Tăng cường công khai, minh bạch giá điện theo cơ chế thị trường

Thứ sáu, 16/5/2014 | 15:28 GMT+7
Giá điện còn tăng đến bao giờ? Tại sao đối với sản phẩm điện hiện nay, càng mua nhiều lại phải trả giá cao hơn? Đây là câu hỏi mà đa số khách hàng sử dụng điện đang đặt ra.
 


Việc áp dụng “cơ chế tự động điều chính giá điện” đã tạo điều kiện cho ngành điện bù đắp được các chi phí tăng lên đối với những hạng mục nằm ngoài khả năng kiểm soát của ngành điện. Ảnh: Ngọc Hà
 
Như chúng ta đã biết, trong cơ chế thị trường, mọi cá nhân, đơn vị đều được quyền tự do quyết định về các mối tương quan mua bán của mình với các cá nhân và đơn vị khác. Thị trường chính là một phương tiện mà thông qua đó các cá nhân, đơn vị giao dịch với nhau. Trong các giao dịch đó, người mua và người bán, bao giờ cũng đưa ra những quyết định sao cho có lợi nhất cho sự phát triển và tồn tại của bản thân. Do đó, người mua thì muốn mua với giá rẻ, còn người bán thì lại muốn bán với giá đắt. Việc mua rẻ, bán đắt được coi đó là một quy luật của thị trường.

Phản  ánh cung-cầu

Giá cả đối với các hàng hóa và dịch vụ nói chung và giá điện nói riêng có rất nhiều chức năng mà chức năng trực tiếp nhất là tạo điều kiện cho các nhà sản xuất trang trải các chi phí của họ và tạo cho họ một số lợi nhuận nhất định. Như vậy, giá cả đóng vai trò như là yếu tố khuyến khích đầu tư và sản xuất. Giá cả cũng có thể coi như một luồng thông tin giữa nhà sản xuất và người tiêu thụ, vì nó cung cấp tín hiệu về sự khan hiếm của một loại hàng hóa nhất định, về nhu cầu tiêu thụ.

Đối với bất kỳ quốc gia nào thì việc định giá điện thường được sử dụng để thực hiện các mục tiêu của Chính sách Năng lượng Quốc gia, như: hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, khuyến khích nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượn tạo, bảo vệ môi trường sinh thái…

Khi nền kinh tế nước ta chuyển sang kinh tế thị trường, tuy phương pháp định giá điện về cơ bản vẫn như cũ, nhưng Nhà nước đã cho tăng dần giá điện lên để phản ảnh gần đúng với giá thành điện và đồng thời để giảm dần gánh nặng bù lỗ của Nhà nước cho ngành điện. Cũng có nhiều người cho rằng, Nhà nước muốn tăng giá điện lên cho bằng mức của các nước trong khu vực, trong khi thu nhập của dân còn thấp, là điều thiếu thực tế. Nhưng thực ra đó không phải là mục tiêu của Nhà nước khi quyết định tăng giá điện. Mục tiêu cơ bản xuyên suốt chính là phải tăng giá điện lên đến mức để nó phản ánh đúng quan hệ cung cầu của thị trường và chỉ có như vậy thì mới có thể đồng thời đáp ứng được các mục tiêu của Chính sách Năng lượng Quốc gia. Mặt khác, cũng chỉ bằng cách như vậy mới có thể khuyến khích việc sử dụng điện nói chung và các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường sống của chúng ta.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế, năm 2014, EVN sẽ phải huy động vốn đầu tư 123.654 tỷ đồng (khoảng 6 tỷ USD), tăng 17,3% so với năm 2013. Nhà nước không thể cấp số vốn này từ ngân sách được, mà EVN phải “tự vay, tự trả”. Muốn vay được vốn, thì điều kiện tiên quyết là EVN phải bảo đảm có một thể trạng tài chính mà các tổ chức tài chính quốc tế chấp nhận được. Theo một số tổ chức như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), EVN phải đạt được tỉ lệ đầu tư là 30%, tỉ lệ trả lãi là 2 và mức sinh lợi thấp nhất là 7%. Đây cũng là tiêu chuẩn áp dụng cho các nước đang phát triển. Như vậy, để tồn tại và phát triển, EVN không phải chỉ phấn đấu “giảm lỗ”, mà còn phải có lãi ở mức để có ngân hàng chấp nhận cho vay. Việc áp dụng “cơ chế tự động điều chính giá điện” đã tạo điều kiện cho ngành điện bù đắp được các chi phí tăng lên đối với những hạng mục nằm ngoài khả năng ngành điện có thể tự kiểm soát được.

