Đây cũng là định hướng đã được đặt ra trong Chiến lược phát triển EVNNPT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040 là đào tạo cán bộ kỹ thuật chuyên sâu, chuyên gia trong các lĩnh vực đáp ứng phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai của EVNNPT.
Hiện trạng và kế hoạch đầu tư TBA
Hệ thống điều khiển tích hợp trạm biến áp (TBA) dựa trên nền tảng giao thức truyền thông IEC 61850 đã được ứng dụng trên hệ thống truyền tải điện hơn 20 năm qua. Đến hết năm 2022, EVNNPT quản lý vận hành 146 TBA 220 kV và 37 TBA 500 kV, trong đó có 157 TBA trang bị hệ thống điều khiển tích hợp toàn phần, 4 TBA trang bị hệ thống điều khiển tích hợp một phần và 22 TBA sử dụng hệ thống điều khiển truyền thống.
Trong số 157 TBA trang bị hệ thống điều khiển tích hợp toàn phần, có 146 TBA sử dụng 01 hệ thống điều khiển tích hợp tuân thủ theo tiêu chuẩn IEC 61850, 05 TBA sử dụng 02 hệ thống điều khiển tích hợp và 6 TBA sử dụng hệ thống điều khiển tích hợp thế hệ cũ. Hệ thống điều khiển TBA trong EVNNPT được cung cấp từ nhiều hãng sản xuất và thống kê được chi tiết trong biểu đồ “Hệ thống điều khiển TBA tuân thủ IEC 61850 trong EVNNPT”.
Tuy nhiên trong nhiều năm, việc cung cấp, lắp đặt, cấu hình hệ thống điều khiển tích hợp TBA đều do các nhà thầu trong và ngoài nước thực hiện, dẫn đến EVNNPT bị động trong quá trình triển khai xây dựng các TBA mới cũng như cải tạo, mở rộng, nâng cấp các TBA hiện hữu, đồng thời làm tăng chi phí đầu tư, giảm cạnh tranh trong đấu thầu do mỗi nhà thầu có lợi thế khi thực hiện các gói thầu cải tạo, mở rộng, nâng cấp hệ thống điều khiển tích hợp do mình cung cấp.
Theo Quy hoạch điện 7 (hiệu chỉnh), tính tới năm 2030, EVNNPT sẽ tiếp nhận thêm 25 TBA 500 kV và 112 TBA 220 kV. Theo Quy hoạch điện 8 mới được phê duyệt, tính tới năm 2030, EVNNPT sẽ tiếp nhận thêm 48 TBA 500 kV và 198 TBA 220 kV (chưa kể các TBA dự phòng). Các TBA xây dựng mới cần tuân thủ quy định hệ thống điều khiển TBA 500kV, 220kV, 110kV trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam ban hành theo Quyết định số 1603/QĐ-EVN ngày 18/11/2021 nên sẽ sử dụng HTĐK tuân thủ tiêu chuẩn IEC 61850.
Trước tình hình đó, EVNNPT đã đặt ra mục tiêu ưu tiên hàng đầu là xây dựng đội ngũ chuyên gia đủ khả năng làm chủ và tự thực hiện được việc xây dựng hệ thống điều khiển tích hợp TBA trên nền tảng giao thức IEC 61850 bằng phần mềm giám sát điều khiển độc lập với nhà sản xuất thiết bị. Đây cũng là định hướng đã được đặt ra trong Chiến lược phát triển EVNNPT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040 là đào tạo cán bộ kỹ thuật chuyên sâu, chuyên gia trong các lĩnh vực đáp ứng phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai của EVNNPT.
Giải pháp đào tạo chuyên gia tự động hóa TBA
EVNNPT đào tạo thực tế cho ứng viên chuyên gia tự động hóa Trạm biến áp, tại TBA kỹ thuật số 220kV Thủy Nguyên.
Hiểu rõ được tầm quan trọng của việc làm chủ công nghệ tự động hóa TBA, EVNNPT đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển đội ngũ chuyên gia về tự động hóa TBA.
