Thành tựu qua 30 năm nỗ lực trong cung cấp điện.
Đến nay điện lưới quốc gia đã phủ kín tất cả địa bàn dân cư của tỉnh. Điện về người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi có điều kiện ứng dung khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Nguồn điện ổn định cũng giúp cho các nhà máy, xí nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động và góp phần phần thúc đẩy kinh tế – xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Sau 4 năm tái lập tỉnh, năm 1996 đồng bào Raglai Cầu Gẫy và Đá Hang – 2 địa phương khó khăn nhất của xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải đón một niềm vui vô bờ đó là hệ thống điện lưới quốc gia đã kéo về 2 thôn. Có điện, đồng bào Raglag nơi đây dễ dàng nắm bắt các chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước, cũng như học hỏi những kinh nghiệm hay để ứng dụng vào sản xuất và đời sống.
Năm 1992, khi mới tái lập, toàn tỉnh Ninh Thuận chỉ có 01 trạm biến áp 110kV với dung lượng 25MVA. Lưới điện do Công ty Điện lực Ninh Thuận quản lý lúc này chỉ khoảng 207km đường dây trung thế, 84km đường dây hạ thế, 160 trạm biến áp phân phối với tổng dung lượng 18,5MVA và 6.563 khách hàng; lưới điện thường xảy ra sự cố, điện áp không đảm bảo, tổn thất điện năng cao 9,48%, với 59,3% số xã có điện, 38,1% số thôn có điện, 28,2% số hộ có điện.
Xác định muốn phát triển kinh tế – xã hội một trong điều kiện cần đó là điện. Do vậy, bên cạnh nguồn vốn đầu tư của Trung ương, Ninh Thuận cũng đã chú trọng đầu tư nhiều nguồn vốn để nhanh chóng đưa điện về các vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi. Đến cuối năm 2003 Ninh Thuận đã có 100% xã, phường có điện lưới quốc gia và cuối năm 2005 đã có 100% số thôn trong tỉnh có điện lưới quốc gia.
Với nỗ lực của ngành Điện lực, sau 30 năm tái lập tỉnh, đến năm 2021, sản lượng điện thương phẩm trên địa bàn tỉnh là 732,8 triệu kWh, tăng 27,2 lần so với năm 1992, tổn thất điện năng giảm từ 10% xuống còn 2,1%; độ tin cậy cung cấp điện, chỉ số tiếp cận điện năng như: số lần sự cố lưới điện, thời gian cắt điện, mất điện do sự cố, sửa chữa lưới điện và thời gian giải quyết yêu cầu cung cấp điện của khách hàng năm sau luôn tốt hơn năm trước.
Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển hơn 190 km đường dây 110kV và 05 trạm biến áp 110kV với tổng dung lượng là 255 MVA; lưới điện phân phối với hơn 1.075 km đường dây trung áp trải đều khắp tỉnh và đi qua các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, làng nghề,… sẵn sàng cấp điện khi có nhu cầu. Hơn 1.170 km đường dây hạ áp và 1.721trạm biến áp với tổng dung lượng hơn 264,7 MVA, cấp điện cho hơn 190.300 khách hàng; 100% hộ dân trong toàn tỉnh được cung cấp điện lưới quốc gia.
Để thực hiện thành công Nghị quyết số 20 ngày 25/01/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước và đảm bảo yêu cầu để phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, ngành Điện lực Ninh Thuận đang tiếp tục nỗ lực để đưa công tác phân phối và kinh doanh điện năng trên địa bàn tỉnh ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu về điện cho sinh hoạt và sản xuất, góp phần nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương ngày càng phát triển.
Link gốc