Truyền tải điện Hà Nội thuộc PTC1 kiểm tra tình trạng vận hành thiết bị tại các trạm biến áp trước bão số 1.
Trước bão số 1, phóng viên (PV) có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phúc An – Giám đốc Công ty.
PV: Thưa ông, bão số 1 năm nay dự báo có khả năng ảnh hưởng đến khu vực lưới điện truyền tải do PTC1 quản lý. Vậy đơn vị đã xây dựng phương án như thế nào để chủ động ứng phó?
Ông Nguyễn Phúc An: Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) Quốc gia, bão số 1 sẽ đi vào đất liền khu vực các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa. Cường độ bão cấp 12 giật cấp 15 khi đi vào đất liền và gây mưa lớn diện rộng khu vực Miền Bắc.
Về phương án ứng phó, ngay từ đầu năm 2023, PTC1 đã thực hiện và chỉ đạo các đơn vị kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN; xây dựng và tổ chức diễn tập phương án PCTT&TKCN; rà soát vật tư thiết bị hiện có phục vụ công tác PCTT, xây dựng phương án đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc; kiểm tra rà soát lưới truyền tải điện cũng như các điểm xung yếu, kiểm tra giải tỏa cây cối trong và ngoài hành lang; lập kế hoạch cắt điện kịp thời xử lý các khiếm khuyết bất thường trên lưới truyền tải điện.
Để chuẩn bị ứng phó bão số 1, PTC1 đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên cập nhật tình trạng di chuyển từ áp thấp nhiệt đới đến khi hình thành bão để chủ động có biện pháp ứng phó trên lưới truyền tải điện. PTC1 đã có công điện chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị công tác ứng phó. Trong đó tập trung kiểm tra hành lang các tuyến đường dây, trạm biến áp. Xử lý triệt để các vị trí có cây cao nguy hiểm, mái tôn, nhà bạt, vật bay gần hành lang, dây bị văng lắc, các vị trí pha-đất thấp, trạm ngập úng…
Đối với các vị trí xung yếu, PTC1 chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện...chủ động lập, duyệt để triển khai phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống sạt lở/sụt lún/nghiêng cột... nghiêm trọng với phương án dự phòng rủi ro cao nhất. Tổ chức thực hiện nạo, vét, khơi thông bổ sung để hướng dòng chảy ra xa khu vực đã bị sạt lở, phủ bạt khu vực sạt lở, sụt lún… Các trạm biến áp 220kV-500kV kiểm tra thiết bị, các tủ điều khiển, bảo vệ ngoài trời, hộp nối không để mưa hắt gây chạm chập... nếu có khiếm khuyết phải có biện pháp gia cố khắc phục ngay. Kiểm tra hệ thống thoát nước, hệ thống bơm chống úng… nhất là các trạm đã bị ngập úng trước đây (TBA 220kV Đồng Hòa, Phố Nối).
Các đơn vị trong PTC1 đang thực hiện công việc thi công sửa chữa cắt điện đường dây, trạm điện yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến bất thường của thời tiết để điều chỉnh công việc, biện pháp thi công đảm bảo tuyệt đối an toàn cho con người và thiết bị trên công trường. Đơn vị nằm trong khu vực bị ảnh hưởng, PTC1 yêu cầu tổ chức ứng trực 24/24, đảm bảo công tác ứng phó 4 tại chỗ, thông tin liên lạc, nắm bắt tình hình nhanh những bất thường trên lưới điện (nếu có) báo cáo về Công ty.
Ông Nguyễn Phúc An – Giám đốc PTC1.
PV: Đối với những vị trí xung yếu ở khu vực đồi núi, có nguy cơ sạt lở cao, hay những khu vực trũng thấp tiềm ẩn nguy cơ ngập úng, đơn vị đã có giải pháp gì để ứng phó thưa ông?
Ông Nguyễn Phúc An: Đối với khu vực xung yếu khu vực đồi núi, PTC1 đã chỉ đạo các đơn vị chủ động kiểm tra, có biện pháp gia cố chằng néo tạm thời; Tổ chức thực hiện nạo, vét, khơi thông bổ sung để hướng dòng chảy ra xa khu vực đã bị sạt lở, phủ bạt khu vực sạt lở, sụt lún.
