Điện mặt trời ở đây được phát huy, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu cho các hoạt động sản xuất và đời sống thay vì phải chạy máy phát điện dầu như trước đây.
Mặc dù được trang bị máy phát điện diezel công suất đảm bảo cho các hoạt động sản xuất và đời sống, song gần như toàn bộ nguồn điện mà cán bộ, chiến sĩ trên các đảo chìm như Len Đao và Đá Đông C đang sử dụng là nhờ vào các tấm pin năng lượng mặt trời đặt trên mái nhà và khuôn viên đảo cộng với hệ thống ắc quy, pin lưu trữ. Việc tận dụng nguồn điện gió, điện mặt trời trên các đảo nổi như An Bang, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn cũng khá hiệu quả, cho sản lượng điện từ 50-90% tuỳ theo từng đảo và từng thời điểm.
Thiếu tá Trần Đại Vinh, Phó Bí thư Chi bộ, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Đông báo cáo với Thủ trưởng đoàn Công tác số 13 ra thăm và làm việc tại Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 tháng 5/2023 về thực tế việc đảm bảo điện 24/24 trong đó có việc huy động điện năng lượng tái tạo (NLTT) trên đảo.
"Hiện nay, nếu điều kiện ngoài trời có gió tốt thì điện sẽ sử dụng 24/24, còn nếu không có gió thì khoảng 12h sẽ hết, vì lượng điện từ năng lượng mặt trời do bình tích điện hơi yếu so với những năm trước đây"- Thiếu tá Vinh cho biết.
Để hạn chế phải dùng điện chạy dầu từ máy phát, việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả được quán triệt đến từng bán bộ, chiến sĩ. Thiếu tá Nguyễn Hồng Tiến - CTV Đảo Trường Sa Đông cho biết, để đảm bảo được các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ trên đảo thì cũng phải phân phối, điều tiết.
Trường Sa Lớn có lẽ là đảo tranh thủ được nhiều nhất các nguồn điện năng lượng tái tạo, cả điện gió và điện mặt trời. Chỉ tay về phía những tấm pin mặt trời và hàng trụ điện gió với những cánh quạt đang quay đều trên đảo, ông Phạm Văn Phan - cán bộ phụ trách năng lượng sạch Đảo Trường Sa kể, những khi thời tiết đẹp, đủ nắng, đủ gió như thời điểm này, mùa khô này là nguồn điện NLTT đủ để cung cấp cho toàn bộ công tác bảo vệ, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị cũng như các hoạt động sản xuất, đời sống, sinh hoạt của nhân dân trên đảo.
Để phát triển kinh tế và phát triển nghề cá thì có thể nói trước mắt là sử dụng điện bơm nước phục vụ cho người dân. Thứ hai nữa dùng nguồn điện này để bơm dầu khi tàu cá có nhu cầu. Thứ ba nữa, nguồn điện này cũng đảm bảo cho các trang thiết bị máy móc để hỗ trợ sửa chữa các máy móc, thiết bị khoan cắt hoặc là hàn xì... cho tàu cá cũng như cho người dân; cũng còn một cái nữa là dùng nguồn điện đó để cho bệnh xá cấp cứu và cứu chữa cho người dân.
Cũng theo ông Phạm Văn Phan - cán bộ phụ trách năng lượng sạch Đảo Trường Sa, trước đây, việc bảo dưỡng, sửa chữa các trụ điện gió còn gặp nhiều khó khăn, nhưng kể từ khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp với quân chủng hải quân, giao Công ty Điện lực Ninh Thuận tiếp nhận hệ thống năng lượng sạch trên các đảo (từ tháng 8/2017) đến nay, hệ thống điện sạch nói riêng, hệ thống điện trên đảo nói chung cũng được đảm bảo tốt hơn.
"Hàng năm, Công ty Điện lực Ninh Thuận kiểm tra, rà soát hệ thống lưới điện trên đảo. Trường hợp đột xuất thì Công ty cho nhân viên sửa chữa ngay, mang vật tư trang thiết bị máy móc thay thế kịp thời. Còn trường hợp hỏng hóc nhỏ, hỏng hóc bình thường, Công ty sẽ ra đảo để sửa chữa, thay thế và khắc phục những hỏng hóc đó, đảm bảo lưới điện liên tục".
Theo tính toán, Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời, năng lượng gió, nhất là khu vực miền Trung và biển Việt Nam. Điện là cơ sở hạ tầng thiết yếu cho sản xuất và đời sống cũng như thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển. Do đặc điểm vị trí địa lý cách xa đất liền, việc tận dụng các nguồn điện từ năng lượng gió và mặt trời sẽ giúp chủ động trong cung cấp điện cho các đảo trên quần đảo Trường Sa, giảm tối đa các chi phí trong phát điện từ nguồn chạy dầu có giá thành cao. Cùng với đó, việc hệ thống điện được thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, để đảm bảo cung cấp điện thường xuyên, liên tục, ổn định còn góp phần quan trọng giữ vững an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế biển đảo, nâng cao đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các đảo trên quần đảo Trường Sa.