Cán bộ BQL Dự án Thủy điện Trung Sơn giới thiệu các mô hình kinh tế gia đình.
Thuận lòng dân
Theo Ban Quản lý Dự án Thủy điện Trung Sơn, để phục vụ việc thi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Trung Sơn, 627 hộ thuộc địa bàn 3 huyện của các tỉnh Thanh Hóa và Sơn La đã phải di dời, nhường đất phục vụ dự án. Trong số này có 528 hộ đồng ý vào 4 khu TĐC tập trung, còn lại 99 hộ bà con tự di dời. Đến thời điểm này, công tác phê duyệt và chi trả bồi thường đất đai, cây cối, hoa màu, nhà cửa cho người dân đã được hoàn thành; 100% số hộ đã có cuộc sống ổn định với nhà cửa và hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, kiên cố tại các khu TĐC giúp người dân hoàn toàn yên tâm tại nơi ở mới.
Ban Quản lý Dự án cho biết, với sự hỗ trợ, tham vấn và kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Thế giới (WB) trong quá trình triển khai thực hiện, các tiêu chí mà WB đặt ra, đặc biệt là chất lượng công trình, bảo vệ môi trường, hỗ trợ sinh kế cho người dân ổn định cuộc sống được thực hiện rất tốt.
Đề cập cụ thể về vấn đề này, ông Hoàng Ngọc Hiển - Phó trưởng ban Quản lý Dự án cho hay: Sở dĩ công tác TĐC ở đây thành công hơn các nơi khác là nhờ vào 3 yếu tố, đó là làm tốt công tác hỏi ý kiến người dân từ khâu khảo sát đến thiết kế, thi công để xây dựng khung chính sách hỗ trợ đền bù TĐC; xây dựng đơn giá bồi thường và thực hiện tốt công tác hậu TĐC thông qua các chương trình sinh kế cộng đồng.
“Không giống như các dự án thủy điện khác, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, TĐC được giao hoàn toàn cho công ty triển khai thực hiện. Cùng với đó, dự án đã phát huy được quyền làm chủ của người dân thông qua quyền lựa chọn vào khu TĐC hay tự di dời. Người dân nhận tiền đền bù theo 3 đợt và được xây dựng nhà ở khu TĐC mới theo ý của mình” - ông Hiển nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hiển, công tác di dân TĐC không đơn thuần là lo cho bà con cái nhà, cấp cho bà con mảnh đất, rồi bồi thường cho bà con ít tiền là xong. Ngay từ khi có đề án, công ty xác định mục tiêu là giúp bà con không chỉ ổn định cuộc sống mà còn phải giúp bà con cách làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Trên cơ sở tham vấn, tập hợp nguyện vọng của người dân TĐC, dự án đã tập trung hỗ trợ cho bà con theo 3 nhóm nghề: Trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ. Nhóm trồng trọt được hỗ trợ về giống vốn, vật tư đầu vào, tập huấn kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh, thu hoạch, bảo quản. Nhóm dịch vụ phi nông nghiệp được hướng dẫn lựa chọn nghề phù hợp, hỗ trợ kinh phí chọn nghề, tìm nghề phù hợp với thực tế địa phương.
Với mục tiêu giúp đồng bào TĐC Dự án Thủy điện Trung Sơn có một cuộc sống ổn định, dài lâu và có điều kiện phát triển sản xuất, ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ở các điểm tái định cư, Dự án Thủy điện Trung Sơn còn đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi như đập dâng, kênh dẫn nước từ các đập dâng về các khu ruộng… phục vụ công tác tưới tiêu trong sản xuất. Chỉ có như thế, cuộc sống của bà con vùng tái định cư mới được cải thiện, phát triển bền vững.
