thiện tốc độ và sự chính xác của hóa đơn; xác định sự cố về mạng lưới điện nhanh hơn, hỗ trợ người dùng cách tiết kiệm năng lượng và phát hiện ra các tổn thất, mất mát điện năng. Để giải quyết những vấn đề trên, trong nhiều năm qua, PC Bình Định đã tập trung tự động hóa lưới điện, hiện tại có 14/14 TBA 110kV đã được trang bị hệ thống công nghệ để cho phép trung tâm điều khiển tại phòng điều độ giám sát, điều khiển, thu thập dữ liệu để vận hành trạm ở chế độ không người trực.​

“Mọi thông số vận hành, cảnh báo sự cố được kết nối về trung tâm điều khiển qua hệ thống điều hành SCADA. Điều đó đã giúp giảm tối đa nhân lực vận hành, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí vận hành hệ thống, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và đảm bảo vận hành lưới điện an toàn. Việc sử dụng hệ thống SCADA để thao tác đóng cắt từ trung tâm điều khiển các đường dây, trạm biến áp, thực hiện cấp điện trở lại cho khách hàng nhanh hơn, ngăn ngừa nguy cơ sự cố gây mất an toàn cho người và thiết bị”, ông Châu giải thích.

Theo ông Thái Minh Châu, đối với các trạm biến áp 110kV đầu tư mới trong những năm tiếp theo, sẽ thực hiện đồng bộ tự động hóa đảm bảo trạm không người trực. Ngoài ra, hàng năm PC Bình Định thực hiện lập phương án đầu tư lắp đặt bổ sung thiết bị phân đoạn (TBPĐ) có kết nối từ xa về Trung tâm điều khiển. 

Điều này đảm bảo tiêu chí đến năm 2025 hoàn thành số km/TBPĐ đối với khu vực trung tâm thành phố từ 1-3km có chức năng tự động hóa lưới điện phân phối, khu vực lân cận trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn từ 3-4km và khu vực nông thôn, miền núi <= 10km.

Áp dụng chuyển đổi số tiếp theo vào điện lực, ông Châu đề cập, để xác định sự cố mạng lưới điện nhanh hơn, đơn vị còn trang bị bộ cảnh báo sự cố gắn trên các vị trí đầu đoạn đường dây, nhánh rẽ có nguy cơ sự cố cao để khi xảy ra sự cố các thiết bị này gửi tin nhắn về bộ phận quản lý vận hành nhằm giúp xác định sớm sự cố để xử lý cấp điện lại nhanh hơn.

Để giám sát tình trạng vận hành hiệu quả, PC Bình Định đã ứng dụng các phần mềm PMIS, các hệ thống đo xa (DSPM, RFSpider,…) tích hợp, liên kết,... giúp người quản lý, vận hành biết được trạng thái làm việc của thiết bị và có giải pháp vận hành tin cậy, kinh tế. Đồng thời, giúp công tác quản lý tổn thất điện năng được cập nhật kịp thời theo thời gian thực, cải thiện việc duy trì chất lượng điện năng ở ngưỡng cao (độ tin cậy cấp điện đang tiệm cận dần các chỉ tiêu ở ngưỡng các nước tiên tiến).

Trung tâm điều khiển hệ thống điện Bình Định.

Ông Châu nhận định: “Trong quá trình chuyển đổi số, công nghệ là phương tiện, còn con người là yếu tố quyết định sự thành công. Nhận thức rõ điều đó, ngoài hoàn thiện hạ tầng, công nghệ, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến nguồn 'nhân lực số', cùng với việc hình thành nên thói quen, thay đổi nhận thức của người lao động để bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số.  

Người lao động của PC Bình Định đã quen với môi trường thực trong nhiều năm. Chuyển lên môi trường số là thay đổi thói quen, đây là việc khó, là việc lâu dài. Tuy nhiên văn hoá của người Việt Nam nói chung, cũng như cán bộ công nhân viên của đơn vị nói riêng là thích ứng nhanh với cái mới, ham học hỏi cái mới, sáng tạo trong ứng dụng cái mới nên tôi tin tưởng vào việc thay đổi nhận thức, thói quen của người lao động”.

Trong những năm qua, PC Bình Định đã tổ chức nhiều khóa đào tạo chuyển đổi nhận thức cũng như đào tạo chuyên sâu về chuyển đổi số, đặc biệt là về an toàn an ninh thông tin cho toàn thể cán bộ nhân viên.

Hiện nay, Công ty Điện lực Bình Định đang quản lý vận hành và cấp điện trên toàn tỉnh với khối lượng chiều dài đường dây 110kV: 433km, chiều dài trung áp đến 35kV: 2861 km (Nhơn Châu: 11km cáp ngầm vượt biển), chiều dài đường dây 0,4kV: 4236km, TBA: 4000TBA, dung lượng: 1931 ngàn kVA.

Công ty Điện lực Bình Định hiện trực tiếp phục vụ khách hàng sử dụng điện trên 11 huyện/thành phố/ thị xã trong tỉnh qua 09 Điện lực trực thuộc. Tính đến hết tháng 9/2023, Công ty Điện lực Bình Định đã có trên 475 ngàn khách hàng sử dụng điện trong toàn tỉnh, trong đó khách hàng có mục đích sử dụng điện ngoài sinh hoạt trên 59 ngàn khách hàng và khách hàng có mục đích sinh hoạt trên 416 ngàn khách hàng.

Theo: TKNL