PC Bình Định sửa chữa, nâng cấp lưới điện trên tuyến đường Hoàng Văn Thụ nối dài, TP Quy Nhơn. Ảnh: Đ.PHƯƠNG.
Bên cạnh đó, PC Bình Ðịnh luôn đồng hành và làm tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Dấu ấn phát triển
Tiền thân của PC Bình Định là Sở Quản lý và phân phối điện Nghĩa Bình trực thuộc Công ty Điện lực miền Trung, được Bộ Điện và Than thành lập vào ngày 8.12.1976 trên cơ sở sáp nhập 2 nhà máy điện Quy Nhơn và Quảng Ngãi.
Ông Nguyễn Mậu Từ, nguyên Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định, kể: Ở giai đoạn Sở Quản lý và phân phối điện Nghĩa Bình, hoàn toàn dựa vào nguồn điện diesel. Thời điểm đó, tại tỉnh Bình Định chỉ có Nhà máy điện Quy Nhơn gồm 5 tổ máy phát điện diesel 2.100 KVA; 3 tổ máy phát điện diesel 200 KVA tại thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn, 2 máy phát điện Cummins, công suất 50 kW/máy tại thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước. Mãi đến ngày 20.8.1993, tỉnh Bình Định mới nhận được một phần lưới điện quốc gia, nguồn điện 35 kV từ trạm biến áp 110 kV cấp vào theo đường dây 110 kV để hòa cùng lưới điện diesel tại trạm phát điện Nhơn Thạnh, huyện An Nhơn. Điện lưới quốc gia trong giai đoạn đầu với công suất 6 - 8 MW là nguồn bổ sung quý giá cho nhu cầu năng lượng của tỉnh.
Qua 45 năm phát triển, PC Bình Định đã vượt qua mọi khó khăn đưa lưới điện quốc gia về phủ khắp xóm, làng hẻo lánh, xã đảo xa xôi. Đến nay, PC Bình Định cung cấp điện cho hơn 460 nghìn khách hàng ở 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh thông qua 9 điện lực trực thuộc. Tổng sản lượng điện thương phẩm trong năm 2021 đạt 2,335 tỷ kWh, tăng 6,77% so với năm 2020.
Ông Thái Minh Châu, Giám đốc PC Bình Định cho biết, “Tính đến hết năm 2021, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của PC Bình Định cơ bản đạt và vượt mức được giao. Tổng doanh thu tiền điện 5 năm (2017 - 2021) đạt trên 18.070 tỷ đồng. Tỷ lệ tổn thất điện năng liên tục giảm, năm 2021 còn 4,59%, dự kiến đến năm 2025 sẽ còn 3,9%. PC Bình Định nộp ngân sách nhà nước bình quân mỗi năm hơn 41 tỷ đồng”.
PC Bình Định còn chú trọng việc cải tiến và hiện đại hóa hệ thống lưới điện, ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất và kinh doanh, như: Hệ thống quản lý thu thập dữ liệu, giám sát và điều khiển từ xa SCADA; trạm biến áp 110 kV vận hành không người trực; hệ thống thu thập thông tin chỉ số từ xa RF-Spider; sửa chữa điện nóng hotline; 12/12 dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia… nhằm nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng.
Những năm gần đây, Bình Định là một trong các tỉnh, thành khu vực vực miền Trung- Tây Nguyên hướng đến quy hoạch phát triển nguồn năng lượng tái tạo, góp phần đáp ứng nhu cầu cấp điện cho khu vực. Tỉnh đã quy hoạch khu vực phong điện nằm trong Khu kinh tế Nhơn Hội, với 4 dự án, tổng công suất 107,4 MW; 4 nhà máy điện mặt trời đã được nối lưới. Riêng điện năng lượng mặt trời mái nhà, hiện PC Bình Định có 2.090 khách hàng với công suất lắp đặt 228.691 kWp.
Hướng đến cộng đồng
Bên cạnh công tác sản xuất, kinh doanh, PC Bình Định đồng hành và làm tốt công tác an sinh xã hội, hướng đến cộng đồng. Trong 5 năm qua (2017 - 2021), Công ty đã đóng góp và chi hơn 4 tỷ đồng để thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Riêng trong năm 2021, số tiền thực hiện công tác này gần 1 tỷ đồng.
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong năm 2021, PC Bình Định đã đóng góp 273 triệu đồng cho Quỹ vắc xin phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh; trao tặng 25.800 bộ đồ bảo hộ, khẩu trang y tế cho Sở Y tế và cho các cơ sở phòng, chống dịch Covid-19. Hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân trong tỉnh khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Công tác tri ân khách hàng cũng được PC Bình Định quan tâm, duy trì hằng năm và đem lại hiệu quả thiết thực, như các chương trình: Sửa chữa điện miễn phí cho các hộ chính sách, hộ nghèo; miễn phí lắp đặt công tơ, vệ sinh trạm biến áp cho các doanh nghiệp; thắp sáng đường quê; tuần lễ hồng EVN… Tính bình quân, mỗi năm PC Bình Định chi khoảng 700 triệu đồng cho các chương trình này.
Link gốc