Sự kiện

Phát triển năng lượng gắn với kinh tế và môi trường bền vững

Thứ năm, 11/5/2017 | 09:10 GMT+7
Điện nói riêng, năng lượng nói chung luôn được ví là “bánh mì” của ngành công nghiệp ở mọi thời đại. 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Trong bối cảnh thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Việt Nam kiên định con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cung - cầu năng lượng cũng có nhiều thay đổi.
 
Những quan điểm cho rằng, Việt Nam đang sử dụng chưa hiệu quả, còn lãng phí các nguồn năng lượng, thay vì tăng cường phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam vẫn đẩy mạnh phát triển nhiệt điện than. Vậy Việt Nam liệu có đi ngược lại với xu hướng phát triển năng lượng của thế giới ? Chúng ta sẽ cùng đi tìm câu trả lời này trong loạt bài 3 kỳ “Phát triển năng lượng quốc gia gắn với phát triển kinh tế và môi trường bền vững” của PV Nguyên Long.
 
Chúng tôi xin được mở đầu kỳ 1 bằng cuộc trao đổi giữa PV với ông Ngô Đông Hải - Phó Trưởng ban Ban kinh tế Trung ương để có cái nhìn bao quát chung về Chiến lược phát triển năng lượng cũng như những khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam thời gian qua. 
 
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam thời gian qua tại các tổng sơ đồ phát triển điện lực quốc gia ?
 
Ông Ngô Đông Hải: Phải nói rằng kể từ khi đổi mới đến nay, chiến lược phát triển an ninh năng lượng của chúng ta về cơ bản đã theo kịp và đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của quốc gia. Trong điều kiện hiện nay, khi chúng ta bước vào thời kỳ đẩy nhanh, đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế, việc phát triển kinh tế xã hội cũng đặt ra rất nhiều yêu cầu mới để phát triển, đáp ứng nhu cầu năng lượng và các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Có thể nói rằng, chúng ta đã có rất nhiều sự đầu tư chiến lược phát triển năng lượng quốc gia để theo kịp với yêu cầu phát triển mới đó.
 
PV: Thưa ông, trong khi một số nước có phần hạn chế phát triển nhiệt điện than và tìm các nguồn năng lượng sạch để thay thế thì Việt Nam vẫn đang coi trọng nhiệt điện than trong chiến lược phát triển. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này ?
 
Ông Ngô Đông Hải: Có thể nói rằng, chiến lược phát triển an ninh năng lượng nói chung, đặc biệt là phát triển nguồn cung điện nói riêng là một bài toán hết sức phức tạp và toàn diện. Chúng ta không thể nhìn một chiều về yêu cầu môi trường, cũng không thể nhìm một chiều chỉ đơn thuần đáp ứng những yêu cầu đơn giản. Việc xây dựng các chiến lược phát triển năng lượng tái tạo kết hợp với việc tiếp tục duy trì và phát triển các nguồn năng lượng cơ bản như nhiệt điện, thủy điện… là bài toán cần có chiến lược rành mạch, đáp ứng nhu cầu cụ thể trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia từng thời kỳ, đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng như xu hướng phát triển của hội nhập quốc tế và các công nghệ mới hiện nay.
 
Có thể nói rằng, để có thể xây dựng được một chiến lược đầy đủ như vậy thì chúng ta phải tiếp cận từ 2 phía. Đó là vừa phát huy tối đa nguồn cung thông qua việc huy động và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chiến lược vừa phải có chiến lược để tác động vào phía cầu, tức là về hành vi và công nghệ trong sử dụng, tiêu thụ điện. Khi đó, chúng ta hoàn toàn có thể thấy rõ là phân định giữa yêu cầu phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) với yêu cầu phát triển năng lượng cơ bản.
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

PV: Thưa ông, cũng có nhiều lo ngại khi chúng ta phát triển quá nhiều nhiệt điện than thì sẽ phụ thuộc vào nhập khẩu nguồn than và sẽ rất rủi ro?
 
Ông Ngô Đông Hải: Mỗi người thì đều có những quan điểm riêng của mình nhìn trên các khía cạnh khác nhau. Chúng ta hãy nhìn trên 1 cái nhìn tổng thể. Tất nhiên, nếu phát triển quá nhiều nhiệt điện than thì chúng ta sẽ phải phụ thuộc vào bài toán nguồn cung nguyên liệu. Nhưng nếu như chúng ta không tính toán một cách cẩn trọng thì an ninh năng lượng cũng chắc chắn là một bài toán hóc búa. Vì thế, việc phát triển nhiệt điện than nhiều hay ít còn tùy thuộc vào chiến lược phát triển quốc gia chúng ta xây dựng. Chúng tôi tin rằng việc tham gia của các nhà khoa học, sự nghiên cứu đầy đủ của các bộ ngành và các phía liên quan thì chiến lược an ninh năng lượng quốc gia trong đó tỷ trọng bao nhiêu % là năng lượng tái tạo, bao nhiêu % là nhiệt điện than sẽ được đưa lên bàn và sẽ cho ra một con số tối ưu. Và khi đó chúng ta sẽ có câu trả lời thỏa đáng.
 
