Chỉ cần có xác nhận của Phòng Kinh tế quận hoặc UBND phường là được điều chỉnh tăng định mức điện“. Các quy định hiện nay để công nhân (CN) nhập cư được mua điện đúng giá khá dễ dàng và thông thoáng. Nếu có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, chắc chắn sẽ có nhiều CN nhập cư được hưởng chính sách này”. Ông Huỳnh Trí Dũng, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Điện lực TPHCM, đã khẳng định như vậy trong buổi làm việc với LĐLĐ TPHCM sáng 6-5.
Từ bảo lãnh của chủ nhà trọ, những người lao động nhập cư này đã được mua điện đúng giá (ảnh chụp chiều 6-5, tại nhà trọ 533/16 Phạm Văn Bạch, phường 15, quận Tân Bình - TPHCM)
Những điểm sáng hiếm hoi
Theo báo cáo của Công ty Điện lực TPHCM, sau khi có kiến nghị của Công đoàn TP, công ty đã triển khai nhiều giải pháp để người lao động (NLĐ) nói chung, CN nói riêng đang thuê nhà trọ được sử dụng điện đúng giá. Hai giải pháp phổ biến là chủ nhà trọ làm các thủ tục để nâng định mức điện theo phương thức hộ gia đình dùng chung điện kế và NLĐ ký hợp đồng trực tiếp với ngành điện với sự bảo đảm của chủ nhà trọ. Đến nay, trên địa bàn TP đã có 41 chủ nhà trọ ký bảo lãnh để 343 NLĐ được trực tiếp mua điện. Và đây là những điểm sáng hiếm hoi.
Bà Lê Thị Mai, chủ nhà trọ số 533/16 Phạm Văn Bạch, phường 15, quận Tân Bình- TPHCM, người đã ký giấy bảo lãnh để NLĐ đang thuê nhà được sử dụng điện đúng giá, nói: “Những lao động nhập cư này đã rất khó khăn, vì vậy, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ để họ đỡ khổ chút nào hay chút đó”. Ông Nguyễn Đức Vân, người thuê nhà trọ của gia đình bà Mai, phấn khởi cho biết trước đây, gia đình ông phải đi câu nhờ điện của hàng xóm để sử dụng, hằng tháng phải trả từ 600.000 đồng đến 700.000 đồng. Từ khi được bảo lãnh để được mua điện trực tiếp cuối tháng 12-2008, số tiền điện của gia đình hằng tháng chỉ còn hơn 400.000 đồng. Ông Vân xúc động nói: “Nhờ Công đoàn TP kiến nghị mà những NLĐ như chúng tôi được hưởng lợi và được đối xử bình đẳng như các công dân khác”.
Ngành điện “mở”, địa phương “đóng”
Theo quy định hiện hành, việc ký hợp đồng mua điện đối với trường hợp cho thuê nhà để sử dụng vào mục đích sinh hoạt thì chủ nhà cho thuê phải có giấy tờ chứng minh việc kinh doanh, cho thuê nhà hợp pháp. Vấn đề đặt ra là giấy tờ như thế nào là hợp pháp. Theo ông Dũng, vừa qua, Công ty Điện lực TPHCM đã có nhiều hướng mở cho việc này. Chẳng hạn, tại quận Bình Thạnh, chỉ cần có xác nhận của Phòng Kinh tế quận là ngành điện sẽ tăng định mức cho chủ nhà trọ. Hay như tại Điện lực Phú Thọ, có trường hợp chỉ cần UBND phường xác nhận là có người thuê phòng trọ cũng được điều chỉnh tăng định mức.
Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng thực hiện. Chiều 6-5, trao đổi với một chủ nhà trọ trên đường Cống Lở, phường 15, quận Tân Bình, bà cho biết nhân viên ghi điện có hướng dẫn việc ra phường ký xác nhận có cho thuê nhà để tăng định mức điện. Nhưng khi đến UBND phường hỏi thăm thì phường bảo không có chủ trương này. Thế là hơn 10 CN đang thuê nhà bà vẫn phải trả tiền điện với giá 2.500 đồng/KWh. Điều lạ là, từ cuối năm 2008, ông Lê Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, trong buổi họp với 15 phường và Điện lực Tân Bình, đã có chỉ đạo bằng văn bản cho các phường phải xác nhận vào hợp đồng thuê nhà để CN nhập cư được hưởng điện đúng giá. Phải chăng UBND phường 15, quận Tân Bình đã “quên” chỉ đạo này?
Phát hiện, đề nghị xử phạt
Ông Trương Lâm Danh, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, khẳng định thời gian qua, ngành điện TP đã có nhiều nỗ lực để cho CN nhập cư được hưởng điện đúng giá. Tuy nhiên, số CN được hưởng vẫn chưa nhiều. Chính vì vậy, trong thời gian tới, tổ chức CĐ TP sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành điện, chính quyền địa phương, khảo sát tại những khu nhà trọ, trước mắt là những nơi có đông CN chưa được hưởng điện đúng giá để thực hiện.
Tổ chức CĐ cũng sẽ cùng ngành điện phát hiện và phản ánh với thanh tra điện lực của Sở Công Thương TP để xử phạt đối với những chủ nhà trọ cố tình bán điện cho CN không đúng giá quy định. Theo ông Huỳnh Trí Dũng, việc tự ý bán điện cho cá nhân, tổ chức khác khi không được sự đồng ý của bên bán điện là vi phạm các quy định về sử dụng điện và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Nếu vi phạm hai lần trong một năm (đã bị xử phạt hành chính) thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.