PS ảnh: Khám phá thủy điện lớn nhất Đông Nam Á

Thứ hai, 21/1/2013 | 14:53 GMT+7
Ở thủy điện Sơn La có những kỹ sư trẻ 28 tuổi nhưng đã có 2 năm ngồi "ghế nóng" ở phòng điều hành, nhận lương 12 triệu đồng/tháng. Đó là kỹ sư Đinh Thanh Hiện (quê Nam Định), người có hơn 2 năm ngồi “ghế nóng” ở phòng điều hành công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á.

“Để ngồi ghế nóng, nhận mức lương 12 triệu đồng/tháng, lại có thể thay mặt giám đốc điều hành toàn bộ hoạt động nhà máy thủy điện trong ca trực, kỹ sư như Hiện phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong nghề”, ông Nguyễn Thanh Sơn, trưởng phòng tổ chức-hành chính Công ty Thủy điện Sơn La, nói.

Theo ông Sơn, thủy điện Sơn La hoàn toàn do kỹ sư và công nhân Việt Nam thiết kế và thi công, chuyên gia nước ngoài chỉ đóng vai trò giám sát. Hiện có 300 cán bộ công nhân viên điều hành hoạt động.

Ngoài việc cung cấp điện năng (tổng công suất 2.400 MW với 6 tổ máy, mỗi ngày phát lên lưới điện quốc gia 60 triệu kWh điện, sản lượng điện 10 tỉ kWh/năm, chiếm khoảng 12% tổng sản lượng điện cả nước), thủy điện Sơn La còn có các mục đích chính: chống lũ về mùa mưa; cung cấp nước về mùa khô cho cả vùng đồng bằng Bắc bộ; góp phần phát triển kinh tế -xã hội vùng Tây Bắc.

Việc xây dựng công trình cũng là cơ hội để bố trí và tổ chức lại dân cư, tạo thế và lực mới cho phát triển sản xuất.



Kỹ sư Đinh Thanh Hiện (quê Nam Định) đã có hơn 2 năm ngồi “ghế nóng” ở phòng điều hành.



Toàn cảnh công trình thủy điện Sơn La có đập bêtông cao 228m với trên 2,7 triệu m3 bêtông


 
 
Sau mỗi ca làm việc, chị Cấn Thị Thuận (cán bộ phòng kỹ thuật-Công ty Thủy điện Sơn La) lại cùng hai con sinh đôi Phạm Hà An và Phạm Hải An chơi đùa trong khuôn viên công ty.
 
 


 Trong các ca trực, nhân viên Nguyễn Thế Văn (bìa phải), Đinh Quốc Toàn (bìa trái) và Nguyễn Ngọc Hữu vẫn thường xuyên xuống các tầng hầm để trực tiếp kiểm tra bằng mắt các chi tiết, thiết bị, mức dầu, nhiệt độ...



Các công nhân ăn bữa sáng tại công ty để chuẩn bị vào ca làm việc mới



Trước giờ nhận ca. Chỉ vài phút nữa, hàng trăm công nhân vào ca mới sẽ vào thân đập cao hơn 200m, làm việc ở nhiều khu vực, nhiều tầng nấc khác nhau trong thân đập.



Đập nước khổng lồ, hiện đại. Trong lòng đập này là nơi làm việc của trên 300 cán bộ, kỹ sư, công nhân.
 
 

 
3 cột điện “xuất tuyến”, những cột điện đầu tiên đón điện từ 6 tổ máy để truyền tải lên hệ thống điện lưới quốc gia
 
 

 
Cột điện xuất tuyến nhìn từ trên đỉnh đập xuống. Bên cạnh 3 cột điện xuất tuyến là 6 trạm biến áp, được sử dụng công nghệ cách điện hiện đại -cách điện bằng khí gas.
 

 
3 cửa xả lũ nhìn từ trên đỉnh đập xuống. Diện tích hồ chứa rộng 224 km2, dung tích hồ chứa 9,26 tỉ m3 nước.

 
Theo: Tuổi trẻ