Sự kiện

Phát triển hạ tầng năng lượng theo Quy hoạch điện VII: Đồng thực hiện nhiều giải pháp

Thứ năm, 28/6/2012 | 09:17 GMT+7
Theo Quy hoạch điện VII (QHĐ VII), từ nay đến năm 2020, cả nước phải xây dựng được 75.000 MW điện (hệ thống điện Việt Nam có khoảng 24.000 MW).

Như vậy, 9 năm nữa chúng ta phải xây dựng 51.000 MW, gấp hơn 3 lần số công suất điện hiện có, trong khi cả 3 trụ cột năng lượng là điện, than, dầu khí đều khó khăn. Đây thực sự là bài toán khó cho ngành năng lượng Việt Nam.

Khó khăn bủa vây

Nan giải nhất là bài toán vốn. Để thực hiện QHĐ VII, EVN được giao triển khai 2 dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (tổng công suất 4.000MW) sẽ vận hành vào năm 2020 - 2021. Ngoài ra, từ nay đến năm 2020, EVN được giao 48 dự án nguồn với tổng công suất 22.748MW, (chiếm 38,3% tổng công suất lắp đặt mới) cùng hệ thống lưới điện đồng bộ. Nguồn vốn EVN phải huy động ước tính 715.000 tỷ đồng. Hiện nay, bức tranh tài chính của EVN đang rất ảm đạm nên việc huy động vốn vô cùng khó khăn.

Với ngành than, QHĐ VII yêu cầu, đến năm 2020, nguồn nhiệt điện than chiếm 46,8% toàn hệ thống với lượng than cần dùng là 67,3 triệu tấn than/năm. Đến năm 2030, nhu cầu than cho điện sẽ lên tới 171 triệu tấn than/năm… Để đảm bảo cung ứng than cho phát triển kinh tế - xã hội, đến năm 2015, ngành than phải đạt sản lượng khai thác 100 triệu tấn và năm 2020 là 150 triệu tấn. Nghĩa là mỗi năm phải đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD để mở thêm 4-5 mỏ mới. Ngoài ra, đầu tư khoảng 10 tỷ USD để hoàn thành 14 dự án điện với tổng công suất 7.092 MW. Đó là, chưa kể phải đầu tư phát triển khai thác bể than đồng bằng sông Hồng. Luật Khoáng sản yêu cầu đơn vị khai thác khoáng sản phải có vốn đối ứng ít nhất bằng 30% tổng vốn đầu tư, trong khi các dự án phát triển mỏ nhóm A, B có tổng mức đầu tư tới hàng nghìn tỷ đồng, nên doanh nghiệp rất khó tìm vốn đối ứng. Nhất là trong điều kiện giá than bán cho điện chỉ đạt 50-60% giá thị trường.

Với ngành dầu khí, yêu cầu sản lượng khai thác giai đoạn 2011- 2015 là 17-21 triệu tấn dầu thô ở cả trong và ngoài nước và 11-15 tỷ m3 khí; giai đoạn 2016 - 2025 là 16,5 -20,5 triệu tấn dầu thô và 15-16 tỷ m3 khí. Ngoài ra còn phải đầu tư 6 nhà máy điện với tổng công suất 7.700MW. Theo đó, giai đoạn 2011 – 2015, PVN cần khoảng 75 tỷ USD. Trong đó, PVN phải tự thu xếp khoảng 20 tỷ USD. Đây là bài toán không dễ tìm lời giải.

Mục tiêu của QHĐ VII là phát triển năng lượng mới và tái tạo đạt 3% (năm 2010), khoảng 5% (năm 2020) và 11% (năm 2050). Tuy nhiên, tiềm năng kỹ thuật của thủy điện ở Việt Nam gần như đã hết. Trong khi chúng ta đang có nhiều lợi thế về năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối). Hiệp hội năng lượng đề nghị QHĐ VII tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 8% vào năm 2020 thay cho 5%, nhằm mở ra triển vọng về nguồn năng lượng sạch và bền vững. Khó là ở chỗ, nguồn vốn đầu tư vào các dự án này là rất lớn. Chỉ riêng suất đầu tư các dự án điện gió lên tới 2.500 - 3.000 USD/kW.
 


Bên cạnh đó là những khó khăn do yếu kém về quản lý, điều hành, năng lực của chủ đầu tư các nhà thầu, đặc biệt là vướng mắc từ cơ chế, chính sách. Hầu hết các doanh nghiệp bị mắc do các khâu thủ tục chuẩn bị đầu tư, đàm phán giá mua, bán điện và điều kiện khởi công dự án khá phức tạp. Quy định chọn tổng thầu EPC còn bất cập. Hiện, Việt Nam chưa ban hành tiêu chuẩn thiết kế các dự án nhà máy nhiệt điện mà phải áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài (chủ yếu là tiêu chuẩn Trung Quốc) nên chủ đầu tư mất nhiều thời gian dịch thuật, thẩm định, trình duyệt. Trong một số trường hợp, các văn bản pháp lý trong đầu tư không đồng bộ, thậm chí trái ngược nhau khiến các chủ đầu tư mất thời gian làm lại thủ tục, hoặc phải chờ hướng dẫn.

