PC Hà Tĩnh tuyên truyền tới người dân cách sử dụng điện đảm bảo an toàn.
Theo đó, Công ty đã thành lập các đoàn công tác, đồng thời huy động CBCNV ra quân tổng kiểm tra, rà soát, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) như: Dựng cây Nêu, sử dụng công trình lưới điện vào những mục đích như móc nối các hệ thống đèn trang trí…
Bên cạnh đó, PC Hà Tĩnh còn trực tiếp gửi 5.945 thông báo tuyên truyền và tờ rơi đến tận tay các khách hàng sinh sống, làm việc trong và hai bên hành lang an toàn lưới điện; Gửi văn bản cho các cấp chính quyền địa phương như: UBND tỉnh, Sở Công Thương, UBND TP, Huyện, Thị Xã, cùng UBND các xã và các tổ trưởng tổ dân phố, Trường học, khu vui chơi giải trí, Ban Quản lý chợ,... để đề nghị tuyên truyền an toàn điện trong nhân dân trong dịp lễ, Tết Nguyên Đán qua hệ thống loa phát thanh, truyền hình địa phương…
Mặt khác, Công ty cũng đã nhắn tin tuyên truyền 02 đợt đến hơn 440.000 khách hàng (đợt 1 vào ngày 19/01/2024 và đợt 2 vào ngày 01/02/2024); Phát 1.800 cuốn cẩm nang an toàn điện và PCCC và hàng ngàn tờ rơi, tờ gấp an toàn điện, phương pháp cấp cứu người bị điện giật và bảo vệ an toàn lưới điện cao áp cho các khách hàng sử dụng điện; In, treo 411 pa nô tuyên truyền bảo vệ hành lang lưới điện tại các địa điểm thường xuyên tập trung đông người như UBND xã, hội quán thôn, chợ, trường học...
Đặc biệt, PC Hà Tĩnh đã có văn bản gửi Phòng Giáo dục thành phố, huyện, thị xã đề nghị tuyên truyền an toàn điện đến phụ huynh và học sinh, đồng thời Công ty còn tổ chức tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả tại các các trường học trên địa bàn tỉnh; Các đơn vị Điện lực đã tăng cường đăng tải các bài viết tuyên truyền an toàn Điện đăng trên website và mạng xã hội như: Facebook, Zalo. Trong đó, tập trung tuyên truyền các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại điều 7 Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực như: Không sử dụng công trình lưới điện cao áp vào những mục đích khác; Thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp; Trộm cắp hoặc tháo gỡ dây néo, dây tiếp địa, trang thiết bị của lưới điện; Trèo lên cột điện, vào trạm điện hoặc khu vực bảo vệ an toàn công trình điện khi không có nhiệm vụ; Khuyến cáo các đơn vị, chủ đầu tư, người dân khi thi công, cải tạo công trình xây dựng nằm trong hành lang lưới điện cao thế phải phối hợp với ngành Điện triển khai các biện pháp an toàn, bảo đảm khoảng cách theo quy định... Đặc biệt, khuyến nghị người dân không trồng cây vi phạm hành lang và không tự chặt cây có nguy cơ đổ vào đường dây, nếu chặt thì phải thông báo với điện lực trước 05 ngày để được hỗ trợ thực hiện các biện pháp an toàn trước khi chặt cây.
PC Hà Tĩnh khuyến cáo, khi phát hiện các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp. Trường hợp xảy ra sự cố như có người bị điện giật, hoặc cây đổ vào đường dây, trạm điện, dây tải điện bị đứt, cột điện bị đổ, vỡ sứ, các hiện tượng phóng điện… người dân cần thông báo kịp thời cho đơn vị quản lý vận hành lưới điện thông qua Tổng đài 19006769 của Trung tâm Chăm sóc khách hàng – Tổng Công ty Điện lực miền Bắc hoặc chính quyền, công an địa phương, đơn vị quản lý điện gần nhất để kịp thời xử lý.
Bên cạnh đó, PC Hà Tĩnh kính đề nghị Quý khách hàng, người dân thực hiện các nội dung: Không dựng các cây Nêu, cột, cọc trang trí; Không xây dựng công trình, nhà ở, mang vác đồ vật, sử dụng cần cẩu, phương tiện… trong hành lang an toàn lưới điện hoặc hai bên đường dây điện cao thế vi phạm khoảng cách an toàn; Không sử dụng công trình lưới điện vào những mục đích khác khi chưa được sự thỏa thuận với ngành Điện; Không trồng cây hoặc để cây vi phạm khoảng cách an toàn; Phối hợp với Điện lực khi chặt tỉa cây có nguy cơ đổ vào đường dây; Thay thế các dây dẫn, cột điện bị hư hỏng, bong tróc, nhiều mối nối… sau công tơ (tiết diện dây dẫn phải phù hợp với công suất sử dụng và theo quy định của Nhà nước); Khi phát hiện tai nạn điện, cột điện bị đổ, gãy, dây điện bị đứt không được đến gần, tìm cách rào chắn, canh gác và liên hệ với nghành Điện để xử lý.
Link gốc