Bản làng khoác áo mới
Có dịp cùng đoàn công tác của WB trong chuyến làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại Thủy điện Trung Sơn, trực tiếp đến thăm bản TĐC Po Búa, xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những thay đổi trong cuộc sống của người dân TĐC nơi đây. Người dân vùng lòng hồ trước đây đã được di dời đến những khu TĐC mới được xây dựng đồng bộ, kiên cố, khang trang, có đầy đủ “điện, đường, trường, trạm”. Từ khi có con đường này, các em nhỏ đến trường thuận tiện hơn. Hoạt động giao thương được đẩy mạnh, giúp thương lái dễ dàng tiếp cận thu mua nông sản, qua đó góp phần nâng cao đời sống cho bà con. Ngoài ra, để tạo điều kiện tốt nhất cho bà con phát triển sản xuất, ổn định kinh tế gia đình, hệ thống lưới điện đã được đầu tư, xây dựng tới từng khu TĐC.
Bên ngôi nhà sàn mới được xây dựng, ông Phạm Ngọc Tiến - Chi hội trưởng Chi hội Cựu Chiến binh bản TĐC Po Búa thông tin: Bản hiện có 33 hộ đều được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà cửa, cơ sở hạ tầng kiên cố, khang trang. So với nơi ở cũ, cuộc sống ở khu TĐC tốt hơn nhiều.
Tại các bản TĐC khác như Co Me, Pom Chốn, những ngôi nhà sàn to đẹp và chắc chắn của đồng bào Thái, Mường được xây dựng dọc theo con đường bê tông rộng rãi. Mỗi bản đều có đầy đủ công trình hạ tầng như điện, nước, trường học, nhà văn hóa... Hầu hết các hộ gia đình đều có các vật dụng thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt như tivi, nồi cơm điện, quạt mát, tủ lạnh, xe máy.
Trước đây, người dân nơi này chủ yếu mưu sinh với nghề đi nương làm rẫy, trồng luồng, khai thác luồng, đóng bè đưa về xuôi để bán. Nhưng nghề đi nương làm rẫy vất vả cơ cực mà chẳng đủ ăn vì đất đai cằn cỗi, năng suất thấp. Trong khi cây luồng phải mất 5-7 năm mới cho thu hoạch, giá lại không ổn định, nên cuộc sống người dân vẫn luẩn quẩn trong vòng đói nghèo. Nay, dự án thủy điện không chỉ hỗ trợ bà con xây dựng nhà cửa, hệ thống hạ tầng để ổn định cuộc sống mà còn trực tiếp hỗ trợ về cây trồng, con giống, tập huấn, tư vấn chuyển giao kỹ thuật để chuyển đổi tập quán canh tác, nuôi trồng sao cho khoa học, hiệu quả.
Với sự hỗ trợ của dự án thủy điện theo phương thức chuyển giao, “cầm tay chỉ việc”, nhiều hộ TĐC đã tận dụng lợi thế tự nhiên thực hiện thành công một số mô hình chăn nuôi gà, dê, bò, đóng bè thả cá, trồng nhãn, bưởi tập trung, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế. Một cuộc sống mới đang từng ngày khởi sắc của người dân TĐC Dự án Thủy điện Trung Sơn nơi thượng nguồn sông Mã.
Trong buổi làm việc với EVN và trực tiếp đến thăm bản TĐC Po Búa của Dự án Thủy điện Trung Sơn, bà Kristalina I Georgieva, Tổng giám đốc điều hành WB đánh giá cao thành công của dự án, đặc biệt là khía cạnh bảo vệ môi trường, hỗ trợ cuộc sống và sinh kế cho người dân nơi TĐC. Đây sẽ là cơ sở để WB tiếp tục xem xét cơ chế cho vay vốn đối với các dự án thuộc lĩnh vực phát triển năng lượng của Việt Nam trong những năm tới.
Nhà máy Thủy điện Trung Sơn là dự án thủy điện quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam được WB tài trợ với tổng mức đầu tư trên 410 triệu USD. Mặc dù mới chỉ có 2/4 tổ máy chính thức phát điện, nhưng theo đánh giá của WB đây là dự án được thực hiện thành công do không chỉ bảo đảm tiến độ, chất lượng mà còn bảo vệ cảnh quan, môi trường, xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, giúp người dân có sinh kế, ổn định cuộc sống tại khu TĐC mới. |