Hướng tới ĐH thi đua yêu nước EVN lần thứ III

Phong trào thi đua yêu nước của ngành điện: Nhiều sáng tạo có giá trị

Thứ năm, 20/8/2015 | 13:59 GMT+7
Trong những năm qua, phong trào thi đua yêu nước của ngành điện đã có nhiều hiệu quả tích cực, với nhiều sáng kiến, đề tài, dự án có giá trị, góp phần vào thành tích chung của ngành trong việc nâng cao năng suất lao động, chất lượng dịch vụ, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển KT - XH của đất nước…
 
 


Ảnh minh họa.
Khi người công nhân ngành điện sáng tạo
 
Công nhân viên ngành điện TP Hồ Chí Minh không ai không biết đến “vua sáng kiến” Trương Thái Sơn, Tổ phó Tổ Quản lý lưới điện 1, Đội quản lý lưới điện, Công ty Điện lực Chợ Lớn. Gần chục năm qua, người thợ điện này đã có 18 sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế cho đơn vị hàng tỷ đồng. Sáng tạo đầu tiên của anh được thực hiện vào năm 2006 khi anh nghiên cứu và thay thế thành công pin bằng Accu khô cho máy ép thủy lực. Giải pháp này đã làm “sống” lại và kéo dài tuổi thọ thiết bị cũ, hỏng, đồng thời giúp cải thiện năng suất lao động. Từ đó cho đến nay, mỗi năm anh cho ra đời vài sáng kiến như: Xử lý tay thao tác giá đỡ chì ống RMU hiệu Siemens kiểu 8 DJ 10.16; cải tiến thay thế các chốt chặn các chân đế CB tép trong hộp phân phối Domino, để ngăn ngừa sự cố; sáng kiến thiết kế mái che ngăn ngừa sự cố cho thiết bị đóng cắt DS sử dụng ngoài trời…
 
Trong phong trào thi đua yêu nước, nếu như điện lực TP Hồ Chí Minh có vua sáng kiến thì điện lực Thủ đô Hà Nội cũng không thiếu những tài năng sáng tạo. Một trong những tấm gương sáng tạo điển hình là Phó trưởng phòng Điều độ vận hành Công ty Điện lực Ba Đình với 8 sáng kiến trong giai đoạn (2011 - 2014). Trong đó, có các sáng kiến điển hình như Tận dụng tủ RMU cũ bị sự cố Trạm biến áp ĐSQ Iran; Đưa thêm máy biến áp và các thiết bị chống quá tải cho trạm biến áp Đại Yên 1 và Cống Vị 1 và năm 2014 anh có sáng kiến xây dựng tuyến ống nhựa dự phòng bảo vệ tuyến cáp ngầm 22 KV khu vực Nhà Quốc hội. Anh chia sẻ, với cương vị là người thợ quản lý vận hành lưới điện, anh không ngừng phát huy tinh thần sáng tạo, vận dụng kinh nghiệm vào sản xuất kinh doanh, tập trung vào cải tiến sáng kiến kỹ thuật nhằm giúp tiết kiệm nhiều chi phí, hợp lý hóa sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc cho anh em công nhân.
 
Một trong những sáng kiến điển hình ra đời từ phong trào thi đua yêu nước của ngành điện chính là việc nghiên cứu và triển khai áp dụng thành công quy trình, công nghệ bảo dưỡng, sửa chữa MBA 500kV tại hiện trường của Công ty Truyền tải điện 2. Trước đó, việc sửa chữa các máy biến áp 500kV hư hỏng đều phải chuyển về các hãng sản xuất để sữa chữa, gây tốn kém tiền bạc, mất nhiều thời gian, có khi đến hàng năm trời và đặc biệt là tiềm ẩn nguy cơ hư hỏng lại do quá trình vận chuyển, tháo lắp. Sáng kiến này đã rút ngắn thời gian bảo dưỡng, sửa chữa máy biến áp từ nhiều tháng xuống còn 10 ngày, tiết kiệm được nguồn kinh phí rất lớn, đồng thời, chủ động hoàn toàn trong công tác quản lý vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng các máy biến áp, góp phần bảo đảm an toàn vận hành và cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng. Không chỉ áp dụng cho riêng máy biến áp 500kV, sáng kiến này còn có thể áp dụng để bảo dưỡng các máy biến áp 110, 220kV và Kháng điện 500kV.
 