Đối với trạm biến áp khu vực trũng thấp, ngoài công tác kiểm tra tăng cường ứng trực, các TBA hiện nay đã 100% được nạo vét rãnh thoát nước. Đối với các TBA nằm ở khu vực trũng thấp như các TBA 220kV Phố Nối, Hà Đông, Vật Cách, Đĩnh Vũ, Nam Định… hiện nay đã được thiết kế trang bị hệ thống máy bơm công suất lớn được kiểm tra thường xuyên sẵn sàng phục vụ chống ngập úng. Ngoài ra các đơn vị cũng đã phối hợp với địa phương, cảnh sát PCCC&CNCH sẵn sàng hỗ trợ cũng như chủ động thuê sẵn các máy bơm chuẩn bị và thực hiện theo phương án đề ra.
PV: Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai được PTC1 triển khai như thế nào? Những hiệu quả ứng dụng này mang lại?
Ông Nguyễn Phúc An: Trong những năm qua, PTC1 đã có nhiều ứng dụng trong công tác quản lý vận hành nói chung và phòng chống thiên tai nói riêng. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai đang được PTC1 áp dụng triển khai đồng bộ như: áp dụng flycam kiểm tra khiếm khuyết thiết bị trên đường dây truyền tải để kịp thời phát hiện và xử lý, kiểm tra đánh gía tình hình trước và sau mưa bão; áp dụng hệ thống định vị sự cố, GIS, quan trắc sét để nhanh chóng phát hiện điểm sự cố, cô lập sửa chữa kịp thời không để sự cố kéo dài khi có các tình huống xảy ra trên lưới trong vận hành và khi có thiên tai xảy ra…
Ngoài ra, PTC1 dùng điện thoại vệ tinh liên lạc, ứng dụng tra cứu vật tư dự phòng, ứng dụng phần mềm phòng chống thiên tai..
Những ứng dụng này đã mang lại hiệu quả hết sức thiết thực và đã được chứng minh bằng việc phát hiện xử lý các hiện tượng bất thường, sự cố trên lưới hết sức kịp thời đảm bảo lưới truyền tải điện vận hành an toàn trong thời gian qua.
Các đơn vị thuộc PTC1 chằng néo, gia cố thiết bị tại trạm biến áp để chủ động ứng phó trước bão số 1.
PV: Nếu không may bão gây sự cố trục truyền tải điện 500kV Bắc - Nam tại khu vực do PTC1 quản lý, đơn vị xây dựng phương án khắc phục như thế nào để nhanh chóng khôi phục?
Ông Nguyễn Phúc An: Trước tiên, PTC1 sẽ huy động nhân lực tại chỗ của đơn vị có tình huống sự cố, khẩn trương kiểm tra đánh giá chính xác tình huống, mức độ hư hỏng của các thiết bị. Đồng thời chủ động huy động ngay các phương tiện, thiết bị, vật tư hiện có, lập phương án và bắt tay ngay vào công tác xử lý khắc phục (ví dụ như tình huống đứt chuỗi cách điện hư hỏng dây dẫn, sạt lở chân móng cột, các hư hỏng thiết bị tại TBA.. ), huy động lực lượng, phương tiện nhân lực của các truyền tải điện cũng tham gia.
Ngoài ra, PTC1 chủ động phối hợp với các đơn vị bạn sẵn sàng hỗ trợ PTC1 khắc phục sự cố như Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Truyền tải điện và các Công ty Truyền tải điện. Mặt khác, hệ thống vật tư thiết bị hiện có hiện nay đã được tổng hợp trên phần mềm chung toàn EVNNPT cũng sẽ thuận lợi trong công tác khắc phục thiên tai. Trường hợp tình huống sự cố rất phức tạp, PTC1 sẽ khẩn trương phối hợp với các công ty tư vấn điện có năng lực, khảo sát đánh giá hiện trường đề xuất biện pháp xử lý, ngay sau đó sẽ phối hợp với các công ty xây lắp cùng có mặt tại hiện trường để khắc phục trong thời gian nhanh nhất.
PV: Xin cảm ơn ông!
Công nhân PTC1 gia cố chằng néo tạm thời vị trí móng đường dây 220kV Mạo Khê – Tràng Bạch.
Công ty Truyền tải điện 1 quản lý vận hành:
- Lưới điện truyền tải từ Hà Tĩnh trở ra phía Bắc
- Chiều dài đường dây 500kV: 3.450 km;
- Chiều dài đường dây 220kV: 7.683 km
- Tổng số TBA 500kV: 15, tổng số TBA 220kV: 64
|