Quản lý năng lượng

Quảng Trị: Quy hoạch phát triển điện lực đến năm 2025

Thứ hai, 5/6/2017 | 08:48 GMT+7
UBND tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức Hội nghị thông qua Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016 -2025, có xét đến năm 2035.

 
Nhà máy thủy điện Hạ Rào Quán.
 
Trên cơ sở đánh giá hiện trạng phát triển điện lực và kết quả thực hiện quy hoạch giai đoạn 2011 - 2015 cũng như hiện trạng và dự báo phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị, Viện Năng lượng đã tiến hành xây dựng Đề án Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035.
 
Đề án được thực hiện nhằm phát triển lưới điện truyền tải và phân phối, bảo đảm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quy hoạch lưới điện đồng bộ với tiến độ vận hành các nhà máy điện trên địa bàn; phù hợp với chiến lược phát triển ngành điện, quy hoạch phát triển điện lực và các quy hoạch khác của vùng...
 
Đề án nêu rõ, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và sinh hoạt, nhất là ở các khu - cụm công nghiệp, khu kinh tế Đông Nam và các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, tỉnh Quảng Trị cần quy hoạch lưới điện liên kết với các tỉnh, thiết kế lưới điện, cải tạo đường dây mạch kép. Đặc biệt, nâng cấp và xây dựng mới một số trạm biến áp (TBA) 110kV, 220kV, trạm nguồn 220kV và tính toán phương án đấu nối Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị. Bên cạnh đó, từng bước xây dựng, khai thác và sử dụng năng lượng tái tạo như: Điện gió, thủy điện nhỏ, năng lượng mặt trời. Tổng vốn đầu tư xây dựng và cải tạo lưới điện là 2.520 tỷ đồng, chi phí cấp điện cho đảo Cồn Cỏ là 720 tỷ đồng.
 
Đề án cũng đưa ra Quy hoạch phát triển nguồn năng lượng tái tạo và cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo không nối lưới, cơ chế bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong phát triển điện lực… Phát biểu về Đề án Quy hoạch điện lực tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - cho rằng: Thực hiện quy hoạch phát triển lưới điện, truyền tải và phân phối, sẽ đáp ứng được nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Quy hoạch lưới điện đồng bộ, thiết kế hợp lý; hoàn thiện mạng lưới điện 220kV và 110kV sẽ nâng cao độ ổn định trong cung cấp điện, giảm thiểu tổn thất điện năng và tăng tỷ lệ hộ có điện trên địa bàn.
 
Ông Nguyễn Đức Chính cũng cho rằng, nguồn điện ở hệ thống sông Đăkrông còn rất nhiều tiềm năng, vì vậy, nên đưa vào dự báo tiềm năng thủy điện có thể phát triển thêm. Tương tự, đối với điện gió, Bộ Công Thương đã phê duyệt quy hoạch xây dựng 4 nhà máy điện gió: Hướng Linh 1, Hướng Linh 2, Hướng Phùng 1, Hướng Phùng 2 tại huyện Hướng Hóa. Tuy nhiên, điện gió vẫn còn nhiều tiềm năng, cần đưa vào dự báo quy hoạch cho tương lai. Đồng thời, đề nghị Viện Năng lượng khảo sát quy hoạch, bổ sung phát triển nguồn điện năng lượng mặt trời cho tỉnh.
 
Theo quy hoạch, khối lượng TBA cần tăng thêm trong giai đoạn 2016 - 2025 là: Đối với TBA 500kV, cần xây mới 600MVA; TBA 220kV xây mới 500MVA, cải tạo mở rộng 250MVA; TBA 110kV cần xây mới 769MVA, cải tạo mở rộng 120MVA. Đối với việc xây dựng đường dây (ĐZ), trong giai đoạn 2016 - 2025, cần xây mới 206km ĐZ 500kV; 234km ĐZ 220kV, 268km ĐZ 110kV và cải tạo 6km.

 

Báo Công thương