Điện lực Tuy Đức lắp đặt công tơ mới cho khách hàng khu vực biên giới xã Đắk Buk So.
Đắk Búk So và Quảng Trực là 02 xã vùng biên giới giáp với Campuchia thuộc huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Tại đây, đồng bào người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỉ lệ cao nhưng trình độ dân trí còn thấp, đời sống kinh tế của bà con và cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, khó khăn. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền tại địa phương, những bon làng nơi 02 xã vùng biên giới này đã có những nét khởi sắc ban đầu.
Trong chuyến thăm và chúc Tết bà con nhân dân trên địa bàn huyện Tuy Đức, đoàn công tác chúng tôi có dịp ghé ngang qua bon Đắk Nd’rung và bon Bù Boong (xã Đắk Búk So). Vùng đất khó khăn ngày nào nay đã vươn mình với nhiều khởi sắc, đổi mới trên mảnh đất biên giới này. Trước đây, khi chưa có lưới điện quốc gia, bà con trong vùng chủ yếu trồng lúa, mì và cây ngắn ngày, cuộc sống thường thiếu đói vào mùa giáp hạt. Tuy nhiên, từ khi có điện lưới quốc gia về với bon và được sự hướng dẫn, động viên và hỗ trợ về mọi mặt của chính quyền địa phương, bà con đã mạnh dạn đổi mới giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật, máy móc và sử dụng nguồn điện để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế. Hiện nay, những cánh đồng trên địa bàn 02 bon Bù Boong và Đắk Nd’rung đã được phủ xanh các loại cây trồng mới, có hiệu quả kinh tế cao: cà phê, tiêu, bơ, khoai lang, mắc ca… Bên cạnh đó, một số hộ cũng mạnh dạn đầu tư, lập trang trại nuôi chim cút, cơ sở chế biến hạt mắc ca… với số lượng lớn, cải thiện đáng kể đời sống kinh tế.
Ông Điểu Suy - Bí thư Chi đoàn bon Bù Boong xã Đắk Búk So cho biết: “Trước đây, bà con trong bon phải sử dụng nguồn năng lượng tự chế nên điện áp rất yếu và mất an toàn. Nhờ có nguồn điện về bon và sự giúp đỡ chính quyền hỗ trợ kỹ thuật canh tác nên bà con nhân dân trong bon đã biết thay đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế. Dù còn nhiều khó khăn như đường sá xa xôi, giá cả thị trường… nhưng nhìn chung, đời sống người dân nơi đây đã ổn định hơn, không phải lo cái ăn từng bữa như mấy năm về trước. Điện về thôn bon, dọc các tuyến đường chính đều có ánh điện sáng, vừa góp phần làm đẹp nông thôn và đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương”.
Để đảm bảo cấp điện ổn định phát triển kinh tế vùng biên giới như hiện nay, PC Đắk Nông đang duy trì cung cấp điện cho nhân dân khu vực biên giới huyện Tuy Đức qua đường dây trung áp đấu nối từ cửa khẩu Bu Prăng tới ranh giới Campuchia. Hàng năm, đơn vị thường xuyên thực hiện các công trình nâng cao chất lượng cung cấp điện như: Thay dây dẫn trung áp từ FCO400-14 đến DCL400-24; nâng công suất lắp đặt tụ bù trung áp; thực hiện lắp đặt chống sét van để kịp thời xử lý sự cố… Ngoài ra, hàng năm đơn vị đều thực hiện các dự án công trình cải tạo lưới điện phân phối nông thôn (kFW), xây dựng mới và cải tạo đường dây trung áp, tạo mạch liên lạc giữa trạm 110kV Đắk R'Lấp, trạm 110kV Đắk Song, từ đó, cải thiện chất lượng điện áp cho khu vực huyện Tuy Đức và góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
Ông Đỗ Xuân Thắng - Giám đốc Điện lực Tuy Đức chia sẻ: “Việc đẩy mạnh việc cải tạo, nâng cấp các công trình xây dựng lưới điện khu vực thôn bon vùng sâu, vùng xa của huyện đã góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm nguy cơ mất an toàn đường dây sau công tơ, giúp người dân yên tâm sử dụng. Đó cũng là niềm vui và là động lực để đơn vị chúng tôi ngày càng cố gắng hơn”.
Ông Ðoàn Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực cho biết: "Thời gian qua, Công ty Điện lực Đắk Nông tích cực đầu tư phát triển hạ tầng lưới điện nên cuộc sống của bà con nhân dân đang từng bước thay đổi, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Bà con biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà phê, lúa nước, mắc ca... với hàng chục mô hình kinh tế cho thu nhập từ 150 đến hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 47,9% giai đoạn 2020 xuống còn 41,74% vào năm 2021; đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao".
Với mục tiêu để bà con các dân tộc vùng sâu, vùng xa của huyện Tuy Đức được sử dụng điện lưới quốc gia an toàn và liên tục, trong thời gian tới, PC Đắk Nông sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát lập kế hoạch đầu tư, cải tạo, nâng cấp lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân; chú trọng áp dụng những phần mềm giám sát, điều khiển và thu thập dữ liệu trên toàn hệ thống điện, giúp theo dõi tình trạng của các thiết bị đóng cắt trên lưới điện, cảnh báo khu vực đang bị quá áp, kém áp, quá tải hoặc non tải, các khu vực tổn thất cao… để có các phương án xử lý kịp thời.