Sự kiện

Khẩn trương khắc phục hậu qủa cơn bão số 8

Thứ hai, 23/9/2013 | 13:07 GMT+7
Ngày 18/9/2013, cơn bão số 8 đã đi vào các tỉnh Trung Trung bộ nước ta. Hoàn lưu của bão đã gây mưa lũ ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên gây nhiều hậu quả nặng nề về người và tài sản, trong đó có ngành điện.



ông nhân Điện lực Thừa Thiên Huế khắc phục sự cố do bão số 8 gây ra – Ảnh: EVN CPC

Theo báo cáo của Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC), khu vực Trung Trung Bộ và các tỉnh bắc Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to kèm theo gió mạnh, gây ra hàng trăm vụ sự cố đường dây trung thế.

Quảng Bình có 47 TBA  bị cô lập phụ tải, mất điện một phần các xã Trường (26 TBA), An Ninh (1 TBA) huyện Quảng Ninh; xã Lâm Thuỷ (6 TBA) huyện Lệ Thuỷ; xã Quảng Kim (3 TBA), Quảng Hợp (5 TBA) huyện Quảng Trạch; xã Ngư Hoá (6 TBA) huyện Tuyên Hoá. Ước công suất không cung cấp được khoảng 1MW.

Quảng Trị cô lập 20 TBA phụ tải mất điện một phần các xã Vĩnh Ô (9 TBA) huyện Vĩnh Linh; xã Húc, Tân Long (9 TBA), thị trấn Lao Bảo (1 TBA) huyện Hướng Hóa, xã Ba Nang (1 TBA) huyện ĐăkRông. Ước công suất không cung cấp được khoảng 0,5MW.

Quảng Nam: Cô lập 18 TBA phụ tải mất điện một phần các xã Cà Dăng (12 TBA), thị trấn Thạnh Mỹ (4 TBA) huyện Nam Giang; xã Đại Lãnh (1 TBA) huyện Đại Lộc; xã Điện Tiến (1 TBA) huyện Điện Bàn. Ước công suất không cung cấp được khoảng 1,0 MW.

Ngoài ra còn Thừa Thiên Huế bị 39 vụ sự cố TBA, Đà Nẵng 30 vụ sự cố…

Các tỉnh Tây Nguyên cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Huyện Đăk Glei (Kon Tum) bị sự cố sạt lở ta-luy dương khiến cây ngã vào đường dây 22 kV tại địa phận xã Đăk Nhoong. Tại xã Sa Sơn huyện Sa Thầy nước lũ lớn đã làm ngã 1 trụ điện xuống suối. Tại huyện Kon Plong, nhiều đường liên thôn, liên xã bị tê liệt hoàn toàn do sạt lở đất và cầu cống bị nước cuốn trôi hoặc do mưa lớn làm trụ điện bị sạt lở ngã vào đường dây…

Với phương châm “nước rút đến đâu, tiến hành kiểm tra, sửa chữa, khôi phục lưới điện đến đó”, CBCNV các công ty điện lực đã tập trung toàn bộ nhân lực, phương tiện túc trực tại các địa bàn ngập lũ, bố trí lực lượng xung kích kiểm tra nguyên nhân gây sự cố, chủ động xử lý kịp thời các sự cố, không để mất điện kéo dài trên diện rộng. Ưu tiên kiểm tra khắc phục trước các tuyến đường dây 35kV cấp điện cho các khu vực trọng điểm. Khắc phục xử lý đến đâu đóng điện đến đó. Đối với lưới điện do các đơn vị ngoài ngành điện quản lý, trước khi khôi phục đóng điện phải có cam kết về an toàn lưới điện của chủ tài sản. Đặc biệt đề phòng sạt lở đất xảy ra ở vùng núi, ngập úng vùng trũng gây ảnh hưởng đến an toàn lưới điện. Công tác đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, công trình và an toàn cho nhân dân được quan tâm đặc biệt.

Các nhà máy thuỷ điện nhỏ thuộc EVN CPC quản lý và có cổ phần góp vốn được theo dõi và xử lý kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho đập và vùng hạ du.

Nhờ đó, hệ thống lưới điện trên các địa bàn vận hành an toàn, ổn định, không có sự cố xảy ra.

Theo ước tính sơ bộ, tổng sản lượng điện không cung cấp được do ảnh hưởng của bão số 8 đối với toàn bộ EVN CPC khoảng 1.700.000 kWh. Tổng thiệt hại tài sản khoảng 1,85 tỉ đồng.

Hiện nay, "siêu bão" số 9 (Usagi) có cường độ rất lớn đi vào biên giới Việt Trung. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ có nguy cơ chịu gây mưa to, lũ quét làm mức nước hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp tăng nhanh.

Bộ Công Thương chỉ đạo EVN, các nhà máy Thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà  chủ động hạ thấp mực nước các hồ để đón lũ, đảm bảo an toàn công trình và tránh xả cấp tập ảnh hưởng đến hạ du. Yêu cầu các công ty điện lực chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng xử lý ngay giờ đầu các sự cố.

 
Ngọc Loan / ICON.com.vn