Xả nước vụ đông xuân 2019- 2020

Đảm bảo đủ nước cho gieo trồng nhưng phải sử dụng nước tiết kiệm

Thứ năm, 16/1/2020 | 14:49 GMT+7
Đó là một trong những yêu cầu của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đối với các địa phương trong công tác đảm bảo cấp nước, cấp điện phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân năm 2019-2020, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.

 
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, vụ Đông Xuân ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ là vụ sản xuất chính, có năng suất, sản lượng cao, có ý nghĩa quan trọng cho việc cung cấp sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt cho tiêu dùng tại chỗ ở khu vực nông thôn và đô thị lân cận. Vụ Đông Xuân 2019-2020, 11 tỉnh, thành phố trong khu vực thực hiện gieo cấy khoảng 528.700 ha lúa; trong đó, có gần 431.000 ha (khoảng 81%) phụ thuộc trực tiếp vào nguồn nước điều tiết từ các hồ chứa thủy điện. 
 
Do ảnh hưởng của lượng mưa thấp trong mùa mưa năm 2019, các hồ chứa thủy điện tham gia điều tiết nước phục vụ sản xuất gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2019-2020 ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ hiện ở mức trữ thấp, chỉ đạt 60% DTTK, tương đương 9,8 tỷ m3 nước, thiếu hụt khoảng 7,0 tỷ m3 so với vụ Đông Xuân 2018-2019 và thiếu hụt từ 15-45% so với trung bình nhiều năm (TBNN); trong đó hồ thủy điện Hòa Bình có lượng trữ thấp nhất trong 30 năm qua kể từ khi đi vào vận hành khai thác.
 
Bên cạnh đó, tình trạng mực nước hệ thống sông Hồng bị hạ thấp đã diễn ra từ một số năm gần đây và hiện tại vẫn đang tiếp diễn với tốc độ rất nhanh, mặc dù các nhà máy thủy điện đã vận hành hết công suất phát điện vẫn không thể dâng mực nước tại Trạm Thủy văn Hà Nội đạt +2,2m như yêu cầu. Thực tế, tổng số giờ mực nước tại Trạm Thủy văn Hà Nội đạt từ 2,2 m trở lên năm 2019 đạt 13,7% (năm 2018 đạt 30%, năm 2017 đạt 67%); dự kiến, năm 2020 mực nước tại Trạm Thủy văn Hà Nội sẽ không dâng đạt 2,2m. 
 
Vì các lý do trên, nguồn nước cung cấp phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2019-2020 và thời gian tới ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Để đảm bảo cấp nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2019-2020 và tiết kiệm nguồn nước xả từ các hồ chứa thủy điện. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Tổng cục Thủy lợi thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, nguồn nước, phối hợp với Cục Trồng trọt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các địa phương tham mưu điều hành chặt chẽ, linh hoạt các đợt lấy nước trên nguyên tắc tiết kiệm nước nhưng phải đảm bảo cấp đủ nước phục vụ gieo cấy.
 
Tham mưu tổ chức các đoàn công tác của Lãnh đạo Bộ và chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các đoàn công tác thường xuyên kiểm tra thực địa để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lấy nước của các địa phương. Chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, tổng hợp nhu cầu đầu tư các công trình thủy lợi lấy nước không phụ thuộc vào nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn trung hạn 2021-2025;
Về lâu dài, chủ trì, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khoa học, đơn vị có liên quan nghiên cứu việc áp dụng công nghệ mới trong việc lấy nước; trong đó, có giải pháp đập ngầm dâng nước nhằm phục hồi lòng sông, nâng cao hiệu quả lấy nước của các công trình thủy lợi;
 
Tăng cường phối hợp với các đơn vị truyền thông, báo chí tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình nguồn nước, lịch lấy nước và hướng dẫn người dân phối hợp với các đơn vị khai thác công trình thủy lợi đẩy nhanh tiến độ lấy nước và sử dụng nguồn nước xả từ các hồ chứa nước thủy điện tiết kiệm, hiệu quả.
Bộ NN&PTNT đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện xả nước gia tăng qua phát điện từ các hồ chứa thủy điện bảo đảm đáp ứng yêu cầu của lịch lấy nước đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo. Trong quá trình thực hiện, phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thủy lợi, các địa phương kịp thời điều chỉnh cho phù hợp yêu cầu thực tế.
 
Phối hợp với Tổng cục Thủy lợi, tổ chức các Đoàn công tác kiểm tra thực địa và rút ra bài học kinh nghiệm sau mỗi đợt xả nước, lưu ý năm 2019-2020 lần đầu thực hiện phương án xả nước có mực nước thấp hơn các năm trước đây nên phải hết sức chú trọng giải quyết những tình huống phát sinh. Bảo đảm cung cấp điện có chất lượng tốt cho các công trình thủy lợi hoạt động ổn định trong toàn bộ thời gian lấy nước phục vụ gieo cấy lúa, bao gồm thời gian các đợt lấy nước và trước, giữa các đợt lấy nước. 
 
Bộ NN&PTNT yêu cầu các cơ quan sự nghiệp khoa học thuộc Bộ tổ chức theo dõi tình hình thời tiết, tổ chức dự báo tình hình nguồn nước và xây dựng kế hoạch sử dụng nước; thực hiện giám sát, dự báo chất lượng nước trong các hệ thống công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh theo nhiệm vụ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân giao. Tổ chức nghiên cứu việc áp dụng công nghệ mới nâng cao hiệu quả lấy nước của các công trình thủy lợi từ hệ thống sông Hồng – Thái Bình và phục hồi lòng dẫn hệ thống sông. Tổ chức nghiên cứu giống lúa ngắn ngày, giống lúa có yêu cầu lượng nước tưới thấp; biên soạn và tổ chức hướng dẫn kỹ thuật canh tác tiết kiệm nước cho các loại cây trồng.
Kim Thái