Quản lý năng lượng

Phó Giám đốc BQL Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận: An toàn hạt nhân là ưu tiên số 1

Thứ năm, 31/7/2014 | 15:45 GMT+7
Sau sự cố tại Nhà máy Ðiện hạt nhân Fukushima, nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề an toàn tại các nhà máy điện hạt nhân đã được đặt ra, đặc biệt là ở Việt Nam, khi Dự án Ðiện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 - những dự án điện hạt nhân đầu tiên đang được triển khai. Ðể trả lời câu hỏi này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phan Minh Tuấn - Phó giám đốc BQL Dự án Ðiện hạt nhân Ninh Thuận.
 

Ông Phan Minh Tuấn giới thiệu về Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận
 
PV: Trước hết, xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân?
 
Ông Phan Minh Tuấn: An toàn cho nhà máy điện hạt nhân luôn là ưu tiên số 1 được đặt ra tại tất cả các quốc gia khi triển khai một dự án điện hạt nhân. Ở Việt Nam, vấn đề này càng đặc biệt phải quan tâm bởi chúng ta mới đang triển khai những dự án điện hạt nhân đầu tiên.
 
Ðiện hạt nhân có tính đặc thù riêng rất cao, tuổi thọ kéo dài và nếu đảm bảo được độ an toàn trong suốt quá trình vận hành, đầu tư vào một dự án điện hạt nhân chắc chắn có lãi mà không bao giờ có lỗ. Nhưng nếu chỉ để xảy một sự cố nhỏ thôi, cái giá phải trả sẽ vô cùng đắt. Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ về mặt khoa học, công nghệ, cùng với những yêu cầu hết sức khắt khe về vấn đề môi trường, điều kiện sống… khi triển khai một dự án, rủi ro đối với một nhà máy điện hạt nhân là vô cùng thấp.
 
PV: Chúng ta đã có những chuẩn bị gì để thực hiện mục tiêu an toàn cho Nhà máy Ðiện hạt nhân Ninh Thuận, thưa ông?
 
Ông Phan Minh Tuấn: Như tôi đã đề cập tới ở trên, dự án điện hạt nhân là dự án đặc thù, vì vậy nó đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Chúng ta rất ý thức được điều đó. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án Ðiện hạt nhân Ninh Thuận do Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Phó trưởng ban thường trực, các Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận làm Phó ban. Thứ trưởng các bộ, ngành… là ủy viên. Ðiều này cho thấy, vấn đề an toàn cho Nhà máy Ðiện hạt nhân Ninh Thuận được Ðảng, Chính phủ đặc biệt coi trọng.
 
PV: Vậy quy trình đánh giá độ an toàn tại Dự án Ðiện hạt nhân Ninh Thuận được thực hiện như thế nào?
 
Ông Phan Minh Tuấn: Cũng giống như bất kỳ một dự án điện hạt nhân nào trên thế giới, trước khi được triển khai đều phải thông qua một quá trình thẩm tra, đánh giá độ an toàn hết sức nghiêm ngặt. Dự án Ðiện hạt nhân Ninh Thuận cũng vậy, vấn đề an toàn phải dựa trên báo cáo phân tích độ an toàn của các đơn vị tư vấn. Khi có báo cáo này, chúng tôi sẽ tiến hành thẩm tra, xem xét, sau đó phải mang ra bảo vệ ở Hội đồng Khoa học Nhà nước. Tiếp đó, nếu được thông qua, báo cáo phân tích độ an toàn sẽ được trình Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước. Nếu được chấp thuận thì dự án mới được phê duyệt và triển khai các bước tiếp theo.
 
PV: Việc này đã được thực hiện đến đâu, thưa ông?
 
Ông Phan Minh Tuấn: Hiện nay, hai đơn vị tư vấn là Nga và Nhật Bản đã hoàn thành xong báo cáo phân tích an toàn, EVN đang tiến hành thẩm tra bổ sung, hoàn thiện hồ sơ dự án đầu tư và hồ sơ phê duyệt địa điểm Dự án Nhà máy Ðiện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Các dự án hạ tầng thi công, Trung tâm Quan hệ công chúng, nhà quản lý vận hành đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư. Dự kiến, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ được khởi công vào năm 2018.
 
PV: Xin ông cho biết dư luận người dân Ninh Thuận về 2 Dự án Ðiện hạt nhân Ninh Thuận ra sao?
 
