Sau hơn 3 năm vận hành chính thức thị trường phát điện cạnh tranh (từ 01/7/2012) đến nay, mặc dù ghi nhận khá nhiều chuyển biến tích cực, từ chỗ ban đầu chỉ có 31 nhà máy điện tham gia thị trường với tổng công suất lắp đặt là 9300MW, đến nay đã có 60 nhà máy điện với tổng công suất 14.796MW trực tiếp tham gia thị trường điện, chiếm 42,08% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống; Hệ thống điện vận hành an toàn, tin cậy, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội; Minh bạch hơn trong việc huy động các nguồn các nhà máy điện; Rút ngắn được thời gian sửa chữa bảo dưỡng, cắt giảm chi phí vận hành, chủ động trong chào giá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của đơn vị. Đồng thời, trình độ, kinh nghiệm của các thành viên tham gia thị trường điện đặc biệt là các nhà máy điện tăng đáng kể. Điều này đã khẳng định tính đúng đắn về triển khai thị trường điện ở nước ta. Tuy nhiên, cũng còn khá nhiều bất cập được chỉ ra.
Bất cập đầu tiên được Thứ trưởng Bộ Công thương - ông Hoàng Quốc Vượng chỉ ra, đó là cơ sở hạ tầng hệ thống điện còn yếu. Mặc dù những năm gần đây, công tác đầu tư được quan tâm chú trọng, song do năng lực còn hạn chế, nhu cầu vốn đầu tư cần lớn nên đã dẫn đến tình trạng mất cân đối giữa nguồn và lưới truyền tải - phân phối điện, điều này đã dẫn đến tình trạng quá tải cục bộ ở một số nơi, một số thời điểm vận hành không được ổn định.
Bất cập thứ 2 được Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, đó là tỷ lệ nhà máy điện chưa tham gia thị trường vẫn còn khá lớn.
Một trong những tồn tại của thị trường phát điện cạnh tranh là những đơn vị tham gia gián tiếp thị trường còn rất nhiều, mới có 42% công suất các NM tham gia thị trường, với 59NM trực tiếp tham gia thị trường trên tổng số 109 nhà máy điện như vậy số còn lại vẫn còn nhiều hơn số tham gia. "Tôi đề nghị các đơn vị đặc biệt là 3 tập đoàn Điện lực, Dầu khí và Than – khoáng sản cần có sự chuẩn bị tốt cho các NM mới, các NM chưa tham gia thị trường để làm sao trong thời gian sớm nhất để có thể tham gia thị trường – điều này cũng đã được quy định rõ trong Thông tư 30/TT-BCT". Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.
Một bất cập được khá nhiều chủ nhà máy thủy điện nêu ra, đó là việc áp dụng quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện trong mùa mưa bão cũng đã hạn chế khả năng tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. Đặc biệt, với một số nhà máy thủy điện phải ưu tiên nước cho sản xuất nông nghiệp trong mùa kiệt đã bị buộc đưa ra khỏi thị trường. Ông Võ Tăng Lý - Giám đốc Nhà máy Thủy điện Đại Ninh cho biết, vào mùa kiệt, công ty không chỉ bị hạn chế về mặt phát điện mà còn thiệt hại lớn về giá bán điện.
Cũng là những bất cập về giá bán điện, nhưng với Công ty CP thủy điện GERUCO - Sông Côn lại là vấn đề giá công suất thị trường. Theo bà Trần Thị Oanh - TGĐ Công ty này, khi ban hành khung pháp lý cho thị trường phát điện cạnh tranh, Bộ Công thương đã xác định nguyên tắc xây dựng giá công suất thị trường là đảm bảo cho nhà máy điện mới thu hồi chi phí phát điện. Tuy nhiên, quy định này vẫn còn hạn chế khi không thay đổi trong năm áp dụng và trong công thức tính giá không có tham số tỷ giá, do đó việc điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.
Cùng với việc chậm ban hành các văn bản, khung khổ pháp lý, thông tư hướng dẫn liên quan đến vận hành thị trường điện thì cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ dẫn đến việc chưa thu hút và đáp ứng được sự tham gia của đông đảo các nhà máy điện thời gian qua. Vì vậy, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực, ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, đây là nhiệm vụ được Bộ Công thương ưu tiên triển khai nhằm đảm bảo thị trường phát điện cạnh tranh được vận hành tốt và hoàn thiện vào năm 2018 cũng như chuẩn bị cho việc khởi động thị trường bán buôn điện cạnh tranh (được thí điểm từ năm 2016 và chính thức vận hành từ năm 2019).
"Chúng tôi cũng đưa ra nhiều giải pháp để tăng tối đa các NM điện tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. Thứ nhất, sẽ chỉ đạo, đôn đốc tất cả các NM điện, đặc biệt là các đơn vị phát điện thuộc các tập đoàn kinh tế lớn như Tập đoàn điện lực, Dầu khí (PVN) và Than khoáng sản (TKV) tham gia vào thị trường điện; Phối hợp với EVN, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia và các đơn vị phát điện (GENCO) để làm tốt công tác phối hợp, thảo luận, đào tạo, bồi dưỡng nhân sự để đáp ứng các yêu cầu của thị trường điện. Thứ 3 chúng tôi cũng sẽ ban hành thêm các văn bản quy định, hướng dẫn các đơn vị trong vấn đề chuẩn bị tham gia thị trường điện. Chúng tôi cũng xem xét những khó khăn vướng mắc của các NM điện, ví dụ như các NM điện mục tiêu khi tham gia thị trường thì sẽ gặp khó khăn vướng mắc gì, bằng những văn bản, quy định, hướng dẫn, chúng tôi cũng hy vọng sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn để làm sao nâng cao được tỷ lệ các NM điện tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh". Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Cùng với việc yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng Đề án sớm đưa các nhà máy thủy điện đa mục tiêu, các nhà máy điện được xây dựng dưới hình thức liên doanh liên kết, có vốn đầu tư nước ngoài như các nhà máy BOT vào tham gia thị trường, ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công thương cũng yêu cầu Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) phải kịp thời công cấp thông tin về thị trường điện cũng như công bố báo cáo vận hành thị trường cho các bên tham gia thị trường và khách hàng để tạo sự minh bạch. Đồng thời, phải nhanh chóng tái cơ cấu ngành điện, nhanh chóng tách 3 tổng công ty phát điện (GENCO) ra khỏi Tập đoàn điện lực Việt Nam để 5 tổng công ty phát điện hiện có hoạt động độc lập, đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng. Thị trường điện hiện có 5 tổng công ty phát điện, trong đó 3 GENCO thuộc EVN, 1 GENCO thuộc TKV và 1 GENCO thuộc PVN.