Trung tâm điều khiển hệ thống điện PC Đà Nẵng.
Đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, đơn vị tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng điện cung cấp đến khách hàng, phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.
Hiệu quả từ một chương trình
Trước đây, việc kiểm tra tình trạng vận hành, kiểm tra điện áp các nhánh rẽ hạ áp và điện áp cuối nguồn, kiểm tra các vị trí tiếp xúc xấu trên lưới điện hạ áp được thực hiện thủ công nên rất mất thời gian, nhân lực, ngoài ra, đường dây hạ áp nằm sâu phía trong ngõ, hẻm, gây khó khăn cho việc tìm kiếm, xử lý sự cố. Bên cạnh đó, chưa có chương trình nào hỗ trợ định vị tự động vị trí trụ đấu nối khách hàng khi bị sự cố cũng như cung cấp các thông tin liên quan để hỗ trợ các nhân viên của các Điện lực tiếp cận nhanh nhất vị trí sự cố để xử lý.
Trên cơ sở đó, từ giữa năm 2021, PC Đà Nẵng đã nghiên cứu và triển khai ứng dụng Chương trình tiện ích cảnh báo điện áp thấp tại điểm đấu nối khách hàng sử dụng điện trong toàn Công ty nhằm đảm bảo giá trị điện áp nằm trong phạm vi quy định, góp phần cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định đến khách hàng sử dụng điện.
Anh Lê Duy Tấn - chuyên viên Phòng Kỹ thuật, PC Đà Nẵng, là thành viên nhóm tác giả xây dựng chương trình cho biết, chương trình là sự kết hợp giữa dữ liệu thông tin khách hàng và dữ liệu đo đếm công tơ, chương trình đo xa IFC, RF Spider… kết hợp các thuật toán để tự động đánh giá, phân tích và đưa ra thông tin đầy đủ, chính xác nhất về giá trị điện áp thấp, thời gian xảy ra, cung cấp chính xác vị trí thấp áp, phán đoán nguyên nhân và đề xuất hướng xử lý cơ bản.
Việc ứng dụng chương trình từ đầu năm đến nay trong toàn Công ty đã phát huy hiệu quả, nhờ đó mà các Điện lực trực thuộc cũng như các phòng nghiệp vụ có thể lên kế hoạch để sắp xếp thời gian khắc phục nhanh nhất, giúp nâng cao chất lượng điện năng, nâng cao công tác dịch vụ khách hàng cũng như giảm tổn thất điện năng cho lưới điện. Từ đầu năm đến nay, đã có 3.080 trường hợp thấp áp đã được xử lý, chiếm tỉ lệ 0,86% trên tổng số khách hàng của PC Đà Nẵng. Với những hiệu quả mang lại, chương trình với tên đề tài: “Ứng dụng thuật toán thông tin địa lý để phân tích cảnh báo khách hàng điện áp thấp” đã vinh dự được đạt giải khuyến khích Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2021 và giải Nhì Hội thi sáng tạo Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ 16.
Việc tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hơn nữa công tác quản lý vận hành, phục vụ đắc lực công tác KD&DVKH là một trong những nội dung chuyển đổi số mà Công ty luôn đẩy mạnh, hướng đến mục tiêu luôn vì sự hài lòng của khách hàng mà không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ điện.
Chuyển đổi số để đổi mới doanh nghiệp
Năm 2022, Công ty đang triển khai thực hiện 18 nhiệm vụ chuyển đổi số, trong đó có 10 nhiệm vụ từ EVNCPC (bổ sung thêm 3 nhiệm vụ mới) và 8 nhiệm vụ do Công ty đề ra. Tính đến nay, PC Đà Nẵng đã đạt được một số kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số như: 100% hồ sơ, sổ sách, lý lịch, thông số vận hành, chỉ số điều kiện sức khỏe - CHI (Condition Health Index) thiết bị lưới điện được quản lý trên chương trình PMIS. Bên cạnh đó, Công ty cũng đã áp dụng quy trình sửa chữa.
RCM/CBM cho 100% thiết bị tại TBA 110kV, MBA phân phối, thiết bị đóng cắt trung áp; đồng thời thời gian qua, Công ty đã trao đổi với UBND thành phố Đà Nẵng để được chia sẻ bản đồ nền địa chính hệ tọa độ VN-2000; xây dựng các công cụ so sánh thống kê giữa GIS và PMIS để đảm bảo duy trì cập nhật dữ liệu một cách thường xuyên, liên tục… Đặc biệt, trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, Công ty cũng tích cực tuyên truyền và hướng dẫn khách hàng sử dụng hoàn toàn các kênh giao tiếp số để đăng ký dịch vụ điện, thanh toán…qua Trung tâm CSKH hoặc cổng Dịch vụ công Quốc gia; triển khai thông báo khách hàng đăng ký kênh nhận các thông tin dịch vụ điện có tương tác, đầy đủ thông tin như Email, Zalo, App CSKH thay tin nhắn SMS, đến nay tỷ lệ điện tử hóa toàn bộ quá trình cung cấp dịch vụ điện đạt 100%.
Với mục tiêu ứng dụng công nghệ mới, tạo ra những giá trị khác biệt trong công tác dịch vụ khách hàng, Công ty cũng tiếp tục tiếp tục phát huy hiệu quả trong việc ứng dụng sáng kiến “Cảnh báo sản lượng điện bất thường thời gian thực từ hệ thống đo xa”, qua đó giúp phát hiện nhanh chạm chập từ 30 ngày xuống còn từ 2 đến 3 ngày, đồng thời rút ngắn phạm vi tìm kiếm từ 18% xuống chỉ còn 0,44% tổng số khách hàng sử dụng điện.
Ông Lê Hồng Cương – Chủ tịch kiêm Giám đốc PC Đà Nẵng, cho biết: “Đến nay, chuyển đổi số đã được đơn vị triển khai áp dụng trên nhiều lĩnh vực quản trị nội bộ, viễn thông và công nghệ thông tin, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và quản lý vận hành lưới điện. Thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu các công nghệ lõi (AI, Bigdata, cloud…), tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích, dự đoán hành vi sử dụng điện… để nâng cao hiệu quả công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong tương lai”.