Trưởng phòng Kỹ thuật CPMB báo cáo tiến độ thi công dự án được giao với lãnh đạo EVN, EVNNPT.
Hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ
Phòng Kỹ thuật CPMB có nhiệm vụ chính tham mưu công tác quản lý kỹ thuật, chất lượng công trình, tiến độ thi công chi tiết, tư vấn giám sát kỹ thuật; an toàn, phòng chống cháy nổ, thiên tai, cứu nạn cứu hộ; sáng kiến cải tiến kỹ thuật; chủ trì lập và trình duyệt kế hoạch thi công chi tiết các dự án theo hợp đồng đã ký và tổ chức quản lý, điều hành; chủ trì công tác nghiệm thu kỹ thuật, khối lượng, nghiệm thu phục vụ đóng điện đưa vào vận hành các công trình; nghiệm thu thanh quyết toán khối lượng hoàn thành.
Trong 35 năm qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) và Lãnh đạo CPMB, tập thể Phòng Kỹ thuật đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đặc biệt là công tác đóng điện đưa công trình vào vận hành, với tổng cộng gần 200 công trình đường dây và trạm biến áp 220kV, 500kV được đóng điện và vận hành an toàn, đảm bảo chất lượng.
Từ khi thành lập đến 30/06/2008 (trước khi trực thuộc EVNNPT), CPMB đã hoàn thành đóng điện nhiều dự án quan trọng, như: Đường dây 500kV Ialy - Pleiku là dự án cấp điện áp 500kV đầu tiên được giao quản lý để tiếp nhận công suất nhà máy thủy điện IaLy; Đường dây 500kV Pleiku - Phú Lâm, góp phần quan trọng vào việc chuyển tải công suất qua lại giữa ba miền Bắc - Trung - Nam và tạo sự tin cậy, ổn định vận hành hệ thống điện 500kV của Việt Nam; Đường dây 500kV Pleiku - Dốc Sỏi - Đà Nẵng và Đường dây 500kV Đà Nẵng - Hà Tĩnh đóng điện tháng 05-2005, giải quyết kịp thời tình trạng thiếu điện trên diện rộng vào năm 2005 cho Hà Nội và các tỉnh phía Bắc…với tổng số khối lượng đường dây giai đoạn này đã hoàn thành là gần 4.500km; tổng dung lượng máy biến áp đã hoàn thành là hơn 3.600MVA.
Phòng Kỹ thuật CPMB báo cáo tiến độ thi công dự án được giao với lãnh đạo EVN, EVNNPT.
Giai đoạn từ 30/06/2008 đến nay, là giai đoạn CPMB được giao nhiều dự án trải dài khắp cả nước. Trong giai đoạn này, Phòng Kỹ thuật CPMB đã hoàn thành đóng điện 129 dự án (58 dự án đường dây và 71 dự án trạm biến áp) với tổng số khối lượng đường dây hoàn thành là hơn 8.360 km, tổng dung lượng máy biến áp đã hoàn thành là 27.600MVA.
Điển hình là Đường dây 220kV A Vương I – Hòa Khánh và Mở rộng trạm 220kV Hòa Khánh, là công trình đầu tiên của EVNNPT được đóng điện nhằm đấu nối kịp thời để khai thác công suất của nhà máy thủy điện A Vương, là mốc son khởi đầu của CPMB khi trực thuộc EVNNPT. Sau đó, một loạt các đường dây đấu nối các nhà máy thuỷ điện khu vực Tây Nguyên, các đường dây và trạm biến áp 500kV đấu nối Nhà máy Thuỷ điện Sơn La; Trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa và các rẽ nhánh là công trình có quy mô lớn nhất Đông Nam Á được Phòng Kỹ thuật CPMB hoàn thành.
Lãnh đạo EVNNPT, CPMB và Phòng Kỹ thuật CPMB kiểm tra tiến độ thi công Trạm biến áp 500kV Vân Phong.
Sau đó, một loạt công trình cấp điện khẩn cấp cho miền Nam như Đường dây 220kV Đăk Nông – Phước Long – Bình Long, Đường dây 500kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông, cung cấp kịp thời lượng điện năng thiếu hụt cho khu vực Miền Nam và Thành phố Hồ Chí Minh ngay từ những ngày đầu mùa khô năm 2014, tạo tiền đề cho việc nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam và liên kết lưới điện 03 nước Việt Nam – Lào – Campuchia giai đoạn sau 2015. Sau đó, là Đường dây 500kV mạch 3 Vũng Áng – Quảng Trạch – Dốc Sỏi – Pleiku 2 được hoàn thành nhằm tăng cường năng lực truyền tải của lưới điện 500kV liên kết các miền của hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam.
