Phóng sự ảnh

P/S ảnh: Hồ thủy điện cận kề mực nước chết

Thứ hai, 12/6/2023 | 10:55 GMT+7
Ngày 10/6, nhiều hồ thủy điện như Lai Châu, Sơn La, Thác Bà... vẫn đang xấp xỉ mực nước chết, các tổ máy phải dừng hoặc vận hành cầm chừng.

Từ ngày 2/6, thủy điện Lai Châu (tỉnh Lai Châu) ở thượng nguồn sông Đà ngừng hoạt động do hồ xuống dưới mực nước chết - mực nước không đủ để chạy máy phát điện. Đây là lần đầu tiên kể từ khi vận hành năm 2016 nhà máy rơi vào tình trạng này. Nhà máy có công suất 1.200 MW, lớn thứ ba trong hệ thống thủy điện bậc thang trên sông Đà, lần lượt là Lai Châu, Sơn La công suất 2.400 MW và Hòa Bình 1.920 MW.

Từ khi ngừng hoạt động cả ba tổ máy, mỗi ngày thủy điện Lai Châu tích khoảng 0,7-1 m nước. Mực nước lúc 7h ngày 10/6 là 269 m, đã cải thiện so với hôm 2/6 do thượng nguồn mưa, nhưng vẫn dưới mực nước chết gần một mét nên chưa thể vận hành trở lại.

Những ngày này, các kỹ sư ở thủy điện Lai Châu kiểm tra độ xê dịch của thân đập. Ông Lưu Khánh Toàn, Phó giám đốc Thủy điện Sơn La (phụ trách thủy điện Lai Châu), cho biết trước khi dừng hoạt động, các tổ máy chỉ phát được 50-60% công suất. Để vận hành các tổ máy dưới mực nước chết, đơn vị bố trí mỗi ca làm việc phải tăng cường 3-6 người theo dõi, thu thập số liệu toàn bộ hệ thống thiết bị liên tục để đánh giá, phân tích đảm bảo các tổ máy vận hành an toàn.

Sau gần một tuần dừng hoạt động, sáng (10/6), mực nước hồ thủy điện Sơn La (tỉnh Sơn La) lên trên mực nước chết khoảng một mét. Đơn vị quản lý cho biết nhà máy đã có thể phát điện, tuy nhiên hiện sẽ ưu tiên tích nước để sử dụng trong đợt nắng nóng sắp tới khi nhu cầu điện tăng cao.

Cách Sơn La khoảng 250 km là hồ Thác Bà (tỉnh Yên Bái), được mệnh danh là vịnh Hạ Long trên cạn, những ngày qua nước rút làm trơ phần đất màu vàng. Tại đây, hai trên ba tổ máy của thủy điện Thác Bà (công suất 120 MW) phải dừng hoạt động, tổ còn lại vận hành cầm chừng. Theo Cục An toàn môi trường và Kỹ thuật công nghiệp (Bộ Công Thương), đến sáng 10/6, do mưa thượng nguồn, nước các hồ Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Chát, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Thác Mơ đã lên xấp xỉ mực nước chết. Các nhà máy thủy điện vẫn dừng hoạt động, hoặc chỉ vận hành công suất thấp.

Hiện nước hồ Thác Bà là 45,75 m, dưới mực nước chết hơn 4 m. Mực nước này khiến hệ thống đo nước tự động tê liệt. Hàng ngày công nhân nhà máy phải đo thủ công ba lần.

Vận hành một tổ máy trong tình trạng thiếu nước tiềm ẩn nhiều nguy cơ hỏng hóc như nứt cánh quạt, xâm thực. "Chúng tôi phải tăng cường người đi kiểm tra hai tiếng một lần tổ máy hoạt động thay vì chỉ giám sát qua hệ thống camera như trước kia", ông Nguyễn Mạnh Cường- Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thuỷ điện Thác Bà nói.

