Vụ vỡ đập công trình thủy điện nhỏ Ia Krêl 2 tại Gia Lai trung tuần tháng 6/2013. Ảnh: N.Thọ
Nhiều bất cập
Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 6, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển thủy điện chiều 28/9, nhiều đại biểu Quốc hội đã chỉ ra những bất cập của công tác quy hoạch thủy điện thời gian qua.
Cụ thể, theo đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) thì quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ đã quá vội vã, gây nhiều lãng phí, phá vỡ môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Đặc biệt, liên quan đến yếu tố bảo vệ môi trường đối với các dự án thủy điện, các đại biểu cũng cho rằng công tác đánh giá môi trường chiến lược còn bị xem nhẹ, chất lượng chưa cao. Bởi thực tế, quá trình lập quy hoạch thường đặt mục tiêu, lợi ích kinh tế của quy hoạch lên hàng đầu mà chưa thực sự chú trọng, quan tâm đến khía cạnh tác động của việc thực hiện quy hoạch đến môi trường.
Thậm chí, sau báo cáo đánh giá tác động môi trường, các cơ quan chuyên môn thiếu nguồn lực thực hiện công tác thẩm định, theo dõi và nhiều địa phương không bố trí đủ diện tích đất để trồng bù rừng vào diện tích rừng bị mất.
“Dự án nào đánh giá tác động môi trường cũng đều tốt, thủ tục hồ sơ “đẹp” nhưng không hoàn toàn như vậy, nhiều báo cáo đánh giá không sát thực tế, chưa có chuyên gia đủ tầm tham gia vào. Công tác đánh giá môi trường chiến lược cần phải gắn với vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu.” - Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình) đề nghị.
|
Người phát ngôn của Chính phủ - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam. Ảnh: N.Thọ |
Cần rà soát loại bỏ
Thực ra, quy hoạch thủy điện được chia ra làm hai loại: quy hoạch thủy điện tại các dòng sông lớn thì do Bộ Công Thương; quy hoạch thủy điện nhỏ do các địa phương lập và duyệt quy hoạch. Với quy hoạch thủy điện nhỏ thường địa phương nhờ các công ty tư vấn lập và nghiên cứu tất cả các khía cạnh của dự án. Quy trình gồm báo cáo đánh giá tác động môi trường, đánh giá về động đất, đứt gãy, thiết kế…
“Chúng ta có tất cả 1.239 dự án thủy điện, tuy nhiên số dự án thủy điện nhỏ và siêu nhỏ còn rất nhiều. Có đến 1.109 dự án mà tổng công suất của các dự án thủy điện nhỏ này chỉ chiếm 26% tổng công suất lắp máy của thủy điện cả nước. Hiệu quả của các dự án thủy điện nhỏ này rất thấp, chỉ có tác dụng về phát điện mà thôi còn về các mục tiêu khác, đa mục tiêu thì không đạt được. Tôi nghĩ rằng chúng ta quy hoạch quá nhiều thủy điện nhỏ như thế này cần xem xét lại” - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thùy Trang, đoàn thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị.
Thực tế, theo nguồn tin riêng của phóng viên Trang tin ngành Điện, mới đây nhất, Chính phủ vừa đồng ý loại khỏi quy hoạch 405 dự án gồm 2 dự án thủy điện bậc thang và 403 dự án thủy điện nhỏ, không tiếp tục xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng thủy điện nhỏ chưa có nhà đầu tư quan tâm. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã kiến nghị tạm dừng và cho phép đầu tư sau năm 2015 là 117 dự án. Như vậy, đây có thể xem là tin vui với những người tâm huyết với ngành Điện nước nhà.
Kiên quyết xử lý quy hoạch sai
Với vấn đề nóng này, ngay trong chiều ngày 29/9/2013, tại Phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, trả lời thắc mắc của các cơ quan báo chí, người phát ngôn của Chính phủ - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam khẳng định quan điểm của Chính phủ xem quy hoạch là câu chuyện rất quan trọng. Đặc biệt, với nước ta, trước hết phải dựa vào Cương lĩnh, Nghị quyết, rồi đến Chiến lược, Quy hoạch rồi đến Kế hoạch.
Theo Bộ trưởng, những công trình nào đưa vào quy hoạch thủy điện mà bị loại ra thì đó đó là chuyện rất bình thường, đó là nhiệm vụ của rà soát, có loại ra và có đưa vào. Những công trình đang làm dở mà do quy hoạch sai mà để lại hậu quả thì điều đầu tiên là phải khắc phục hậu quả đó. Phải thận trọng xem xét lý do quy hoạch sai là do đâu, do khách quan do năng lực, hay do chủ quan do tiêu cực, phải xử lý đúng theo quy định của pháp luật và theo các quy định quản lý công trình.
“Trước đây trong tất cả các lĩnh vực chỉ có các cơ quan nhà nước làm, đặc biệt trong quá trình tư vấn và thẩm định, giờ đây đã cho phép xã hội hóa, các doanh nghiệp làm và các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khi các doanh nghiệp đã được nhà nước cấp phép để tư vấn và thẩm định thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.” - Người phát ngôn của Chính phủ khẳng định.
Được biết, xung quanh dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A (Chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai), Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phải xét báo cáo đánh giá tác động môi trường và có ý kiến khách quan, trung thực, không chịu bất kỳ ảnh hưởng, sức ép nào. Bộ này đã báo cáo, phân tích và kiến nghị xem xét lại việc này. Sau đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công Thương không chỉ ở mức xem xét lại mà cân nhắc đưa ra khỏi quy hoạch 2 thủy điện này. Chính phủ đã làm công khai, không chịu sức ép nào.