Ảnh minh họa.
Nhiều khó khăn, vướng mắc khi tiếp nhận lưới điện
Năm 1997, khi tái lập, tỉnh Quảng Nam chỉ có 1 trạm biến áp (TBA) 110 kV, 8 TBA trung gian 35kV, 599 TBA phụ tải. Khu vực chưa có điện còn tới 6 huyện, 103 xã với khoảng 120.000 hộ dân (chủ yếu ở vùng nông thôn, miền núi), chiếm 36% tổng số hộ.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 100% số huyện, thị xã, thành phố, xã, phường và 99,16% số hộ sử dụng điện quốc gia. PC Quảng Nam đang quản lý vận hành 292,5km đường dây và 13 TBA 110kV, hơn 3.960km đường dây trung áp, 4.950km đường dây hạ áp, 4.066 TBA phụ tải. Đến nay, qua 25 năm sau tái lập tỉnh đã tăng gấp 7,6 lần về số TBA phân phối, gấp 15 lần dung lượng điện năng, gấp 8,4 lần về lưới điện trung áp và hạ áp. Đặc biệt, lưới điện 110kV tăng 13 lần, trong 5 năm gần đây tăng thêm 5 TBA. Trong đó, lưới điện tiếp nhận từ địa phương, các HTX và các tổ chức đầu tư bàn giao cho PC Quảng Nam quản lý gồm 786km đường dây trung áp (chiếm 19,8%), 2.490km đường dây hạ áp (chiếm 50,3%), 510 TBA phụ tải (chiếm 12,5%).
Bên cạnh các công trình của ngành điện đầu tư, mỗi một dự án, công trình lưới điện đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và các tổ chức khác đều được PC Quảng Nam tiến hành nghiệm thu đóng điện kịp thời, có phương án tiếp nhận và vận hành hiệu quả các đầu điểm công trình điện.
Tuy nhiên, khi tiếp nhận quản lý lưới điện đã phát sinh thêm không ít khó khăn cho PC Quảng Nam, khó khăn nhất là các công trình điện do một số địa phương tạm bàn giao để vận hành cấp điện, chưa bàn giao vốn, tài sản (đến nay còn 1.108km đường dây, 1.278 TBA chưa bàn giao tài sản). Vì lý do này, Công ty khó có thể lập kế hoạch, dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới tạm nhận. Cùng với đó, nhiều công trình bị sự cố hư hỏng, công ty đã phải ứng chi mua sắm vật tư, thiết bị thay thế và đầu tư công lao động để kịp thời khôi phục cấp điện lại cho người dân nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Trường hợp lưới điện tạm nhận này là các công trình do địa phương làm chủ đầu tư cấp điện các khu dân cư mới.
Đáng chú ý nữa là, một khối lượng lớn lưới điện được bàn giao trước đây không có đền bù đất nên công ty gặp nhiều trở ngại, khó khăn khi triển khai đầu tư nâng cấp, sửa chữa, bảo dưỡng cũng như công tác quản lý, bảo vệ hành lang an toàn tuyến. Đồng thời, việc người dân có đơn thư đề nghị di dời đường dây, TBA khá nhiều khiến cho Công ty tốn nhiều công sức, thời gian để giải quyết nhưng rất khó xử lý dứt điểm; bởi những đường dây, TBA nguyên trạng này được chính người dân đồng ý cho xây dựng trên đất của mình khi các cấp quản lý Nhà nước vận động để xây dựng lưới điện trước đây.
Đối với lưới điện do các HTX khi bàn giao cho ngành Điện hầu hết đã cũ, nát, chắp vá, mất an toàn, chất lượng xuống cấp nghiêm trọng. Dây dẫn có tiết diện nhỏ, nhiều chủng loại, chắp vá và hư hỏng do vận hành đã lâu năm; một số TBA có đường dây bán kính cấp điện lớn. Hệ thống công tơ đo đếm là công tơ cơ khí với hệ thống cáp, thùng xuống cấp, nhiều thùng làm bằng sắt đã hư hỏng; nhiều công tơ đã hư hỏng vỏ và roan chống nước. Dây cáp trước công-tơ tiết diện nhỏ, tróc vỏ, câu móc qua các thùng. Nhiều xà đỡ cáp bị rỉ sét, không đảm bảo vận hành; một số vị trí dây dẫn hạ áp không đảm bảo độ cao tĩnh không; trụ dây néo không có hệ thống tiếp địa. Nhiều chỗ, cây cối va quẹt vào đường dây, đặc biệt khu vực có dây trần, cầu đồng đấu nối dễ dẫn đến rò điện gây tổn thất điện năng và mất an toàn điện trong nhân dân. Một số công trình đã hư hỏng, bị gãy đổ qua các đợt mưa bão.
