Quản lý năng lượng

Phát triển năng lượng: Gắn với bảo vệ môi trường

Thứ tư, 4/12/2013 | 09:34 GMT+7
Ngành năng lượng Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, tập trung vào các lĩnh vực phát triển ngành điện, dầu khí, công nghiệp than- khoáng sản và năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển cũng kéo theo những hệ lụy cho môi trường như phát thải khí CO2, gây hiệu ứng nhà kính…

 Ảnh hưởng tới môi trường

Theo Hiệp hội năng lượng Việt Nam, đến nay ngành điện đã đầu tư hàng trăm dự án nguồn điện, trong đó có thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí và xây dựng đồng bộ hệ thống truyền tải phân phối điện trên khắp cả nước, đảm bảo cung cấp điện đến tận các hộ tiêu dùng. Mặc dù trong việc đầu tư các dự án nhiệt điện, thủy điện đã được các chủ đầu tư đã chú ý sử dụng công nghệ, thiết bị để khử SOx, CO2, NOx … trong đó có lọc bụi tĩnh điện để hạn chế phát thải khí CO2 và các loại khí bụi, nhưng không thể triệt để, vẫn gây ảnh hưởng đến môi trường. Việc xây dựng nhiều nhà máy thủy điện đã lấy đi hàng chục nghìn ha rừng để xây dựng lòng hồ, đập, nhà máy, đường giao thông, các trạm biến áp, đường dây truyền tải… làm ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn tài nguyên rừng.

Đối với ngành than, hàng năm khai thác trên 40 triệu tấn. Trước đây việc khai thác chủ yếu là các mỏ lộ thiên, cùng với các mỏ than hầm lò, nhưng những năm gần đây than lộ thiên đã gần hết, ngành than đã chuyển sang khai thác hầm lò. Mặc dù ngành than đã có rất nhiều giải pháp để hạn chế tai nạn, cũng như xử lý môi trường xấu ở các hầm lò, song hàm lượng cơ giới hóa trong khai thác hầm lò mới đạt 2,8%.

Ngành dầu khí trong nhiều năm qua đã có tốc độ phát triển rất mạnh, từ năm 2006 đến nay, đã khai thác được 111,35 triệu tấn dầu thô trong nước, khai thác ở nước ngoài được trên 2 triệu tấn, khai thác khí đạt được 56,06 tỷ m3. Từ năm 2013 - 2017, ngành dầu khí phải đảm bảo khai thác dầu thô từ 30 - 40 triệu tấn/năm và từ năm 2017 - 2025 khai thác từ 30 - 40 triệu tấn/năm nhằm đảm bảo quy hoạch khí và cung cấp đủ khí cho điện, đạm và các lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, vận chuyển, lọc hóa dầu ngành dầu khí không tránh khỏi việc phát thải khí CO2 ra môi trường.

Theo Hiệp hội năng lượng Việt Nam, trong thời gian tới Chính phủ cần xây dựng quy hoạch tổng thể về chiến lược phát triển ngành năng lượng, trong đó có 3 phân ngành gồm: Than, dầu khí, điện, tạo sự đột phá mới trong quá trình đầu tư xây dựng, quản lý vận hành hệ thống, đảm bảo an ninh năng lượng gắn với việc bảo vệ môi trường bền vững.
Tăng cường quản lý tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường bền vững

Theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình phát triển năng lượng, các ngành cần đầu tư nhiều hơn cho công tác môi trường. Cụ thể: Ngành than phải đầu tư công nghệ mới, nâng hàm lượng cơ khí hóa lên cao và có các thiết bị che chắn, bảo vệ các bụi than và các khí phát thải CO2... thải nước bẩn ra môi trường; ngành dầu khí chú ý đầu tư công nghệ hiện đại, có các biện pháp, thiết bị để hạn chế phát thải khí ra môi trường.

Phát triển năng lượng tái tạo cũng là giải pháp hạn chế ô nhiễm. Ở nước ta có bờ biển dài trên 3.200km, quanh năm đều có gió, đặc biệt là khu vực miền Trung và miền Nam, việc phát triển điện gió sẽ có hiệu quả cao. Một số nhà đầu tư trong nước đã xây dựng thành công các công trình điện gió. Tuy nhiên, nhà nước chưa quan tâm nhiều đến dạng năng lượng này, chủ yếu là do giá điện còn quá thấp, trong khi đó suất đầu tư của điện gió lại cao, nếu giá điện từ 9 cens/kWh trở lên thì tiềm năng phát triển điện gió có thể lên tới hàng nghìn MW.

Ngoài ra, năng lượng mặt trời là một dạng năng lượng tiềm năng có thể khai thác để cung cấp điện cho các nhà hàng, siêu thị, khách sạn, vùng sâu, vùng xa, thị trấn… Đã đến lúc năng lượng hóa thạch cạn dần, do đó cần phải có chiến lược phát triển mạnh các dự án năng lượng tái tạo và năng lượng mới.
 
Theo: Công Thương Online