Hiện nay, giá đầu vào của sản xuất điện (nhất là than) là một trong những yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất tới việc tăng giá điện. Trước đây, than bán cho điện chỉ bằng khoảng 60% -70% giá thành sản xuất than thì năm 2013 đã bằng với giá thành, năm 2014, giá than bán cho điện sẽ thực hiện theo giá thị trường. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN)  cũng đang kiến nghị tăng giá khí đốt cho sản xuất điện. Điều đó cũng có nghĩa là, EVN sẽ phải mua điện từ các nhà máy nhiệt điện với giá cao hơn năm 2013 (hiện nhiệt điện chiếm tới 45,9% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống).

Phải được minh bạch

Hiện nay, vấn đề nhiều người quan tâm  không còn là việc có tăng giá điện hay không mà quan trọng hơn là giá điện có minh bạch để bảo đảm quyền lợi cho cả nền kinh tế, nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng cũng như câu hỏi: Tại sao mua điện nhiều lại phải trả với giá cao hơn?

Theo các chuyên gia kinh tế, hệ thống điện hiện có rất nhiều nguồn phát, từ thủy điện, nhiệt điện (than, dầu khí) tới điện nhập khẩu… Giá thành sản xuất điện hiện nay chưa được tính toán cụ thể và cân đối bù trừ đối với từng nguồn phát điện trên hệ thống. Vì vậy, muốn minh bạch giá điện, trước tiên phải minh bạch được giá thành sản xuất điện, giá truyền tải và phân phối điện.

Để công khai, minh bạch giá điện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) giai đoạn 2013-2015, theo đó giá sàn sẽ là 1.437 đồng và giá trần 1.835 đồng một kWh. Ngày 22/4/2014, Bộ Công Thương cũng đã ra Chỉ thị số 11/CT-BCT về việc tăng cường công khai, minh bạch giá điện theo cơ chế thị trường, bao gồm giá bán điện và giá truyền tải, báo cáo quyết toán tài chính (có kiểm toán) và kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc trích lập và sử dụng các quỹ; các khoản đóng góp cho ngân sách nhà nước; các khoản thu nhập và thu nhập bình quân của người lao động; thù lao, tiền thưởng và thu nhập bình quân hàng tháng của năm trước liền kề đối với từng viên chức quản lý DN.

Trước hết phải thấy rằng, câu hỏi “tại sao mua nhiều điện lại phải trả với giá cao hơn?” luôn đúng với bất kỳ sản phẩm nào. Theo biểu giá điện hiện nay, đối với điện bán lẻ cho sinh hoạt thì khách hàng càng mua nhiều điện thì càng phải trả với giá cao hơn, khác với các loại hàng hóa là càng mua nhiều càng được khuyến khích, giảm giá, có thưởng…Nói cách khác, hiện nay khách hàng sử dụng điện sinh hoạt chưa được khuyến khích tiêu thụ nhiều điện năng.

Kinh nghiệm từ các nước đang phát triển cho thấy, ở thời kỳ đầu, khi thu nhập quốc dân còn thấp, tỉ lệ người nghèo trong xã hội còn cao, nếu đưa giá điện phản ánh đúng cung-cầu của thị trường thì nhóm khách hàng nghèo không thể chịu được. Bởi vậy, các nước đang phát triển phải áp dụng biện pháp bù giá  giữa các nhóm khách hàng khi xây dựng cơ cấu biểu giá điện. Nước ta cũng không phải là một ngoại lệ. Trong khi mà thu nhập của dân cư nói chung còn thấp thì việc xây dựng một giá điện sao cho tất cả khách hàng đều có thể đáp ứng được là một vấn đề chưa thể thực hiện được trong ngày một ngày hai. Chính vì vậy, ngoài việc kiểm soát giá điện, Nhà nước còn có chính sách xây dựng một biểu giá điện theo hướng bù giá giữa các nhóm khách hàng. Mặc dù điều này về lâu dài là không có lợi, do nó sẽ làm sai lệch tín hiệu thị trường, nhưng lại là một biện pháp hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Nếu nghiên cứu biểu giá điện hiện hành, có thể thấy, giá bán điện cho khách hàng sinh hoạt nông thôn thấp hơn so với các mức giá bán cho sinh hoạt thành thị. Thực tế, giá này được bù giá từ các nhóm khách hàng khác có thu nhập bình quân cao hơn vùng nông thôn. Ngay ở khu vực thành thị, việc chia ra các bậc thang giá điện cũng là nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tối thiểu cho những người có thu nhập thấp ở khu vực thành thị. Điều này thể hiện tính ưu việt trong chính sách của Nhà nước ta, chứng tỏ sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường theo định hướng XHCN./

 
Thanh Mai / ICON.com.vn