Tại Quan Hóa, Thanh Hóa, hồ thủy điện Trung Sơn trên thượng nguồn sông Mã đã xuống dưới mực nước chết. Nhà máy có công suất 260 MW, gồm bốn tổ máy. Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 17 nguồn phát điện hoạt động, tổng công suất hơn 2.485 MW. Trong đó, có 11 nhà máy thủy điện, 2 nhà máy nhiệt điện, 3 nhà máy điện sinh kế và một nhà máy điện mặt trời. Do khô hạn kéo dài nên nước đổ về các hồ thủy điện rất thấp, làm sản lượng phát điện của 11 nhà máy chỉ đạt hiệu suất 35-50% so với cùng kỳ.


Tại Nghệ An, do ảnh hưởng của nắng nóng, hạn hán kéo dài, nhiều hồ thủy điện đã gần cạn nước, sản lượng phát điện chỉ đạt 30-50% công suất thiết kế. Bản Vẽ, đóng ở huyện Tương Dương, là nhà máy thủy điện lớn nhất tỉnh Nghệ An với hai tổ máy, công suất 320 MW, dung tích hồ đầy nước là 1,3 tỷ m3. Ngoài tích nước để phát điện lên hệ thống điện lưới quốc gia, hồ còn cung cấp nước tưới tiêu cho vùng hạ du. Ngày 10/6, mực nước hồ ở cao trình 156,46 m, thấp hơn 20 m so với cùng kỳ. Mực này chỉ cao 1,46 m so với mực nước chết, dung tích còn lại chỉ đạt khoảng 40 triệu m3.

Do nước xuống thấp, lòng hồ nhiều chỗ cạn khô nên việc di chuyển bằng đường thủy vào các xã trong lòng hồ Bản Vẽ gặp nhiều khó khăn. Một số điểm thuyền không thể cập bến, người dân phải lội bùn đi bộ lên bờ.


Tại nhà máy thủy điện Bản Vẽ, bộ phận vận hành và sửa chữa phải trực 24/24h để đảm bảo vận hành xả nước chống hạn cho hạ du và phát điện được an toàn trong mùa nắng nóng. Ông Tạ Hữu Hùng, Giám đốc Công ty thủy điện Bản Vẽ, cho biết một số năm trước nước tại hồ chứa cũng tiệm cận mực nước chết, 155 m. Tuy nhiên sự cố đó vào cuối tháng 7, bắt đầu vào mùa mưa lũ, địa bàn sau đó mưa lớn nên hồ được bổ sung nhiều nước. Hiện mới đầu tháng 6, mực nước xuống 157 m là lần đầu tiên xảy ra. Đến giữa tháng 6, nếu không xảy ra mưa lớn thì hồ sẽ về mực nước chết.


Cách thủy điện Bản Vẽ 200 km, lòng hồ thủy điện Hủa Na (xã Đồng Văn, huyện Quế Phong) sáng nay ở cao trình 216 m, cách mực nước chết chỉ còn một mét. Nhà máy có công suất 180 MW, dung tích chứa khoảng 400 triệu m3. Hiện nhà máy hoạt động 2 tổ máy, cung cấp điện cho hệ thống lưới điện quốc gia, lưu lượng xả 200 m3/s, thời lượng 5 tiếng/ngày, phát điện khoảng 0,5 triệu kWh.

Tại phòng điều khiển trung tâm của Nhà máy thủy điện Hủa Na, các cán bộ đang túc trực để đảm bảo quá trình vận hành phát điện và xả nước tưới tiêu cho hạ du. Theo Sở Công Thương Nghệ An, toàn tỉnh có 22 hồ thủy điện, tổng công suất thiết kế 935,9 MW, sản lượng điện phát khoảng 3 tỷ kWh một năm. Trong đó hai hồ lớn nhất là Bản Vẽ và Hủa Na đang ở cận kề mực nước chết, còn lại 20 hồ thấp hơn mực nước tối thiểu của quy trình vận hành liên hồ chứa. 

Link gốc

 

Theo: VnExpress