Giải pháp phòng tránh duy nhất ở các Công ty Truyền tải hiện nay là: Xác lập bản đồ điện trường trong các TBA, qui định giờ làm việc cụ thể trong từng vùng; Làm rào chắn bằng kim loại có nối đất cách ly vùng có điện trường cao (như bên dưới sàn tụ bù dọc 500kV); Làm khung lưới chắn bằng kim loại có nối đất phía trên những điểm có tủ bảng mà người công nhân phải tiếp cận trong thời gian dài.
Tuy nhiên, cả 3 biện pháp trên đều là cách phòng chống thụ động, hạn chế thời gian làm việc. Hiện nay, các nước tiên tiến thường trang bị một số bộ quần áo cản điện trường nhưng loại này có giá thành rất cao. Hơn nữa, sản phẩm nhập ngoại thường không phù hợp với đặc thù thời tiết, khí hậu, kích cỡ của người Việt Nam.
Để khắc phục, ông Nguyễn Văn Xuân – Phó GĐ Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) và các cộng sự đã nghiên cứu bộ quần áo chuyên dụng cản điện trường, bảo đảm các chỉ tiêu kỹ thuật, phù hợp với đặc thù của Việt Nam, sản xuất được trong nước với giá thành thấp. Ưu điểm của loại quần áo này là ngoài việc sử dụng để làm việc gần nguồn điện, còn được sử dụng cho các công việc hotline khác như vệ sinh cách điện, sửa chữa điện nóng theo công nghệ hotstick (dùng dụng cụ sào cách điện, con người không tiếp xúc trực tiếp). Tiêu chuẩn kỹ thuật của bộ quần áo phải đảm bảo các thông số như: khả năng cản điện trường, vừa bảo đảm che phủ vừa thuận tiện cho công việc và có tầm nhìn, phù hợp với từng công việc. Thành phần của bộ quần áo bao gồm: Áo sơmi dài tay; Quần tây, dài, có thắt lưng, có túi; Mũ trùm đầu hoặc trùm lên mũ nhựa, liền với áo hoặc không; Găng tay làm bằng vải dẫn điện có gốc vải thun; Tất (vớ) làm bằng loại vải dẫn điện; Giày có đế làm bằng vật liệu dẫn điện; Có thể bổ sung khẩu trang bằng vải dẫn điện để che mặt.
Tổng chi phí để thực hiện các bộ quần áo mẫu là 2,68 – 3,7 triệu đồng/bộ, tiết kiệm hơn 90% so với quần áo nhập ngoại (giá từ 39 - 55 triệu đồng/bộ).
Ông Xuân cho biết, do quần áo được may từ các loại vải dẫn điện nên khi tiếp xúc trực tiếp với da có thể gây ra dị ứng. Vì vậy, thợ nên mặc thêm áo lót bên trong. Cần tránh tiếp xúc trực tiếp bộ quần áo với nguồn điện để tránh gây ngắn mạch nguồn điện. Khi mặc bộ quần áo phải đảm bảo các nguyên tắc: kết nối các bộ phận thành một khối chắc chắn qua dây nối dẫn điện (cùng loại vải) hoặc nút bấm bằng kim loại. Nếu không sẽ có nguy cơ phóng điện giữa các bộ phận khi cọ xát, tiếp xúc chập chờn; Khi mặc bộ quần áo phải thường xuyên tiếp đất ít nhất 01 điểm để xả tĩnh điện và tạo điểm thoát dòng cho bộ quần áo, làm giảm dòng tiếp xúc qua người mặc. Chỉ mặc khi làm việc vì trong thành phần vải có sợi kim loại, để tiếp xúc thường xuyên với da là không tốt. Không mặc dưới trời mưa. Chỉ được giặt quần áo bằng tay (không giặt máy), giặt nhanh < 15 phút, không giặt chung với các loại quần áo khác, sử dụng bột giặt trung tính, không sử dụng thuốc tẩy, không được giặt với nước nóng > 40oC, tránh phơi nắng trực tiếp, không dùng máy sấy, không được giặt khô... Nếu không sẽ làm đứt gãy các sợi kim loại, làm tăng điện trở của bộ quần áo, làm giảm hiệu quả cản điện trường và làm tăng dòng rò qua người; Ủi (là) với nhiệt độ thấp < 120oC và dưới một lớp vải; Khi bị rách có thể khâu vá bằng vải cùng loại và chỉ dẫn điện; Khi không sử dụng cần bảo quản trong túi nylon, đặt trong tủ nơi khô ráo, để xa nguồn điện.