Giải pháp về đào tạo chuyển giao công nghệ: Từ năm 2015, EVNNPT đã thực hiện tuyển chọn các kỹ sư để thực hiện chiến lược đào tạo chuyển giao công nghệ về tự động hóa TBA theo các tiêu chí: Có nền tảng kiến thức tốt về lĩnh vực rơ le bảo vệ; Có kiến thức cơ bản về hệ thống điều khiển; Trình độ tiếng Anh tốt; Có đam mê, nhiệt huyết, mong muốn được tìm hiểu và thực hiện các công việc thiết lập, cấu hình hệ thống điều khiển;
Trong các năm từ 2015 đến 2018, EVNNPT đã tổ chức thực hiện 04 khóa đào tạo chuyển giao công nghệ từ các hãng SIEMENS (03 khóa) và ABB (01 khóa) cho các học viên được tuyển chọn theo trình độ từ cơ bản đến nâng cao.
Giải pháp về tự đào tạo: Trên cơ sở các kiến thức nền tảng đã được đào tạo chuyển giao, sau mỗi khóa đào tạo, EVNNPT đã tổ chức các buổi hội thảo để các học viên đào tạo lại cho các kỹ sư khác trong EVNNPT, đồng thời EVNNPT giao tự thực hiện các gói thầu liên quan đến hệ thống điều khiển đã được chuyển giao. Đây là hình thức tự đào tạo giúp cho đội ngũ kỹ sư về tự động hóa TBA của EVNNPT có được kinh nghiệm thực tế, đồng thời nhân rộng thêm nguồn nhân lực thông qua hình thức OJT (On-the-job Training) khi tự thực hiện các gói thầu cấu hình hệ thống điều khiển tích hợp TBA.
Giải pháp củng cố trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu: Năm 2018, EVNNPT đã đầu tư trang bị phòng LAB phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu về hệ thống điều khiển tích hợp TBA. Giai đoạn đầu, phòng LAB được trang bị 01 hệ thống điều khiển hãng Siemens và tủ điều khiển bảo vệ cho 03 ngăn lộ điển hình trong TBA, giai đoạn tiếp theo được trang bị thêm 02 hệ thống điều khiển (hãng Zenon và Survalent), 01 tủ trang bị khối điều khiển ngăn lộ (Bay Unit) của nhiều hãng và 01 tủ có Merging Unit mô phỏng cho ngăn lộ của TBA số. Với các trang thiết bị hiện có tại phòng LAB, đội ngũ kỹ sư của EVNNPT đã có đầy đủ các thiết bị để phục vụ cho các nhu cầu về đào tạo và nghiên cứu về thiết bị điều khiển, bảo vệ của tất cả các hãng sản xuất đang vận hành trên lưới điện truyền tải của EVNNPT.
Giải pháp về tăng cường trao đổi kinh nghiệm với các đối tác: Để cập nhật các xu hướng mới nhất về hệ thống tự động hóa TBA, EVNNPT đã chủ động liên hệ với các chuyên gia, tổ chức đào tạo có uy tín trên thế giới và trong khu vực để thực hiện đào tạo nâng cao kiến thức. Trong năm 2019, EVNNPT đã phối hợp với TNB R&D của Malaysia để thực hiện khóa đào tạo nâng cao về IEC 61850. Khóa học đã mang lại nhiều kiến thức bổ sung và đồng thời cũng tăng cường hợp tác, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa hai bên. Ngoài ra, EVNNPT đã tổ chức các hội thảo với Survalent, NR Electric, Siemens…
Kết quả đạt được
Điều khiển tích hợp tại Trạm 220 kV Tam Kỳ.
Trải qua quá trình thực hiện đào tạo phát triển đội ngũ chuyên gia về tự động hóa TBA, từ 5 nhân lực chủ chốt ban đầu, đến nay, thông qua hình thức tự đào tạo EVNNPT đã nhân rộng đội ngũ chuyên gia lên 13 người có khả năng làm chủ hệ thống điều khiển tích hợp TBA SICAM PAS và LSA của Siemens, MicroSCADA SYS600 của ABB, PACiS của GE (ALSTOM), PCS9700 của NR Electric và các phần mềm giám sát điều khiển Suvalent của SUVALENT, Zenon của COPA DATA. Kể từ năm 2016 đến nay, đội ngũ kỹ sư của EVNNPT đã thực hiện hơn 50 gói thầu tự thực hiện về cấu hình hệ thống điều khiển tích hợp TBA.
