Sự kiện

Phải cung ứng đủ điện trong hai tháng cao điểm mùa khô

Thứ năm, 5/6/2014 | 10:48 GMT+7
Trước tình hình nắng nóng đang diễn ra trên diện rộng và nhiệt độ dự báo sẽ còn tiếp tục tăng cao trong hai tháng cao điểm mùa khô là tháng 6 và 7/2014, Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng phương án điều tiết các hồ thủy điện hợp lý, đồng thời duy trì mực nước các hồ thủy điện không giảm quá thấp để dự phòng phát điện đến cuối mùa khô 2014, đặc biệt là các hồ thủy điện khu vực miền Nam.
 


Các Tổng công ty điện lực, Công ty điện lực được yêu cầu rà soát, thay thế các thiết bị đóng cắt trung thế (cầu dao, áptômát) để chống quá tải cục bộ trong những thời điểm nhu cầu phụ tải tăng đột biến do nắng nóng. Ảnh: Ngọc Hà

 
Bên cạnh đó, EVN xác định thời điểm thích hợp huy động các nhà máy điện chạy dầu FO, DO để có dự phòng cần thiết cho vận hành hệ thống điện quốc gia đến cuối mùa khô. Trên cơ sở đó, EVN phối hợp với các đơn vị phát điện quản lý các nhà máy nhiệt điện dầu FO để đảm bảo khả năng sẵn sàng huy động và thực hiện yêu cầu vận hành; phối hợp với các đơn vị phát điện quản lý các nhà máy điện tua bin khí Phú Mỹ, Bà Rịa, Nhơn Trạch, Cà Mau đảm bảo khả năng sẵn sàng chuyển đổi chạy dầu DO để đáp ứng nhu cầu điện của hệ thống điện quốc gia khi thiếu khí cho phát điện.

Cùng với việc nâng cao công suất khả dụng các nhà máy điện do EVN đầu tư, quản lý vận hành, Bộ Công Thương cũng yêu cầu Tập đoàn này huy động tối đa các nguồn điện, kể cả các nguồn điện chạy dầu, các nguồn điện dự phòng của khách hàng sử dụng điện trong trường hợp cần thiết để đảm bảo cung ứng đủ điện các tháng cao điểm mùa khô năm 2014.

EVN cũng chỉ đạo các đơn vị phát điện phối hợp với các ban, ngành tại địa phương, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) lập kế hoạch và huy động các tổ máy để đáp ứng đủ yêu cầu cấp nước hạ du tại một số địa phương, đặc biệt là yêu cầu cấp nước khu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, khu vực sông Bé, khu vực sông Là Ngà, khu vực sông Cái. Riêng A0 có trách nhiệm phối hợp với các nhà máy nhiệt điện để chuẩn bị các phương án cấp điện tự dùng, khôi phục nhanh các tổ máy phát điện khi xảy ra sự cố lưới điện hoặc sa thải các tổ máy phát điện. Đồng thời phối hợp với Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), các Tổng công ty Điện lực và các Tổng công ty phát điện chuẩn bị các phương án vận hành hệ thống điện nhằm ứng phó với tình trạng quá tải lưới điện; rà soát các hệ thống tự động phòng tránh nguy cơ xảy ra sự cố diện rộng, hệ thống rơle sa thải phụ tải theo tần số thấp (F81), kiểm tra chỉnh định hệ thống rơle tự động sa thải tổ máy phát điện, các hệ thống sa thải đặc biệt trên toàn hệ thống điện.

Đối với EVNNPT và các Tổng công ty Điện lực, có nhiệm vụ tăng cường kiểm tra tất cả các tuyến đường dây, những khu vực hành lang tuyến có nguy cơ cháy cao, lưu ý các khu vực đã xảy ra cháy rừng trước đây, các khu vực có nhiều cây, cỏ khô, thực bì dễ gây cháy rừng, khu vực mà người dân có tập quán đốt nương làm rẫy để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Bộ Công Thương yêu cầu phối hợp với chủ mỏ Talisman và các đơn vị liên quan nhanh chóng khắc phục sự cố giàn khai thác khí xảy ra ngày 17/4  vừa qua, đảm bảo vận hành ổn định, tin cậy hệ thống cung cấp khí Tây Nam Bộ (PM3-CAA) và rút ngắn thời gian ngừng cấp khí PM3 để bảo dưỡng sửa chữa hệ thống cung cấp khí trong tháng 7 tới.  Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng chỉ đạo Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas) đảm bảo duy trì sản lượng khí Nam Côn Sơn, PM3-CAA ở mức cao để cung cấp cho các nhà máy điện tua bin khí vận hành trong 6 này. Mặt khác, PVN còn phối hợp với EVN sẵn sàng chuyển đổi các tổ máy tuabin khí sang chạy dầu trong trường hợp sự cố thiếu khí và trong thời gian ngừng cấp khí để bảo dưỡng hệ thống cung cấp khí trong tháng 7.

Đối với Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), Bộ Công Thương yêu cầu đảm bảo vận hành tin cậy các nhà máy điện do Tập đoàn quản lý để đảm bảo cung ứng điện cho toàn hệ thống. Đồng thời, đảm bảo cung cấp than đầy đủ và liên tục cho các nhà máy nhiệt điện than phát điện trong tháng 6, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện than miền Bắc và các nhà máy mới đưa vào vận hành như Nghi Sơn, Vĩnh Tân 2.

Các Tổng công ty điện lực, Công ty điện lực có trách nhiệm rà soát, thay thế các thiết bị đóng cắt trung thế (cầu dao, áptômát) để chống quá tải cục bộ trong những thời điểm nhu cầu phụ tải tăng đột biến do nắng nóng. Ngoài ra, phối hợp với Sở Công Thương tại địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn công trình lưới điện cao áp; thường xuyên kiểm tra hành lang lưới điện để kịp thời phát hiện nguy cơ sự cố cũng như thực hiện các biện pháp ngăn chặn./.
 
Mai Phương