Dự án điện gió đang triển khai tại huyện miền núi Hướng Hóa.
Chính vì vậy, phát triển năng lượng tái tạo được tỉnh xác định là ngành chủ đạo nhằm xây dựng được những cánh đồng điện gió, điện mặt trời rộng lớn, vừa đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, vừa góp phần bảo vệ môi trường và cảnh quan của địa phương.
Tạo làn sóng đầu tư
Vùng miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Trị có tiềm năng rất lớn về điện gió, khi tốc độ gió trung bình đạt từ 6 – 7 m/s. Do đó, vùng này đã và đang đón hàng chục doanh nghiệp đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào làm điện gió.
Công ty Cổ phần Tổng công ty Tân Hoàn Cầu là doanh nghiệp đầu tiên đầu tư làm điện gió ở tỉnh Quảng Trị. Năm 2017, công ty này đã đưa Nhà máy điện gió Hướng Linh 2, công suất 30 MW, tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng vào vận hành tại huyện miền núi Hướng Hóa. Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 cung cấp sản lượng điện bình quân khoảng 122 triệu kWh/năm, mỗi năm cho doanh thu khoảng 200 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách 20 tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty này còn đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng đường giao thông, tạo thuận lợi cho việc đi lại và giao thương để phát triển vùng miền núi; đồng thời hỗ trợ địa phương xây dựng các công trình dân sinh khác.
Từ hiệu quả của Nhà máy điện gió Hướng Linh 2, Công ty Cổ phần Tổng công ty Tân Hoàn Cầu đang tiếp tục triển khai các dự án điện gió khác như: Hướng Hiệp 1, Hướng Linh 3, Hướng Linh 4, Hướng Linh 5… với số vốn hàng nghìn tỷ đồng.
Đến tháng 10/2019, tỉnh Quảng Trị đã có 68 dự án điện gió đi vào hoạt động, đang xây dựng và nghiên cứu, khảo sát với tổng công suất trên 3.600 MW; trong đó, Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 đã đi vào vận hành; 16 dự án đang triển khai đầu tư với tổng công suất 578 MW; 45 dự án đã trình Bộ Công Thương phê duyệt với tổng công suất hơn 2.500 MW; 8 dự án đã được UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý chủ trương cho nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ bổ sung quy hoạch, với tổng công suất 400 MW; 2 dự án nhà đầu tư đang nghiên cứu với công suất 100 MW.
Trong khi đó, ở dọc vùng ven biển Quảng Trị có vùng cát nội đồng bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhưng lại thuận lợi cho việc xây dựng các nhà máy điện mặt trời. Những cánh đồng điện mặt trời đầu tiên ở Quảng Trị đã và đang hình thành trên vùng cát trắng ở các xã Gio Thành, Gio Hải thuộc huyện Gio Linh.
Cuối tháng 6 vừa qua, Nhà máy điện mặt trời LIG - Quảng Trị có công suất 49,5 MW, tổng vốn đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Licogi 13 làm chủ đầu tư đã hoàn thành và hòa lưới điện quốc gia. Đây là nhà máy điện mặt trời đầu tiên ở Quảng Trị đi vào vận hành.
Theo đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Licogi 13, Nhà máy điện mặt trời LIG - Quảng Trị là một trong những dự án được Chính phủ ưu đãi đầu tư. Nhà máy này cho sản lượng điện khoảng 70 triệu kWh/năm, ước tính gần bằng mức tiêu thụ điện hàng năm của trên 37.000 hộ gia đình ở Việt Nam. Dự án đi vào vào hoạt động còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương và phát triển nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường.
Hiện nay, Công ty Cổ phần năng lượng Gio Thành đang đầu tư xây dựng Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 1, công suất 50 MW, tổng vốn đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng. Công ty Cổ phần SECO, đầu tư xây dựng Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 2, có công suất và vốn đầu tư tương tự Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 1.
Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Trần Văn Quảng cho biết, trên vùng cát trắng làm nông nghiệp khó khăn, hiệu quả khai thác đất đai rất thấp, nhưng khi chuyển sang làm điện mặt trời thì rất hiệu quả. Ngoài xây dựng nhà máy điện mặt trời, các doanh nghiệp còn đầu tư thêm các công trình như đường giao thông, đường dây truyền tải điện, giải quyết việc làm, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã thu hút được 21 dự án điện mặt trời với tổng công suất trên 1.500 MW; trong đó, 3 dự án đã đi vào hoạt động và đang triển khai đầu tư xây dựng với tổng công suất 149,5 MW; 6 dự án với tổng công suất 500 MW đã trình Bộ Công thương phê duyệt; 12 dự án đã được UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý chủ trương cho nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với tổng công suất 865 MW. Ngoài ra, Tập đoàn ISE Food của Nhật Bản cũng đang xúc tiến đầu tư dự án làm điện mặt trời, có công suất 50 MW tại huyện Hải Lăng.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng, tỉnh đang hướng mạnh đến việc thu hút đầu tư vào điện gió, mặt trời. Dự kiến đến năm 2020, công suất điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh đạt 500 MW. Tỉnh cũng đã có đề án quy hoạch cánh đồng điện mặt trời, điện gió gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường.