Ông Phan Minh Tuấn: Ngay từ năm 2007, khi mới đang trong quá trình tiếp cận, khảo sát tìm địa điểm đặt dự án, thậm chí từ năm 2003, nhiều cơ quan, ban, ngành đã tiến hành các hoạt động tiếp xúc với chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận. Tức là từ khi tiến hành khảo sát tiền khả thi, chúng tôi đã phải tham khảo ý kiến của người dân và lãnh đạo các cơ quan Ðảng, Mặt trận Tổ quốc, UBND tỉnh Ninh Thuận.
 
Tôi có thể khẳng định rằng, Dự án Ðiện hạt nhân Ninh Thuận đã nhận được sự đồng thuận rất cao của chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận. Ðiều này được thể hiện ở Nghị quyết của HÐND 3 cấp xã, huyện và tỉnh đồng ý với chủ trương triển khai Dự án Ðiện hạt nhân Ninh Thuận. Ðặc biệt, sau sự cố tại Nhà máy Ðiện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản), mặc dù đã nảy sinh nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề phát triển dự án điện hạt nhân nhưng sau khi nghe các báo cáo, giải trình, Quốc hội cũng đã có nghị quyết đồng ý với chủ trương nghiên cứu, đầu tư Dự án Ðiện hạt nhân Ninh Thuận.
 
PV: Nhưng hẳn vẫn có những ý kiến phản đối việc triển khai dự án?
 
Ông Phan Minh Tuấn: Ðúng là như vậy nhưng chủ yếu là do họ chưa hiểu, chưa nhận thức đúng về điện hạt nhân. Chính vì vậy, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chức năng để phân tích, giải thích cho người dân hiểu. Và gần đây, chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều cuộc tham vấn cộng đồng để giải đáp các thắc mắc của người dân về điện hạt nhân nói chung và Dự án Ðiện hạt nhân Ninh Thuận nói riêng.
 
Và sau khi được giải thích như vậy, đặc biệt lại được chủ đầu tư (Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam) đưa ra những cam kết hết sức cụ thể, họ rất yên tâm. Tôi xin khẳng định lại rằng, Dự án Ðiện hạt nhân Ninh Thuận đã nhận được sự đồng thuận rất cao từ phía người dân. Vấn đề mà họ quan tâm bây giờ là tiến độ, mức đền bù… cụ thể ra sao mà thôi và vấn đề này thì do UBND tỉnh Ninh Thuận thực hiện.
 
PV: Từ nhiều năm nay, một trong những khó khăn mà ngành điện phải đối diện là vấn đề thu xếp vốn cho các dự án phát triển hệ thống điện. Ngành điện sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào tại Dự án Ðiện hạt nhân Ninh Thuận, đặc biệt khi tổng vốn đầu tư theo dự kiến lên tới hơn 200.000 tỉ đồng?
 
Ông Phan Minh Tuấn: Trước tiên phải khẳng định rằng, hiện chưa có con số cụ thể về tổng mức đầu tư của 2 Nhà máy Ðiện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 bởi chúng ta mới đang trong quá trình nghiên cứu, khảo sát. Chỉ khi nào dự án được phê duyệt thì mới xác định được.
 
Còn khó khăn hay không về nguồn vốn thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Rất ít tổ chức tài trợ cho nhà máy điện hạt nhân mà thường là chủ đầu tư phải lo phần vốn khoảng 25%. Với tình hình của Việt Nam, cần phải tự lo khoảng 15%; phần còn lại phải đi vay. Theo đánh giá của tôi, vì không phải có nhiều nước cung cấp công nghệ hạt nhân và thường những nước này đều là những nước có tiềm lực tài chính mạnh. Một trong những điều kiện tiên quyết chọn đối tác là họ phải giúp lo vốn cho ta. Chúng tôi đã nhận được những tín hiệu khả quan từ các đối tác này.
 
Về phía chủ đầu tư, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam đã có phương án tài chính, trong đó có phương án huy động trái phiếu. Bộ Công Thương, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng thấy phương án như thế là chấp nhận được về mặt nguyên lý và phương án thu xếp vốn sẽ được cụ thể hơn trong giai đoạn triển khai dự án.
 
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, tổng mức đầu tư 2 dự án này sẽ vượt xa con số 200.000 tỉ, đặc biệt là sau sự cố Fukushima, rất nhiều công nghệ đã phải thay đổi để khắc chế lại những sự cố tương tự.
 
PV: Xin cảm ơn ông!

Dự án Ðiện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy với tổng công suất 4.000MW; Sử dụng công nghệ lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò hiện đại nhất, đã được kiểm chứng, bảo đảm tuyệt đối an toàn và hiệu quả kinh tế…
 
Ðịa điểm xây dựng: Nhà máy Ðiện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận; Nhà máy Ðiện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.
 
Theo: Petrotimes