Năm 2020, đội ngũ chuyên gia của EVNNPT đã hoàn thành xong đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống điều khiển tích hợp trạm biến áp trên nền tảng giao thức IEC 61850 sử dụng phần mềm giám sát điều khiển độc lập với nhà sản xuất thiết bị”. Quá trình thực hiện đề tài cũng đã giúp cho nhóm nghiên cứu có hiểu biết sâu hơn về tiêu chuẩn IEC 61850 được áp dụng trong TBA và phần mềm điều khiển tích hợp.
Năm 2021, đội ngũ chuyên gia của EVNNPT đã thực hiện cấu hình và đóng điện thành công trạm 220kV Sơn Động, đây là TBA sử dụng phần mềm giám sát điều khiển độc lập với nhà sản xuất thiết bị điều khiển, bảo vệ.
Đặc biệt, năm 2021 EVN đã có quyết định số 1855/QĐ-EVN ngày 30/12/2021 về việc công nhận chức danh chuyên gia cấp EVN trong lĩnh vực Điều khiển và Tự động hóa TBA đối với ông Kiều Văn Minh - Phó Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ và Tự động hóa, Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện (NPTS). Đây là 1 trong 5 chuyên gia được đào tạo ban đầu của EVNNPT và là 1 trong 2 chuyên gia cấp EVN trong lĩnh vực điều khiển và tự động hóa TBA.
Năm 2022, tại Hội nghị Tự động hóa của EVN, EVNNPT trưng bày sản phẩm hệ thống điều khiển có khả năng tích hợp thiết bị điều khiển, bảo vệ từ nhiều hãng sản xuất khác nhau theo IEC 61850.
Năm 2023, EVNNPT đã giao đội ngũ chuyên gia sử dụng phần mềm điều khiển giám sát Survalent để xây dựng Trung tâm giám sát vận hành TBA không người trực tại Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3), từ đó cho phép chuyển các TBA thao tác xa hiện nay thành TBA không người trực, mở ra cơ hội thay đổi về tổ chức sản xuất và tăng năng suất lao động.
Định hướng phát triển
Trong thời gian tới, đội ngũ kỹ sư của EVNNPT sẽ tiếp tục nghiên cứu làm chủ các hệ thống điều khiển còn lại trên lưới điện truyền tải như GSC1000 của TOSHIBA, @STATION hay OneATS của ATS, PACiS Ecosui của Schneider, đồng thời hoàn thiện nghiên cứu tích hợp thiết bị điều khiển, bảo vệ từ nhiều nhà sản xuất khác nhau theo IEC 61850 nhằm nâng cao tính cạnh tranh và linh hoạt trong việc mở rộng, thay thế thiết bị điều khiển tích hợp TBA. Ngoài ra, EVNNPT sẽ nghiên cứu và làm chủ về công nghệ TBA số, nghiên cứu và thực hiện thiết lập về bảo mật cho hệ thống điều khiển tích hợp TBA.
Mục tiêu chiến lược của EVNNPT là đến năm 2025 trở thành một trong các tổ chức truyền tải điện thuộc 10 nước hàng đầu châu Á và đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện. Do đó công tác đào tạo phát triển đội ngũ chuyên gia về máy biến áp, máy cắt, hệ thống điều khiển tích hợp TBA… là rất quan trọng. Kết quả thực tiễn cho thấy đào tạo phát triển đội ngũ chuyên gia về tự động hóa TBA chính là điểm sáng và là bước đột phá quan trọng trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực của EVNNPT. Sự trưởng thành của đội ngũ chuyên gia này giúp EVNNPT chủ động trong quá trình triển khai xây dựng các TBA mới cũng như cải tạo, mở rộng, nâng cấp các TBA hiện hữu đồng thời giảm chi phí đầu tư và đặc biệt, việc tự xây dựng Trung tâm giám sát vận hành TBA không người trực cho phép EVNNPT chuyển các TBA thao tác xa hiện nay thành TBA không người trực, mở ra cơ hội thay đổi về tổ chức sản xuất và tăng năng suất lao động.