Đặc biệt, trong giai đoạn này, nguồn năng lượng tái tạo phát triển mạnh, Phòng Kỹ thuật CPMB đã hoàn thành rất nhiều dự án điển hình như: Trạm biến áp 220kV Ninh Phước và đấu nối, Trạm biến áp 220kV Lao Bảo và Đường dây 220kV Đông Hà – Lao Bảo, Đường dây 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân…
Chất lượng đi cùng tiến độ
Để có được kết quả trên, trong thời gian qua, Phòng Kỹ thuật CPMB đặc biệt chú trọng công tác quản lý tiến độ vì đây là một trong các công việc quan trọng và khó nhất đối với người quản lý. Để có thể theo dõi tiến độ một cách hiệu quả, thì cần phải có chiến lược và tiến hành theo các bước nhất định. Quản lý tiến độ dự án là quá trình theo dõi dự án nhằm đảm bảo công việc được hoàn thành đúng thời hạn. Quá trình này gồm có các công việc như: Lập kế hoạch tiến độ dự án, theo dõi tiến độ thực hiện, so sánh với tiến độ thực tế, tiến hành điều chỉnh các công việc để đảm bảo hoàn thành dự án đúng theo kế hoạch.
Phòng Kỹ thuật CPMB thường xuyên có mặt tại công trường để đốc thúc tiến độ dự án được giao. Trong ảnh lãnh đạo EVNNPT kiểm tra tiến độ TBA 220kV Tương Dương.
Song song, công tác quản lý chất lượng công trình tiếp tục nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo Phòng, cán bộ phụ trách dự án trong công tác chỉ đạo điều hành tuân thủ chặt chẽ các quy định hiện hành về công tác quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình. Lãnh đạo Phòng chỉ đạo tổ chức chặt chẽ hệ thống quản lý, phê duyệt, giám sát, nghiệm thu và hoàn công trong các bước của quy trình thực hiện đầu tư: thành lập hội đồng nghiệm thu các cấp; tổ chức thẩm tra phê duyệt thiết kế bảo vệ thi công; tổ chức giám sát thi công xây dựng công trình, ghi chép nhật ký thi công, nghiệm thu nội bộ nhà thầu, nghiệm thu vật tư A B cấp, nghiệm thu công việc xây dựng, nghiệm thu bộ phận công trình, nghiệm thu hạng mục công trình/công trình; hoàn thiện các hồ sơ hoàn công, bảo trì công trình và các yêu cầu liên quan để đánh giá chất lượng công trình.
Về công tác kiểm tra công tác nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước: Lãnh đạo Phòng chỉ đạo cán bộ phụ trách dự án tổng hợp tài liệu hồ sơ gửi đến các cơ quan quản lý nhà nước để tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu hạng mục công trình, công trình xây dựng đưa vào sử dụng theo Nghị định của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng và giải trình khi có yêu cầu.
Chính sự sát sao của Phòng Kỹ thuật CPMB đã giúp hoàn thành Dự án đường dây 500kV mạch 3, đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Phòng Kỹ thuật đóng vai trò quan trọng trong phối hợp giữa CPMB và các đơn vị liên quan. Cán bộ kỹ thuật tăng cường rà soát hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công để phát hiện sự không phù hợp của thiết kế theo các quy định hiện hành nhằm điều chỉnh kịp thời đảm bảo chất lượng dự án; tổ chức điều phối kịp thời các đơn vị Tư vấn thiết kế, Nhà thầu thi công…trong quá trình thực hiện trên cơ sở phải đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình; chủ trì giải quyết công việc một cách khách quan, hài hòa giữa các bên trên cơ sở mục tiêu tiến độ, chất lượng của dự án.
Đối với Tư vấn thiết kế, giám sát tác giả thường xuyên có mặt tại công trường để kịp thời xem xét, kiểm tra có ý kiến xử lý khi có yêu cầu của CPMB; đối với Nhà thầu thi công, Phòng Kỹ thuật gửi kế hoạch thi công hàng tuần cho Tư vấn giám sát theo quy định để có kế hoạch bố trí, di chuyển lực lượng Tư vấn giám sát phù hợp; bố trí cán bộ chủ chốt theo đúng thành phần mà CPMB đã thống nhất để quản lý kỹ thuật, điều hành công trường.