Đó là 3 trong số nhiều điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của ngành điện. Thực hiện lời dạy của Bác và thấm nhuần sâu sắc tư tưởng thi đua yêu nước của Người “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua”, trong 5 năm qua, ngành điện đã tổ chức phát động và duy trì nhiều phong trào thi đua yêu nước theo các khối trong toàn ngành như: Nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, Phòng giao dịch khách hàng kiểu mẫu, Phong trào thi đua liên kết trên Công trình thủy điện Sơn La, Chương trình tiết kiệm điện, Trạm biến áp kiểu mẫu, Vận hành an toàn sản xuất điện các nhà máy… Qua các phong trào thi đua yêu nước trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện, đưa điện về nông thôn xóa đói, giảm nghèo… đã có nhiều sáng kiến, đề tài, dự án được triển khai và ứng dụng vào hoạt động của ngành, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất và chất lượng của các dịch vụ của ngành điện, qua đó góp phần hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm cung ứng đủ điện và cung ứng điện an toàn cho đất nước.
 
Ngày nào vẫn còn phản ánh của khách hàng về mất điện do sự cố chủ quan của ngành điện thì trong Tôi vẫn còn đó sự day dứt và đó là động lực cho tôi hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao. Niềm vui của khách hàng mỗi khi có điện trở lại cũng chính là niềm vui của tôi và đồng nghiệp - ông Trương Thái Sơn, Tổ phó Tổ Quản lý lưới điện 1, Đội quản lý lưới điện, Công ty điện lực Chợ Lớn chia sẻ.
 
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước
 
Công bằng nhìn nhận, bên cạnh những thành tích tích cực, đôi khi phong trào thi đua yêu nước của ngành điện vẫn mang nặng tính hô hào là chính, chưa khuyến khích, cuốn hút được nhiều người lao động cùng tham gia. Các phong trào có tính thiết thực như phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đề cao sáng tạo của cá nhân trong lao động, sản xuất có đơn vị vẫn chưa quan tâm đúng mức. Bởi vậy, có nhiều đơn vị có nhiều sáng kiến, đề tài dự án được ứng dụng, song có nhiều đơn vị phong trào yêu nước còn tập trung vào các hoạt động bề nổi. Mặt khác, mỗi năm, ngành điện có hàng trăm, hàng nghìn sáng kiến được áp dụng trong thực tiễn, mang lại hiệu quả rõ rệt nhưng số sáng kiến được công nhận ít vì sự rườm rà của thủ tục hành chính, cách thức viết và trình bày đề tài. Chưa kể, việc đánh giá thi đua, khen thưởng còn tập trung vào cán bộ lãnh đạo, quản lý, chưa thật sự quan tâm đến người lao động trực tiếp, sản xuất.
 
Giai đoạn 2006 - 2020, EVN đặt mục tiêu bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân với chất lượng ngày càng cao; đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trên toàn quốc với mức tăng trưởng bình quân 10,5% - 11%/năm.  Để góp phần đạt được mục tiêu này, EVN sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong toàn tập đoàn nhằm xây dựng EVN trở thành doanh nghiệp có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao, hoạt động hiệu quả, bền vững, giữ vai trò chính bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển KT - XH và bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước. Đồng thời, làm nòng cốt để ngành công nghiệp điện lực Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả. Từng bước tham gia hoàn thiện và phát triển thị trường điện theo lộ trình Chính phủ quy định. Xây dựng thành công hình ảnh một doanh nghiệp tận tâm, thân thiện có tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng phục vụ khách hàng với chất lượng dịch vụ ngày một tốt hơn.
 
Kế thừa sự thành công của các phong trào thi đua nước rút, phong trào thi đua liên kết trên các công trình trọng điểm nhằm đẩy nhanh tiến độ được phát triển rộng khắp ở nhiều công trình trọng điểm như công trình thủy điện Sơn La, đường dây 500kv Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, lực lượng lao động trên công trường thủy điện Lai Châu đã và đang đẩy mạnh thi đua liên kết xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu với với mục tiêu xây dựng nhà máy bảo đảm chất lượng, an toàn, tiết kiệm và vượt tiến độ. Hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường xây dựng nhà máy không quản ngại thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng cao độ, mưa gió thất thường, miệt mài hăng say thi đua lao động, sản xuất, bám máy, bám công trường. Đây cũng sẽ là một trong những trọng tâm triển khai phong trào yêu nước của ngành điện trong thời gian tới, gắn liền với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Theo: Người ĐB Nhân dân