Từ ngày 31/10 - 03/11/2023, Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) đã đào tạo, trao đổi kinh nghiệm kỹ năng ứng dụng toàn diện UAV kiểm tra đường dây và lập đường bay UAV tự động kiểm tra trên mô hình 3D cho cán bộ kỹ thuật, công nhân Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4) tại TP Vĩnh Long (TTĐ Miền Tây 2).
Các nhóm thực hành thiết lập sơ đồ 3D.
Tham gia khóa đào tạo lần này có 31 cán bộ kỹ thuật, công nhân quản lý vận hành thiết bị bay UAV của PTC4.
Khóa đào tạo lần này hướng đến mục tiêu nâng cao kỹ năng sử dụng UAV để kiểm tra đường dây truyền tải; sử dụng thiết bị bay kết hợp tín hiệu định vị của hệ thống trạm CORS Quốc gia thực hiện công tác bay quét và dựng mô hình 3D; trên mô hình 3D đã có, xây dựng đường bay tự động để sử dụng cho các thiết bị bay khác có hỗ trợ hệ thống RTK phục vụ công tác kiểm tra định kỳ hằng tháng bằng UAV và nâng cao kỹ năng và giải quyết các vướng mắc trong quá trình vận hành phần mềm quản lý đường dây trong đó ứng dụng trí tuệ nhân tạo – AI cũng như tập trung vào kỹ năng thực hành và xử lý dữ liệu thực tế co các cán bộ và công nhân vận hành thiết bị UAV để đẩy mạnh, đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ này nhanh chóng và rộng rãi trong công tác quản lý vận hành của EVNNPT và các đơn vị.
Trong thời gian 4 ngày, cán bộ kỹ thuật của PTC2 hướng dẫn phần lý thuyết và thực hành với các nội dung như: Sử dụng UAV để kiểm tra đường dây; Hệ thống phần mềm quản lý đường dây và phần mềm trí tuệ nhân tạo AI; Ứng dụng toàn diện UAV vào công tác kiểm tra; Thực hành kết nối UAV với trạm định vị RTK di động và cố định (CORS); Kiểm tra đường dây bằng UAV theo quy trình; Xây dựng đường bay tự động; trên hệ thống phần mềm quản lý đường dây và trên hệ thống phần mềm Ttí tuệ nhân tạo AI.
Hướng dẫn thực hành bay UAV.
Ứng dụng toàn diện UAV kiểm tra đường dây và lập đường bay UAV tự động kiểm tra trên mô hình 3D LiDAR được mô tả khái quát như sau: Sử dụng camera LIDAR được lắp đặt trên thiết bị bay không người lái để thực hiện quét và dựng bản đồ 3D của đường dây ngoài thực địa. Sau đó, tạo đường bay tự động trên bản đồ 3D đã xây dựng và nạp cho các thiết bị bay khác có hỗ trợ công nghệ RTK để bay tự động kiểm tra lưới điện truyền tải với độ chính xác cao.
Ông Nguyễn Văn Vinh – Cán bộ phòng Kỹ thuật PTC2 chia sẻ nội dung tại lớp học.
Giải pháp này mang lại nhiều hiệu quả thực tế: Tiết kiệm được thời gian, nhân công để bay kiểm tra đường dây so với phương pháp chụp thủ công bằng con người; Tự động hóa được quy trình kiểm tra lưới điện truyền tải bằng UAV và dữ liệu đồng nhất giữa các lần bay chụp kiểm tra; Có thể tạo đường bay trên mô hình 3D đã dựng và thay đổi tùy theo nhu cầu thu thập dữ liệu; Xem được góc chụp dự kiến của thiết bị bay, thuận lợi hơn cho việc tạo đường bay; Khung hình chụp mô phỏng trong phần mềm đúng với khung hình khi chụp thực tế. Thiết bị có thể bay chụp với độ chính xác cao (sử dụng tín hiệu trạm CORS); Chỉ cần quét 3D một lần và sử dụng cho các lần sau (quản lý, tạo đường bay tự động,…).
Trong thời gian này các cán bộ, công nhân vận hành UAV của PTC4 đã trao đổi học hỏi thêm những kinh nghiệm trong thực tế của PTC2 trong việc sử dụng việc sử dụng thiết bị bay có trang bị camera Lidar bay quét hiện trường; dựng mô hình 3D của hiện trường; xây dựng đường bay tự động trên mô hình 3D thực hiện các công tác kiểm tra theo yêu cầu; thực hiện bay tự động các thiết bị bay theo đường bay tự động đã được xây dựng. Đặc biệt trao đổi kinh nghiệm khoảng cách điều khiển thiết bị UAV sao cho an toàn trong khi UAV chỉ có thể tiếp cận cách vật thể tối đa ở khoảng cách 2 – 3 m, công tác hoa tiêu vì nếu bay sát đường dây rất dễ có nguy cơ va chạm gây sự cố cũng như hư hỏng thiết bị, kinh nghiệm kiểm tra tại một số vị trí cực kỳ khó khăn do địa hình đồi núi, vực sâu…. Ngoài ra PTC2 đã hỗ trợ tư vấn, giải đáp các vướng mắc khi triển khai bay tự động như tín hiệu RTK tại từng khu vực, địa hình với từng loại thiết bị bay, kinh nghiệm sử dụng thiết bị bay soi phát nhiệt thiết bị…
Quang Thắng