Đặc biệt, giá điện hiện nay dù đã điều chỉnh nhưng vẫn chưa thu hút đầu tư. Một số dự án năng lượng yêu cầu công nghệ, kỹ thuật phức tạp vượt quá năng lực thẩm định của ngân hàng. Huy động vốn nước ngoài càng khó bởi vấn đề thủ tục và đàm phán phức tạp. Hình thức vay tín dụng xuất khẩu lại cần sự bảo lãnh của Chính phủ, DN phải giải ngân hết vốn đối ứng trong gói thầu EPC mới được giải ngân vốn vay nước ngoài, gây khó cho DN rất nhiều. Yêu cầu của Chính phủ quy định, các công ty nhà nước chỉ được huy động vốn trong điều kiện nợ chưa vượt quá 3 lần vốn điều lệ đã khiến nhiều đơn vị chịu “bó tay”. Ví dụ, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) có nợ phải trả lên tới 4,3 lần, nên nhiều công trình lưới điện cấp bách đang dở dang vì không tìm được nguồn vay.

Để có hệ thống hạ tầng năng lượng vững mạnh

Theo ông Trần Viết Ngãi- Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, muốn có hạ tầng năng lượng vững mạnh thì phải tạo điều kiện phát triển các ngành điện, than, dầu khí và năng lượng tái tạo. Cụ thể, nhà nước cần xây dựng khung giá năng lượng tái tạo hợp lý, có chính sách hỗ trợ đảm bảo có lợi nhuận cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đồng thời, sớm đưa giá điện theo cơ chế thị trường, điều chỉnh giá khí bán cho điện theo biến động của giá dầu; sớm hoàn thành cơ sở hạ tầng công nghiệp khí và nhập khẩu để bù đắp lượng khí thiếu hụt trong nước, đáp ứng đạt 17-21 tỷ m3 khí vào năm 2015 và 22-29 tỷ m3/năm trong giai đoạn 2016-2020.

Trong điều kiện nguồn than nhập khẩu rất khó khăn, cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu khai thác bể than sông Hồng, đồng thời, điều chỉnh giá than bán cho điện chỉ nên thấp hơn giá xuất khẩu tối đa 10% trong năm 2012.

Các thủ tục đầu tư cần đơn giản hóa, cho phép thực hiện song song nhiều công việc trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư để giảm bớt thời gian chờ đợi giữa các thủ tục. Giao công tác giải phóng mặt bằng cho địa phương.

Xây dựng tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành nhà máy nhiệt điện, nhà máy điện chu trình hỗn hợp, nhà máy điện hạt nhân. Có tiêu chí lựa chọn nhà thầu EPC và yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa về chế tạo thiết bị tại Việt Nam. Thực hiện các dự án điện theo hình thức khác EPC (có thể E, P, C hoặc EP và C), giúp các đơn vị tư vấn của Việt Nam đảm nhiệm toàn bộ khâu thiết kế (E) các công trình công nghiệp nói chung và các nhà máy nhiệt điện nói riêng. Sử dụng nguồn vật tư, thiết bị, lao động trong nước nhằm tăng cường nội địa hóa sản phẩm cơ khí, đưa doanh nghiệp Việt Nam dần làm chủ công nghệ, sản xuất thiết bị cho các nhà máy kỹ thuật cao và giảm nhập siêu trong những năm sắp tới.

Cho phép ngân hàng thương mại cho vay vượt 15% vốn tự có với các doanh nghiệp đầu tư các dự án năng lượng trọng điểm. Có chính sách hỗ trợ các chủ đầu tư được vay vốn ODA, phát hành cổ phiếu, trái phiếu công trình, kêu gọi đầu tư trực tiếp từ các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp khác, đặc biệt là đối với các dự án lớn, cấp bách và có tính chất phức tạp. Tạo điều kiện cho EVN ký kết các khoản vay thương mại, vay ưu đãi để đầu tư các dự án nguồn và lưới điện do EVN làm chủ đầu tư với lãi suất hợp lý, không phải thẩm định và thế chấp. Mở rộng, bổ sung thêm đối tượng áp dụng vay vốn ưu đãi trong nước cho tất cả các dự án điện.

Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi dự án nguồn điện 600 MW, nếu chậm tiến độ 1-2 năm có thể thiệt hại tới 100 - ,150 tỷ đồng, do phải trả thêm lãi vay, trượt giá vật tư, tỷ giá tăng cao, lạm phát… Như vậy, trong những năm qua, Việt Nam đã thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng từ các dự án chậm tiến độ, chưa kể do thiếu nguồn nên nhiều cơ sở sản xuất đình đốn, gián đoạn, gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế.

Hiện nay tiến độ xây dựng 1 nhà máy nhiệt điện mất 7-8 năm. Để đảm bảo hoàn thành Quy hoạch điện VII giai đoạn từ nay đến năm 2020 thì các dự án phải đồng loạt khởi công ngay.

 
THeo: Báo Công Thương Online