Sự kiện

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm công trường Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình

Thứ hai, 10/4/2017 | 08:47 GMT+7
Chiều ngày 8/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ đã tới thăm công trường Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. 


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho CBCNV trên công trường NMNĐ Thái Bình.
 
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nỗ lực chỉ đạo để đảm bảo các hạng mục của dự án đáp ứng được tiến độ yêu cầu đề ra.
 
“600 MW điện của NMNĐ Thái Bình sẽ có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống điện quốc gia. Vì vậy Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Ban Quản lý Dự án cũng như các nhà thầu cần bám sát tiến độ, chất lượng, an toàn nhằm mục tiêu phát điện tổ máy số 1 vào tháng 5/2017. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng cũng như vận hành Nhà máy sau này phải chú trọng công tác bảo vệ môi trường”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
 
Theo báo cáo của Ban QLDA Nhiệt điện Thái Bình, tính đến nay toàn bộ công trường đã hoàn thành được trên 96% tiến độ gói thầu, trong đó thiết kế đã đạt được 99,87%, chế tạo và mua sắm đạt 99,93%, công tác xây dựng đạt 99,04% và công tác lắp máy đạt trên 76%.
 

 
Tổ máy 1 đã thực hiện đốt lò hơi lần đầu vào 23/3/2017 và hiện đang tiếp tục thực hiện các công việc chạy thử liên quan. Hiện nay nhà thầu EPC đang thực hiện thông thổi đường ống lò hơi, phấn đấu hòa lưới điện tổ máy 1 lần đầu bằng dầu vào lưới điện quốc gia ngày 19/5/2017 và phát điện thương mại vào tháng 10/2017.
 
Trong công tác bảo vệ môi trường, Nhà máy đang thực hiện giám sát môi trường theo quy định và định kỳ. Tần suất quan trắc 1 tháng/1lần đối với môi trường không khí xung quanh, tiếng ồn và độ rung; 3 tháng/1 lần đối với môi trường nước ngầm, nước mặt và môi trường sinh học.
 
Hiện các thiết bị bảo vệ môi trường như: Ống khói, hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống khử lưu huỳnh, hệ thống giám sát khí thải, hệ thống xử lý nước thải đã lắp đặt, thử nghiệm và đang tham gia phục vụ cho công tác chạy thử tổ máy số 1. Nước thải trong quá trình chạy thử sẽ được thu gom và xử lý triệt để.
 

Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành trao số tiền 13 tỷ đồng tài trợ xây dựng 03 trường học tại Thái Bình.
 
Theo tính toán của Ban QLDA khi cả 2 tổ máy đi vào vận hành một năm sẽ tiêu thụ khoảng 1,6 triệu tấn than với lượng tro xỉ thải ra khoảng 570.000 tấn. Diện tích bãi xỉ khoảng 27 ha nằm bên cạnh Nhà máy chính. Để xử lý vấn đề này, tháng 7/2016, Dự án Nhiệt điện Thái Bình đã ký kết thỏa thuận nguyên tắc để bao tiêu toàn bộ tro bay, xỉ đáy lò và thạch cao với Công ty Cổ phần Đầu tư Minh Phong khi Nhà máy đi vào hoạt động.
 
Về công tác phối hợp với chính quyền địa phương giám sát, tuyên truyền về môi trường, Dự án có báo cáo định kỳ hàng tháng, hàng quý về công tác đảm bảo môi trường trong quá trình thi công xây dựng cho các cấp chính quyền địa phương tỉnh Thái Bình, đồng thời ký Quy chế phối hợp giám sát về bảo vệ môi trường của NMNĐ Thái Bình với Sở Công Thương và Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Bình.
 
“Hiện dự án đang triển khai công tác liên quan đến giám sát online các thông số môi trường. Công tác tuyên truyền về môi trường được thực hiện thường xuyên, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương. Đặc biệt, tính đến nay có 10 đoàn công tác của Chính quyền và nhân dân địa phương đã vào tham quan dự án”, đại diện Ban QLDA Nhiệt điện Thái Bình cho biết.
 
Trước đó, vào sáng ngày 8/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình. Tại Hội nghị, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành đã trao số tiền 13 tỷ đồng cho UBND tỉnh Thái Bình để xây dựng 3 trường học trong tỉnh, số tiền trên được trích từ quỹ phúc lợi của EVN.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình được Chính phủ cho phép đầu tư và thực hiện theo Quyết định đầu tư số 5276/QĐ-BCT ngày 29/9/2008 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt DAĐT xây dựng NMNĐ Thái Bình 2x300MW. Dự án có quy mô 600 MW (2x300 MW) với tổng mức đầu tư trên 26.584 tỷ đồng trong đó nguồn vốn vay ODA Nhật Bản (85%) và vốn đối ứng của EVN (15%). Dự kiến nhà máy hoàn thành phát điện thương mại tổ máy số 1 vào quý IV/2017, tổ máy số 2 vào quý II/2018. Khi nhà máy đưa vào vận hành, ước tính doanh thu hàng năm 5.000-6.000 tỷ đồng/năm; đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 600 tỷ đồng/năm.

Xuân Tiến/Icon.com.vn