Tuy nhiên, do hầu hết đội ngũ cán bộ nhân viên kinh doanh viễn thông đều chuyển từ sản xuất kinh doanh điện sang kinh doanh viễn thông điện lực nên tính chuyên nghiệp chưa cao. Để khắc phục hạn chế này, theo ông Lê Quang Thái, Điện lực Sơn La đã ưu tiên tuyển những cán bộ, nhân viên có năng lực phân công phụ trách hoạt động kinh doanh viễn thông. Mặt khác, thường xuyên mở các khoá tập huấn đào tạo, hướng dẫn nhân viên kinh doanh viễn thông quy trình nghiệp vụ kiến thức về tiếp thị để công tác chăm sóc khách hàng ngày một tốt hơn.
Cùng với sự xuất hiện của hai "đối thủ" mới trên thị trường dịch vụ điện thoại cố định không dây là G-Phone và Home-Phone, Điện lực Sơn La đang đề nghị EVN Telecom tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng, lắp đặt các trạm thu phát sóng (BTS) kịp thời ở những vùng sóng yếu; đồng thời yêu cầu các nhà cung cấp thiết bị thường xuyên tối ưu hoá mạng, kiểm tra, khắc phục các lỗi kỹ thuật kịp thời nhằm khôi phục thuê bao rời mạng và vận động khách hàng quay trở lại dùng mạng viễn thông điện lực. Bên cạnh đó, Điện lực chỉ đạo các đơn vị chi nhánh tạm ngừng cắt chiều gọi đến của khách hàng nợ cước để giữ liên lạc với khách hàng. Đối với những khách hàng nợ cước hai tháng có thể tạm ngừng dịch vụ gọi đi nhưng phải thông báo trước cho khách hàng. Danh sách tạm ngưng dịch vụ do nợ cước phải được giám đốc điện lực duyệt, tránh trường hợp tạm ngưng do lỗi của nhà cung cấp và đơn vị quản lý khách hàng. Ngoài ra, Điện lực còn yêu cầu các chi nhánh điện cử nhân viên thu cước tránh thu dồn cước cũng như hạn chế tối đa việc thay đổi nhân viên thu cước tại địa bàn.
Hiện hạ tầng viễn thông điện lực trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được đầu tư qua 5 giai đoạn với 38 trạm BTS đang hoạt động, tổng chiều dài hệ thống cáp quang là 588,5km. Số thuê bao tính đến đầu tháng 7 đạt gần 64.000 thuê bao. Đây là 1 trong 4 Điện lực của Công ty Điện lực 1 giữ được tốc độ phát triển thuê bao tương đối ổn định./.
Mai Phương