Huyện đảo Cô Tô được đánh giá là có tiềm năng lớn để phát triển nguồn năng lượng tái tạo (Ảnh: Cổng thông tin huyện Cô Tô).
Đánh thức tiềm năng
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, việc phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo đang là vấn đề mà các quốc gia quan tâm và chiếm vị trí quan trọng trong tầm nhìn phát triển kinh tế bền vững.
Tại Quảng Ninh, với lợi thế “ven biển”, trong những năm qua, bên cạnh việc hoàn thiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, địa phương cũng rất quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy những giá trị bền vững về môi trường thiên nhiên. Trong đó, phát triển năng lượng tái tạo là một trong những vấn đề mà Quảng Ninh luôn ưu tiên.
Thực tế, Quảng Ninh hiện có tới 250km đường biển, cùng hệ thống hạ tầng đấu nối, truyền tải điện tốt nhất cả nước là cơ sở để phát triển năng lượng điện gió. Nguồn tài nguyên này đã được Viện năng lượng khảo sát và đánh giá cao, với khoảng 13.000MW dọc bờ biển và khoảng 2.300MW trên bờ.
Nguồn năng lượng này được cho là tập trung chủ yếu ở huyện Cô Tô và TP Móng Cái. Bởi đây là địa phương có vị trí địa lý, đường bờ biển dài, đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa và có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào; giàu tiềm năng cho việc khai thác, sản xuất, phát triển nguồn năng lượng tái tạo; từ đó, đảm bảo nguồn điện lâu dài, ổn định.
Theo ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh hiện là trung tâm sản xuất điện của cả nước với hệ truyền tải điện đa dạng. Cùng với đó Quảng Ninh cũng là địa phương có thể sản xuất khoảng 13GW điện gió ngoài khơi. Đây là những lợi thế so sánh để thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Với tiềm năng sẵn có này, hiện đang có nhiều nhà đầu tư nghiên cứu và khảo sát đo gió tại tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể, tại buổi làm việc giữa tỉnh Quảng Ninh với Tập đoàn BP (Anh Quốc) và Công ty CP Tập đoàn SOVICO (Việt Nam) mới đây, 2 đơn vị này đã đề xuất đầu tư một dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Quảng Ninh, với công suất dự án ước tính khoảng 3GW và sản lượng năng lượng dự kiến phát lên lưới điện miền Bắc trong khoảng từ 8 đến 10 TWh/năm.
Theo ông Archit Mehrotra - Giám đốc điều hành giao dịch về khí đốt, điện, năng lượng tái tạo (Tập đoàn BP), dự án sẽ được phát triển theo từng giai đoạn cụ thể. Theo đó, giai đoạn một từ 2027 - 2030 với công suất 500MW; từ năm 2030-2035 sẽ triển khai giai đoạn 2, 3 với tổng công suất 2,5GW.
Còn tại buổi làm việc với đoàn công tác Đại sứ quán Đan Mạch về việc nghiên cứu đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi tại Quảng Ninh hồi tháng 7/2022, ông Carsten Baltzer Rode - Phó Đại sứ Đan Mạch cũng đã đề xuất với tỉnh Quảng Ninh về việc đồng ý cho tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) tới khảo sát một số địa điểm có nhiều nguồn gió và nghiên cứu đầu tư điện gió ngoài khơi tại Quảng Ninh.
Để phát triển bền vững
Việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch sẽ giúp tạo đà cho nền kinh tế Quảng Ninh ngày càng bền vững. Trong dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quảng Ninh xác định tập trung phát triển công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường; tiếp tục duy trì là một trung tâm năng lượng của quốc gia (một trong những trung tâm điện gió, điện khí LNG của miền Bắc), chuyển dần sang phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; phát triển mạng lưới điện tỉnh, phát triển nguồn điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi với tổng công suất bước đầu khoảng 2.500MW.
Khu vực biển thuộc TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Cổng TTĐT TP Móng Cái).
Phía UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã có văn bản về việc nghiên cứu tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi, trên bờ tại địa bàn. Trong đó, đồng ý chủ trương giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với một số đơn vị khảo sát, rà soát, xác định về diện tích ranh giới khu vực nghiên cứu phát triển điện gió ngoài khơi, trên bờ tại địa bàn tỉnh.
Theo ông Hồ Quang Huy - Chủ tịch UBND TP Móng Cái cho biết, trên quan điểm nhanh chóng triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch đã được công bố, từng bước đầu tư phát triển, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng kết nối các vùng kinh tế động lực trong khu vực đặc biệt là khu vực ven biển, TP Móng Cái sẽ quan tâm đến việc đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ liên quan đến nguồn năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng mới “từ nâu sang xanh”. Cùng với đó, chuyển đổi từ việc tiêu thụ các nguồn năng lượng truyền thống như than, dầu, khí tự nhiên…sang các nguồn năng lượng sạch và an toàn như gió, mặt trời, nước, nhiên liệu sinh học.
“Móng Cái sẽ phát huy tiềm năng tối đa, tăng cường giám sát, quản lý, bảo vệ môi trường biển, tránh ô nhiễm môi trường biển; đầu tư phát triển hạ tầng kết nối các vùng kinh tế động lực ven biển gắn với đầu tư khai thác có hiệu quả cảnh quan tự nhiên nhất là khu vực biển song vẫn bảo tồn được hệ sinh thái biển, đảo góp phần phát triển ngành kinh tế biển theo hướng bền vững…”, ông Huy nhấn mạnh.
Còn theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, song với mục tiêu tăng trưởng xanh, thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, tiến tới phát thải Carbon ròng bằng 0 vào năm 2050, tỉnh Quảng Ninh đã và đang tăng cường huy động các nguồn lực, kêu gọi, thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Từ đó, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Được biết, để phát triển nguồn năng lượng xanh, Quảng Ninh cũng đã đề xuất với Bộ Công Thương việc bổ sung nhiều MW điện vào dự thảo Quy hoạch điện VIII. Trong đó, giai đoạn 2021-2040, Quảng Ninh đề nghị bổ sung phát triển 5.000MW điện gió gồm: 3.000MW điện gió ngoài khơi và 2.000MW điện gió trên bờ. Giai đoạn 2021-2030, Quảng Ninh đề nghị bổ sung phát triển 2.500MW điện gió; trong đó, ngoài khơi là 500MW và trên bờ là 2.000MW.
Để tiếp tục rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng, thời gian tới, Công ty tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi hoạt động, nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân viên trong quá trình phục vụ khách hàng…