Tỉnh Quảng Trị xác định, thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng là ưu tiên hàng đầu, nhằm đưa địa phương trở thành trung tâm năng lượng của khu vực Bắc miền Trung, với tổng công suất đến năm 2025 dự kiến đạt trên 2.900 MW và đến năm 2030 là hơn 6.000 MW.
Để đặt được mục tiêu này, tỉnh Quảng Trị hỗ trợ nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng nói chung, điện gió và điện mặt trời nói riêng, thông qua những chính sách ưu đãi về thuế, giá thuê đất, giải quyết thủ tục hành chính. Tỉnh cũng đã quy hoạch các vùng phát triển điện gió với tổng diện tích trên 6.700 ha; trong đó, chủ yếu tập trung ở các xã: Hướng Sơn, Hướng Lập, Hướng Phùng, Hướng Linh, Hướng Hiệp thuộc huyện miền núi Hướng Hóa. Đối với điện mặt trời, tỉnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào vùng cát ven biển không làm được nông nghiệp và trên mặt nước của hồ thủy lợi.
Khơi thông “điểm nghẽn” giải tỏa công suất điện
Khó khăn nhất trong việc phát triển điện gió ở vùng phía Tây của tỉnh Quảng Trị, là đường dây truyền tải điện chưa đáp ứng được công suất, mà các nhà máy điện gió đang đầu tư xây dựng, với tổng công suất dự kiến trên 3.600 MW.
Dự án điện gió được triển khai tại huyện miền núi Hướng Hóa.
Cụ thể là việc thu gom, truyền tải điện từ Lao Bảo thuộc huyện Hướng Hóa về thành phố Đông Hà, hiện nay chỉ có 1 đường dây 110 kV truyền tải được công suất 130 MW. Sắp tới có thêm đường dây truyền tải điện từ Lao Bảo về Đông Hà được đầu tư xây dựng, nhưng cũng chỉ truyền tải được tổng công suất 1.200 MW. Trong khi đó, còn trên 2.400 MW chưa có đường dây truyền tải để giải tỏa công suất phát điện cho các nhà máy điện gió.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính cho biết, khâu truyền tải điện đang là “điểm nghẽn” trong việc phát triển điện gió ở vùng phía Tây của tỉnh. Do đó, các bộ, ngành Trung ương cần linh hoạt điều chỉnh quy hoạch đường dây truyền tải điện, bởi tình hình thực tế đầu tư vào lĩnh việc này đã thay đổi rất nhiều.
Theo Sở Công Thương Quảng Trị, để giải tỏa công suất điện cho các dự án điện gió sắp hoàn thành, cần đảm bảo tiến độ xây dựng đường dây và Trạm biến áp 220 kV Đông Hà - Lao Bảo đã được Chỉnh phủ đồng ý, dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2020 - 2021.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng năng lượng điện gió các khu vực phía Tây Quảng Trị trong giai đoạn 2021-2023, cần triển khai đầu tư và đưa vào vận hành Trạm biến áp 500 kV Quảng Trị được xây dựng tại huyện Hải Lăng vào năm 2021 - 2022; lập bổ sung quy hoạch và đầu tư thêm 1- 2 tuyến đường dây 220 kV, nối từ Trạm biến áp 500 kV Quảng Trị đến Hướng Hóa dài khoảng 65 km; đồng thời bổ sung quy hoạch và đầu tư Trạm biến áp 500 kV Hướng Hóa.
Đối với điện mặt trời, Bộ Công Thương phân vùng và áp giá điện mặt trời đối với tỉnh Quảng Trị vào vùng 2, tức xếp Quảng Trị vào vùng có khí hậu miền Nam. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Trị là vùng có thời tiết tương đồng với các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ và còn nhiều khó khăn về kinh tế, cơ sở hạ tầng. Do đó, tỉnh Quảng Trị đã kiến nghị Bộ Công Thương đưa địa phương vào vùng mức xạ mặt trời số 1 (vùng 1), nhằm tạo điều kiện cho tỉnh thu hút dự án điện mặt trời…