Học sinh Hà Nội tìm hiểu về năng lượng hạt nhân tại Trung tâm Thông tin năng lượng nguyên tử, bước đi quan trọng nhằm xây dựng lòng tin của công chúng về điện hạt nhân.
3 nhà khoa học Việt Nam cũng vinh dự nhận được phần thưởng cao quý này, trong đó có PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Sau chuyến đi, ông đã có cuộc trao đổi với phóng viên.
- Được trực tiếp tìm hiểu về ngành Công nghiệp hạt nhân (CNHN) Nga, ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về sự phát triển lĩnh vực này của Nga nói riêng và thế giới nói chung, cũng như tiềm năng phát triển điện hạt nhân (ĐHN) tại Việt Nam?
- Nhờ có lịch sử phát triển lâu dài và nền tảng khoa học, công nghệ vững chắc, nền CNHN của Nga sẽ còn tiếp tục phát triển. Điển hình là nước này đã và đang chế tạo một loạt tàu ngầm hạt nhân phá băng qua Bắc Băng Dương, trong đó có 4 tàu chuẩn bị khánh thành. Có thể nói ngành CNHN Nga đang ngày càng đi sâu vào những lĩnh vực quan trọng, mang lại hiệu quả lớn cho kinh tế, an ninh và quốc phòng. Chính vì vậy mà việc hợp tác với Nga để phát triển ngành hạt nhân là hoàn toàn có cơ sở.
Trong suốt chuyến đi, tôi có tiếp xúc với một số đại diện đến từ những quốc gia đã từng hợp tác với Nga trong lĩnh vực này. Một số nước hiện nay đã tạm thời ngưng phát triển năng lượng hạt nhân (NLHN), một số nước vẫn đang tiếp tục phát triển ngành này, nhưng không ai trong số họ phủ nhận lợi ích cũng như khả năng phát triển của NLHN trên thế giới. Họ đều đánh giá cao sự cần thiết trong việc hợp tác với Nga để phát triển CNHN thế giới nói chung và nền hạt nhân mỗi quốc gia nói riêng vì mục đích hòa bình. Việt Nam cũng đang dần tiến tới hoàn thiện các thể chế, chính sách và xây dựng cơ sở hạ tầng hạt nhân để tiến tới xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên. Nga là đơn vị thi công Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và cũng đã hỗ trợ chúng ta rất nhiều trong giai đoạn chuẩn bị. Nga sẽ giúp đỡ chúng ta xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân. Cùng với sự hỗ trợ của Nga và của các nước khác trên thế giới, Việt Nam có cơ hội đón đầu những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực này để xây dựng cơ sở cho ngành hạt nhân nước nhà.
- Chúng ta đang trong quá trình chuẩn bị xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên, trong đó vấn đề an toàn luôn là mối quan tâm hàng đầu và cũng là sự băn khoăn của nhiều người. Theo ông, câu chuyện này có điểm gì đáng lưu ý?
- NLHN là một lĩnh vực khoa học, công nghệ cao và phức tạp, chính vì vậy mà các nhà khoa học, kỹ sư trong ngành luôn đặt an toàn là yếu tố đầu tiên. Trong sự phát triển của NLHN, có nhiều yếu tố khiến người ta lo lắng. Sự lo lắng này là chính đáng nhưng lo lắng thái quá lại bất hợp lý, đặc biệt là do nhiều người không nắm được tiến bộ của khoa học, kỹ thuật. Các nước đã và đang cố gắng tối đa để công nghệ hạt nhân ngày càng an toàn hơn đặc biệt là sau sự cố Fukushima (Nhật Bản - xảy ra tháng 3-2011), tiêu chuẩn an toàn được nâng lên cao hơn nữa, tính đến mọi biến số về thiên nhiên và cả các sự cố như máy bay rơi… Chính vì vậy, xét về mặt kỹ thuật và công nghệ, vấn đề an toàn về cơ bản đã được giải quyết. Xét về yếu tố con người, văn hóa an toàn cần được chú trọng. Phát triển an toàn kỹ thuật phải đi cùng với nâng cao nhận thức con người. Yếu tố con người mang tính quyết định.
Ở Việt Nam, vấn đề này đang nhận được sự quan tâm lớn. Nước ta chưa hoàn thành công nghiệp hóa do đó tư duy và tác phong làm việc của người Việt phần nào còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, văn hóa an toàn đã được chú trọng xây dựng và được cải thiện hơn. Nước ta lui lại thời gian xây dựng nhà máy ĐHN cũng để xây dựng nguồn nhân lực cũng như cơ sở hạ tầng bảo đảm cho phát triển ĐHN an toàn.
- Trong chuyến đi vừa rồi, ông đã gặp gỡ các sinh viên Việt Nam đang theo học tại Đại học Tổng hợp Nghiên cứu hạt nhân quốc gia Nga MEPhI. Ông có nhận xét gì về họ, những chủ nhân tương lai của nhà máy ĐHN đầu tiên của Việt Nam?
- Trong buổi gặp gỡ với sinh viên Việt Nam, đại diện Trường MEPhI đã trình bày về chương trình đào tạo các sinh viên ngành hạt nhân tại đây. Nhờ đó, tôi cảm thấy yên tâm vì sinh viên Việt Nam được đào tạo rất bài bản, có nhiều cơ hội thực hành và tiếp xúc với công nghệ hiện đại từ rất sớm. Các bạn trẻ vô cùng may mắn vì được theo học trường hạt nhân danh tiếng của Nga, bởi trước đây Liên Xô cũ không đào tạo cho người nước ngoài về công nghệ vận hành hay ứng dụng hạt nhân, trong khi đến thời điểm này đã có gần 300 sinh viên Việt Nam theo học các ngành về hạt nhân mà những người đi trước không thể tiếp cận.
Đây là may mắn nhưng đồng thời là gánh nặng bởi lẽ họ sẽ phải gánh trên vai tương lai của nền hạt nhân nước nhà. Họ đều là những người trẻ, nhiệt tình, hăng hái và ham học hỏi. Họ đã chia sẻ với tôi những lo lắng hết sức thiết thực như “sau khi tốt nghiệp mà nước ta vẫn chưa xây dựng xong nhà máy ĐHN thì họ có thất nghiệp không”, hay “làm việc trong ngành hạt nhân có ảnh hưởng tới sức khỏe không”. Bằng kinh nghiệm và vốn hiểu biết của mình, tôi đã chia sẻ để họ có thể vững tin và yên tâm hơn trong quá trình học tập. Qua trao đổi, tôi thấy được một trong những trở ngại mà sinh viên Việt Nam gặp phải hiện nay là rào cản ngôn ngữ. Đây là một trong những yếu tố căn bản đầu tiên để các bạn có thể lĩnh hội kiến thức, nhưng nhiều bạn vẫn còn gặp khó khăn khi sử dụng tiếng Nga.
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Theo: Hà Nội mới