PV: Và những lo ngại về môi trường của nhiệt điện than cũng đang là một thực tế, thưa ông ?
 
Ông Ngô Đông Hải: Bài toán đảm bảo môi trường trong quá trình phát triển các dự án nhiệt điện than cũng là một bài toán nhức nhối, đau đầu với các nhà quản lý. Chúng tôi cho rằng, việc đảm bảo môi trường đối với việc triển khai xây dựng các nhà máy nhiệt điện than trong thời gian tới cũng phải được đặt lên hàng đầu. Kinh nghiệm thế giới cũng cho thấy rằng, nếu chúng ta quan tâm đúng mức đến công nghệ và có chiến lược ngay từ đầu khi xây dựng dự án thì việc đảm bảo môi trường về cơ bản đáp ứng, thỏa mãn được việc thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như đảm bảo môi trường trong phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân.
 
PV: Vậy theo ông, đâu là thách thức lớn nhất trong chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam? Dưới góc độ của Ban kinh tế Trung ương, ông có khuyến nghị như thế nào để phát triển bền vững ngành năng lượng ở Việt Nam ?
 
Ông Ngô Đông Hải: Chắc chắn nền kinh tế của chúng ta sẽ phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. Vì thế, đáp ứng nhu cầu năng lượng trong xu thế phát triển nhanh của nền kinh tế là một thách thức rất lớn, nhất là trong điều kiện chúng ta quyết định dừng không triển khai các nhà máy điện hạt nhân cũng như tiềm năng thủy điện trên đất nước chúng ta đã khai thác về cơ bản hết công suất. Tuy nhiên, chúng ta cũng có rất nhiều cơ hội. Một là, dư địa tiết kiệm trong tiêu dùng và sản xuất điện của ta vẫn còn rất nhiều. Nếu chúng ta có chiến lược và chính sách khuyến khích tiết kiệm thì áp lực đảm bảo an ninh năng lượng sẽ được giảm nhiều. Thứ 2, chúng ta hoàn toàn có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng gió và mặt trời. Hiện nay, Chính phủ cũng đang có những chính sách, chắc chắn tới đây sẽ là một ngành năng lượng thay thế quan trọng.
 
Thứ 3, trong điều kiện xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, chúng ta cũng cần phải tính toán tới việc sử dụng các tiềm năng năng lượng trong khu vực với việc kết nối an ninh năng lượng trong khu vực. Một mặt, chúng ta vừa đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước, mặt khác chúng ta cũng góp phần tạo dựng một thị trường năng lượng một cách bền vững, trong đó chúng ta là một đối tác tham gia để góp phần giảm áp lực về nguồn cung năng lượng trong thời gian tới đây.
 
PV: Với nhu cầu mỗi năm khoảng 7-8 tỷ USD cho phát triển hệ thống nguồn và lưới điện, chắc chắn cũng đang là một thách thức lớn đối với Việt Nam, thưa ông ?
 
Ông Ngô Đông Hải: Bài học kinh nghiệm của tất cả các quốc gia trên thế giới cho thấy rằng việc đầu tư phát triển các nguồn năng lượng không chỉ đến từ một nguồn, đặc biệt, không chỉ đến từ nguồn ngân sách quốc gia. Nếu chúng ta triển khai đầy đủ, đúng đắn các cơ chế, chính sách, có thị trường phát triển năng lượng một cách đồng bộ thì chắc chắn chúng ta sẽ thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư không chỉ trong nước mà cả quốc tế để góp phần cùng chúng ta giải quyết bài toán năng lượng. Vì thế, việc giải quyết nguồn vốn đầu tư trước hết chính là giải quyết cơ chế về phát triển thị trường năng lượng trong thời gian tới đây. Chúng ta phải có một chiến lược phát triển năng lượng rõ ràng, rành mạch và phù hợp làm cơ sở để thu hút đầu tư phát triển.
 
PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông !
 
Theo ông Ngô Đông Hải, trong bối cảnh Việt Nam đã quyết định dừng không triển khai các nhà máy điện hạt nhân và tiềm năng thủy điện về cơ bản đã được khai thác hết công suất, việc đáp ứng nhu cầu năng lượng trong xu thế phát triển nhanh của nền kinh tế là thách thức rất lớn. Việc tính toán, cân đối cơ cấu nguồn cung năng lượng - bao gồm cả việc đầu tư khai thác nhiệt điện than, năng lượng tái tạo như thế nào, tiềm năng tiết kiệm năng lượng ra sao và quan trọng là khả năng kết nối, hợp tác cung - cầu năng lượng với các nước trong khu vực… cũng như nguồn vốn đầu tư cho việc phát huy các tiềm năng và khả năng. Đó là vấn đề đặt ra. 
 
(Còn tiếp)
 
Nguyên Long/Icon.com.vn