Phát biểu tại lễ ra mắt hai TCT, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: Chúng ta phải chờ đợi nhiều năm để phát triển một mô hình chuẩn này. Mô hình TCT phân phối điện là tạo điều kiện cho ngành điện Việt Nam phát triển sang một thời kỳ mới với chất lượng dịch vụ hoàn hảo hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng điện cho xã hội. Đây chính là bước để phát triển thị trường điện lực Việt Nam. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, đóng góp vào 22% GDP cả nước. Với mục tiêu để thành phố tiếp tục là đầu tàu của nền kinh tế, thì trách nhiệm của ngành điện thành phố ngày càng lớn hơn.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý hai TCT cần sớm ổn định mô hình tổ chức, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, phân cấp và xây dựng các quy chế quản lý tối ưu phục vụ cho việc hoạt động, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm. “Khi phân cấp mạnh sẽ phát huy được năng lực của từng cá nhân trong toàn hệ thống”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói. Bên cạnh đó, các TCT phải tiếp tục bảo đảm nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng. Đây là bước tạo ra động lực và khí thế mới khi chuyển đổi mô hình tổ chức.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Nếu tăng trưởng quản lý không kịp với quy mô thì chúng ta sẽ bị tụt hậu. Công tác đào tạo cán bộ cũng cần phải được quan tâm đi kèm với xây dựng nếp văn hoá doanh nghiệp, đổi mới công nghệ; yếu ở khâu nào, đào tạo ở khâu đó để nâng cao hiệu quả sử dụng điện và tiết kiệm điện.
Phó Thủ tướng cho rằng: Hiện nay, tình hình thời tiết khắc nghiệt, cả nước đang thiếu điện, ngành điện đã thực hiện nhiều giải pháp khắc phục nhưng vẫn đồng thời phải đảm bảo ổn định điện để phát triển kinh tế, phòng chống lạm phát, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, vì vậy các TCT phải phối hợp với các địa phương cấp điện tối ưu cho sản xuất, xuất khẩu, các khu vực trọng yếu. Từng địa phương, từng công ty điện lực phải tăng cường công tác giáo dục cho CBCNV trong công tác phục vụ khách hàng, giải thích, tuyên truyền, hướng dẫn để nhân dân thông cảm và chung tay cùng cả nước thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện.
Lễ ra mắt Tổng Công ty Điện lực TP.HCM. Ảnh: Ngọc Hà
TCT Điện lực thành phố Hồ Chí Minh-EVN HCMC và TCT Điện lực miền Nam-EVN SPC là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được thành lập theo Văn bản số 60/TTg-ĐMDN ngày 12/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ và các Quyết định số 768/QĐ-BCT, 799/QĐ-BCT ngày 5/2/2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
EVN HCMC có chức năng quản lý và phân phối lưới điện trên địa bàn 24 quận, huyện của thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, EVN HCMC có hơn 1,67 triệu khách hàng, trung bình mỗi năm tăng trung bình 80.000 khách hàng, tương ứng với mức tăng trưởng bình quân 10%. Sản lượng điện thương phẩm trung bình cũng tăng gần 10%/năm, chiếm 18% sản lượng điện cả nước với doanh thu bán điện không ngừng gia tăng, năm sau so với năm trước tăng 14,9%. Hiện nay, điện bình quân đầu người/năm trên địa bàn thành phố đã đạt mức gần 2.000kWh, cao hơn gấp đôi so với mức bình quân cả nước. Công suất cực đại tăng gấp 3,7 lần (2.245MW) và tỷ lệ tổn thất hiện nay chỉ còn xấp xỉ 6%. Đặc biệt, tốc độ tăng giá bán bình quân của TCT tăng nhanh so với mức tăng giá điện do xu hướng dịch chuyển cơ cấu kinh tế và sự tăng trưởng nhanh các thành phần phụ tải như kinh doanh dịch vụ, du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh so với các thành phần kinh tế khác. Theo ông Lê Văn Phước, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc TCT, yếu tố quan trọng làm nâng cao giá bán điện bình quân chính là việc TCT quan tâm thực hiện đúng các mức giá điện do nhà nước quy định cho từng đối tượng khách hàng sử dụng điện dẫn đến giá bán bình quân của EVN HCMC luôn đạt ở mức cao nhất trong EVN.
EVN SPC quản lý lưới điện phân phối từ 110kV trở xuống và kinh doanh bán điện trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố phía Nam. Ông Nguyễn Thành Duy, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc EVN SPC cho biết, nhiệm vụ của EVN SPC trong năm 2010 là phân phối điện cho 5 triệu khách hàng với sản lượng điện thương phẩm 28,6 tỷ kWh, doanh thu đạt 27.000 tỷ đồng, năng suất lao động tăng từ 7-12% so với năm 2009. Cùng với việc bảo đảm cấp điện cho các tỉnh thuộc vùng tế trọng điểm phía Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, EVN SPC còn triển khai dự án cáp ngầm xuyên biển Hà Tiên-Phú Quốc và các công trình cấp điện cho huyện đảo Phú Quốc, dự kiến hoàn thành năm 2012; các dự án cấp điện cho 45.000 hộ dân tộc người Khmer tại Sóc Trăng, Trà Vinh và Bạc Liêu./.