Không ngừng đổi mới bắt nhịp xu thế
Trong giai đoạn vừa qua và xu thế trong thời gian tới, việc chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Chuyển đổi số trong đầu tư xây dựng không chỉ là xu hướng chung mà còn là định hướng chiến lược dài hạn đã được EVN/EVNNPT chỉ đạo, hướng dẫn và giao nhiệm vụ cụ thể theo từng thời kỳ. Phòng Kỹ thuật nhận thức tầm quan trọng và đặc biệt quan tâm đến công tác chuyển đổi số trong việc quản lý tiến độ, chất lượng công trình.
Lãnh đạo Phòng Kỹ thuật CPMB họp bàn thống nhất phương án kỹ thuật triển khai các dự án với cán bộ trong phòng.
Nhằm thực hiện chuyển đổi số theo nhiệm vụ được EVN/EVNNPT giao bao gồm thực hiện số hóa thiết kế bản vẽ thi công, nhật ký thi công, hồ sơ nghiệm thu điện tử, áp dụng phần mềm quản lý tiến độ tiên tiến, lắp đặt camera giám sát cho các trạm biến áp, Phòng Kỹ thuật đã tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo CPMB các giải pháp cụ thể. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát trong việc thực hiện nhật ký điện tử, hồ sơ nghiệm thu điện tử trên Phần mềm QLĐTXD 2.0 (IMIS 2.0) trong Hợp đồng, hệ thống quản lý chất lượng của các nhà thầu. Giao nhiệm vụ cho 01 cán bộ Kỹ thuật làm đầu mối, quản lý tổng hợp và cho từng cán bộ Kỹ thuật quản lý các dự án thực hiện số hóa thiết kế bảo vệ thi công, thường xuyên kiểm tra dữ liệu trên IMIS 2.0 để đôn đốc, nhắc nhở các nhà thầu thực hiện nhật ký thi công, hồ sơ nghiệm thu điện tử theo đúng quy định.
Yêu cầu các nhà thầu lắp đặt camera giám sát cho tất cả các kho vật tư thiết bị của công trình, các công trình trạm biến áp (500kV và 220kV) phục vụ công tác giám sát trực tuyến công trường và sẵn sàng để áp dụng công nghệ AI kết hợp vào hệ thống camera. Thực hiện thí điểm phần mềm quản lý tiến độ Gantter, Autodesk built, rút ra các ưu nhược điểm để thực hiện áp dụng cho toàn bộ các công trình sau này, có báo cáo EVN/EVNNPT để có cơ sở thực hiện.
Thực hiện đào tạo, hướng dẫn các Nhà thầu thường xuyên (trực tiếp, trực tuyến) liên quan đến việc triển khai, áp dụng các phần mềm IMIS 2.0, Gantter, Autodest Built. Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số được giao, Phòng Kỹ thuật cũng đã phối hợp với các phòng liên quan, các đơn vị tư vấn để tham mưu, đề xuất Lãnh đạo CPMB đối với việc triển khai, áp dụng mô hình BIM vào công tác đầu tư xây dựng trong thời gian tới.
Định hướng của Phòng Kỹ thuật từ ngày thành lập là xây dựng một tập thể đoàn kết, vững về chuyên môn, ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại với mục tiêu điều hành, tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo CPMB để các dự án thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ. Để phù hợp với tình hình hiện nay, Phòng Kỹ thuật hiện nay vẫn định hướng phát triển trên giá trị truyền thống ban đầu, đồng thời chú trọng hơn đến năng lực từng cán bộ, áp dụng công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Với định hướng như trên, Phòng Kỹ thuật mong muốn các cấp, lãnh đạo CPMB vẫn luôn đồng hành, chỉ đạo, điều hành công trường sâu sát và lắng nghe các ý kiến của tập thể Phòng Kỹ thuật như thời gian vừa qua. Và để đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình, mong muốn các phòng chức năng: Đền bù, Vật tư, Kế hoạch… phối hợp hơn nữa trong công tác điều hành công trường cùng Phòng Kỹ thuật hạn chế tối đa các tồn tại trước khi đóng điện đưa các công trình vào vận hành.