Lưới điện bàn giao cho PC Quảng Nam tiếp nhận chủ yếu đi qua địa hình rừng núi, ruộng đồng, vùng trũng thấp, có nền đất yếu, dễ sạt lở, nhất là có nhiều cây cối hoặc nơi đông dân cư có nhiều công trình xây dựng ảnh hưởng đến hành lang an toàn lưới điện. Cộng với đó là nhiều loại cáp viễn thông của các nhà mạng treo theo trên cột điện. Một số công trình, cột điện chưa được kiểm tra, thẩm định nghiêm ngặt khi đưa vào xây dựng… Đó là chưa kể các loại công tơ đo đếm đã lạc hậu, nhiều loại thiết bị, vật tư trên lưới điện (như: đường dây, xà, sứ, công tơ, ốc vít…) đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Những yếu tố kể trên khiến cho lưới điện dễ bị hư hại do tác động của thiên tai, nhất là ở địa phương thường xuyên diễn ra bão lũ, giông sét như Quảng Nam.
Chú trọng đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện sau tiếp nhận
Lưới điện đã tiếp nhận được PC Quảng Nam đầu tư nâng cấp, cải tạo hàng năm, nâng cao tính ổn định cung cấp điện, vận hành an toàn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của người dân, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Khánh – Giám đốc PC Quảng Nam cho biết, thời gian qua, Tổng công ty Điện lực miền Trung đã quan tâm phân bổ vốn đáng kể cho việc xây mới, cải tạo, nâng cấp lưới điện trên địa bàn Quảng Nam, trong đó có lưới tiếp nhận từ địa phương, các hợp tác xã. Trong 5 năm (2018 – 2022), Tổng công ty Điện lực miền Trung đã đầu tư 2.520,6 tỷ đồng cho xây dựng mới và cải tạo 7 TBA và 25km đường dây 110kV, 1.522km đường dây trung - hạ áp, 913 TBA phân phối. Đây là số tiền khá lớn trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, song vẫn còn thấp so với nhu cầu, do đó PC Quảng Nam phải phân kỳ đầu tư theo thứ tự ưu tiên các khu vực có tính bức thiết hơn và tập trung đông dân cư hơn. Những năm gần đây, Công ty ưu tiên đầu tư nâng cấp, sửa chữa lưới hạ thế; tập trung vào lưới điện nông thôn, trong đó thay thế những cột điện không đảm bảo chất lượng, gây mất an toàn cho người dân. Quảng Nam là địa phương chịu tác động thường xuyên bởi thiên tai, nên Công ty đặc biệt chú trọng đến chất lượng công trình lưới điện đầu tư xây dựng; trong đó có các loại cột điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn quy định của các Bộ, ngành trung ương”.
Để thực hiện được điều đó, song song với việc đẩy nhanh tiến độ thi công cải tạo, nâng cấp lưới điện, PC Quảng Nam cũng chú trọng quản lý chất lượng các thiết kế, dự toán đúng quy mô công trình được giao và đúng các quy định của nhà nước. Trong công tác đánh giá lựa chọn nhà thầu, Công ty triển khai xây dựng kho dữ liệu nhà thầu từ dữ liệu gốc các hồ sơ dự thầu và từ các thông tin đánh giá nhà thầu của các đơn vị trong ngành. Kho dữ liệu cung cấp đầy đủ, chuẩn xác thông tin nhà thầu, rút ngắn thời gian đánh giá thầu, lựa chọn được nhà thầu đảm bảo đầy đủ năng lực thực hiện gói thầu.
Công ty thực hiện giải pháp cung ứng vật tư trực tiếp trên chương trình do EVN xây dựng, đồng thời thực hiện rà soát toàn bộ quá trình theo dõi quản lý dự án và tư vấn giám sát thi công. Công ty đã ban hành lưu đồ thực hiện, phối hợp giữa các đơn vị trong công tác quản lý dự án, trong đó quy định rõ chức năng chủ trì, phối hợp và thời gian hoàn thành. Song song đó, Công ty ban hành hướng dẫn thực hiện từng công việc cụ thể để nâng cao chất lượng, tiến độ thực hiện công trình; tổ chức giao ban tuần với đơn vị thi công để trực tiếp trao đổi, tìm ra giải pháp xử lý tối ưu nhất áp dụng chung cho các công trình đang triển khai.
Tiếp nhận lưới điện phân phối, đặc biệt là lưới điện nông thôn để quản lý vận hành được PC Quảng Nam chủ động triển khai nhằm thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước đó là giúp người dân có lưới điện an toàn, ổn định, được hưởng giá bán điện theo quy định của Nhà nước và không phải chịu chi phí qua các tầng nấc trung gian.